Tham dự hội thảo trực tuyến có: PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng IAMES; Ngài Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Ma Rốc tại Việt Nam cùng các học giả tiêu biểu của hai nước đến từ Bộ Công Thương Việt Nam; Bộ Năng lượng, Khoáng sản và Phát triển bền vững; Viện Kinh tế Việt Nam; Cục Năng lượng bền vững; Trung tâm Đổi mới và phát triển xanh; Chương trình Đổi mới R&D, Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời và năng lượng mới cùng các cán bộ nghiên cứu của IAMES và các chuyên gia nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm.
Việt Nam và Ma Rốc là hai quốc gia có tiềm năng và thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển xanh bền vững. Do vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những chính sách ưu tiên của cả Việt Nam và Ma Rốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 và tăng trưởng xanh.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng này, ngày 11/2/2020, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo khâu đột phá chính sách và cơ chế để khuyến khích và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước.
|
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo IAMES, PGS.TS. Lê Phước Minh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ các đại biểu tham dự trực tiếp tại Việt Nam và trực tuyến tại Vương quốc Ma Rốc. PGS Viện trưởng trân trọng những thành tựu hai quốc gia đạt được trong 60 năm qua, luôn sát cánh và ủng hộ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực (chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội…) và hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Ma Rốc. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo diễn đàn cho các nhà học giả, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách trong và ngoài nước trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá chiến lược, chính sách, thực trạng thực thi phát triển năng lượng tái tạo ở hai nước. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại, những thuận lợi và khó khăn trong việc hoạch định chính sách, triển khai đầu tư phát triển năng lượng tái tạo giữa hai bên; tìm phương thức và cơ hội hợp tác đầu tư phát triển năng lượng tái tạo giữa Việt Nam – Ma Rốc.
Đặc biệt, PGS Viện trưởng nhấn mạnh đến mục tiêu chung của Hội thảo hướng đến đó là: Củng cố và phát triển các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa IAMES với các đối tác Ma Rốc. Đây là cầu nối liên kết giữa các đối tác Việt Nam với Ma Rốc cũng như các đối tác tiềm năng Châu Phi khác.
Ngoài ra, PGS.TS. Lê Phước Minh cũng gửi lời chào mừng đến Bà Đặng Thu Hà, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Ma Rốc; mong muốn Bà sẽ hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực hợp tác tiềm năng và thế mạnh này của hai quốc gia.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Đại sứ Jamale Chouaibi nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt các đại biểu hai nước. Ngài Đại sứ bày tỏ niềm tin vào sự trao đổi, thảo luận về năng lượng tái tạo từ phía các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là nguồn tư liệu quí giá trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng của Ma Rốc đến năm 2030 là sản xuất 52% năng lượng tái tạo, trong đó 20% là năng lượng mặt trời, 20% năng lượng gió và 12% là thủy điện. Bên cạnh đó, Ma Rốc cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực trong nỗ lực hợp tác với các nước Châu Phi để phát triển kinh tế xanh bền vững được biết với Sáng kiến Vành đai Xanh của Quốc vương Mohammed VI. Đại sứ cũng nhấn mạnh, hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ma Rốc, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác Nam – Nam (*).
Hai mục tiêu cụ thể về năng lượng tái tạo đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam là: Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.
Bên cạnh đó, Ma Rốc là một trong những quốc gia Bắc Phi có nhiều thành tựu trong tăng trưởng và phát triển, là một trong các nền kinh tế tăng trưởng và ổn định chính trị nhất trong các quốc gia Châu Phi. Ma Rốc là quốc gia có phát triển mạnh về các dự án năng lượng tái tạo ở Châu Phi. Việc phát triển năng lượng tái tạo là chìa khóa để quốc gia Bắc Phi này giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Hội thảo nhận được 07 báo cáo của các diễn giả Việt Nam và Ma Rốc trao đổi và thảo luận về các nội dung về Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam; Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Ma Rốc; Tạo giá trị thông qua chuyển đổi năng lượng; Thuận lợi và khó khăn trong phát triển bền vững ở Việt Nam; Triển vọng hợp tác phát triển năng lượng tái tạo giữa Việt Nam – Ma Rốc…
Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo nhằm tăng cường kết nối, tạo cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư phát triển năng lượng tái tạo giữa các đối tác hai bên, góp phần thực hiện thành công Đề án “Phát triển quan hệ Việt Nam và các nước Trung Đông- Châu Phi giai đoạn 2016-2025” của Chính phủ Việt Nam. Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ ngoại giao hai nước ngày càng phát triển vì sự thịnh vượng và xanh của cả Việt Nam, Ma Rốc và Châu Phi.
Nguyễn Thu Trang
(*) Hợp tác Nam - Nam là hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển (UNDP).