Hội thảo thường niên cấp Quốc gia “Nghiên cứu Hán Nôm năm 2021” Học thuật và Kết nối

17:00 01/10/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 01 tháng 10 năm 2021, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì tổ chức Hội thảo thường niên cấp quốc gia “Nghiên cứu Hán Nôm năm 2021” diễn ra theo hình thức bán trực tuyến. Đây là chuỗi hội thảo thường niên bắt đầu từ năm 2017, được cải tiến và nâng cấp từ Hội nghị thường niên “Thông báo Hán Nôm học” đã được tổ chức trong giai đoạn 1995-2016. Mô hình Hội thảo nâng cấp đã trở thành diễn đàn quan trọng để giới nghiên cứu Hán Nôm trong cả nước thảo luận về các vấn đề liên quan đến sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phiên dịch, khai thác giá trị của tài liệu Hán Nôm ở miền Bắc – Trung – Nam và ở nước ngoài.

 

Tham dự sự kiện Hội thảo trực tuyến có hơn 100 học giả và các đại biểu trong và ngoài nước. Về phía Viện Nghiên cứu Hán Nôm có PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng - Trưởng ban Tổ chức; PGS.TS. Vương Thị Hường- Phó Viện trưởng, Phó Trưởng ban Tổ chức. Về phía học giả nước ngoài có TS. Yoshikawa Kazuki, Đại học Kansai - Nhật Bản. Về phía các đơn vị trong nước có PGS.TS. Phạm Văn Khoái, Trưởng Bộ môn Hán Nôm, ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Chung, Tổ trưởng Tổ Hán Nôm, ĐH Sư phạm Hà Nội; PGS. TS. Tạ Duy Phượng Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Công Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trường ĐHKHXH&NV-ĐH Quốc gia TP HCM, cùng một số nhà khoa học đến từ Viện Văn học, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế; Tòa giám mục Hải Phòng; Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Đà Nẵng; đặc biệt có sự tham dự của 02 nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh và PGS.TS Nguyễn Công Việt và một số cơ quan truyền thông. Tất cả các tác giả kể trên đều có bài viết gửi tham dự hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện Trưởng Viện NC Hán Nôm,

phát biểu chào mừng và trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo

Phát biểu chào mừng và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường vui mừng và chào đón sự tham dự đông đủ của các học giả đến từ các đơn vị và trường đại học nghiên cứu chuyên ngành, trong đó có những nhà nghiên cứu trẻ quan tâm tới việc sưu tầm, bảo quản và nghiên cứu Hán Nôm. Trưởng ban Ban tổ chức hội thảo đã khái quát một số kết quả đạt được về chặng đường 5 năm đầu tổ chức Hội thảo Nghiên cứu Hán Nôm (2017 - 2021), nhìn chung các tham luận đã cho thấy ngày càng có sự tăng cường hàm lượng khoa học cũng như mức độ đầu tư tâm sức của các tác giả. Báo cáo đề dẫn nhấn mạnh rằng cả những người tổ chức và những người tham dự hội thảo đều cần tự đổi mới bản thân mình để thích ứng với những yêu cầu mới trong học thuật đương đại.

Kỷ yếu Hội nghị Thông báo Hán Nôm học và Hội thảo Nghiên cứu Hán Nôm giai đoạn 2013-2021

Hội thảo dành sự quan tâm đến các bài viết căn cứ trên việc giải đọc và phân tích tài liệu Hán Nôm một cách trực tiếp, hạn chế cách tiếp cận tư liệu chỉ thông qua bản dịch đã công bố, không sử dụng tư liệu gốc bằng chữ Hán, chữ Nôm. Hội thảo không khuyến khích các bài viết có tính chất bình luận chung chung, vu khoát, không dựa trên căn cứ tư liệu Hán Nôm nguyên gốc. Yêu cầu đối với các bài tham luận cần chỉ rõ nguồn tư liệu Hán Nôm được lưu trữ ở đâu, kí hiệu (nếu có) là gì. Hội thảo nhấn mạnh vào tư liệu gốc theo phương châm “phương pháp là nhất thời, tư liệu là mãi mãi”, nhưng Hội thảo cũng không chấp nhận các bài viết chỉ thuần tuý phiên dịch tư liệu.

Mỗi bài viết gửi hội thảo đều được xoá thông tin tác giả và gửi đến 02 nhà khoa học để phản biện kín theo quy chuẩn “peer review” (thẩm bình đồng cấp) của các tạp chí quốc tế. Ban Tổ chức hội thảo căn cứ trên các ý kiến phản biện kín để quyết định việc chấp nhận hay từ chối bài viết. Trung bình mỗi năm Hội thảo từ chối khoảng ¼ số bài viết gửi đến. Kỉ yếu hội thảo trung bình mỗi năm dày 900 trang, được biên tập cẩn thận, in ấn trang nhã thành dạng tùng thư (book series), xuất bản vào quý IV (sự kiện hội thảo diễn ra trong quý III cùng năm), sách có chỉ số ISBN theo quy định về công bố học thuật.

Một số đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

Hội thảo năm nay đã nhận được 82 tham luận gửi đăng kí tham gia, sau quá trình phản biện kín đã lựa chọn được 65 tham luận có chất lượng và đáp ứng các tiêu chí đưa ra của Ban tổ chức. Các tham luận này được phân thành 4 tiểu ban chuyên môn, mỗi tiểu ban có 2 phiên họp. Ở mỗi phiên, các tác giả tham luận trình bày nghiên cứu của mình trong tối đa 10 phút và dành thời gian 30 phút cho hỏi đáp và thảo luận. Tiểu ban 1 với chủ đề “Phật giáo Việt Nam qua tư liệu Hán Nôm” do TS. Nguyễn Tô Lan và TS. Nguyễn Xuân Diện chủ trì; Tiểu ban 2 với chủ đề “Văn bia và văn bia hậu Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường và PGS.TS. Trần Trọng Dương chủ trì; Tiểu ban 3 với chủ đề “Nghiên cứu Hán Nôm” do TS. Đỗ Thị Bích Tuyển và TS. Trần Thị Thu Hường chủ trì; Tiểu ban 4 với chủ đề “Tư liệu Hán Nôm” do PGS.TS. Vương Thị Hường và TS. Đào Phương Chi chủ trì. Ngoài các tham luận của những học giả đã thành danh trong giới, phần trình bày của những nhà nghiên cứu trẻ cũng là một điểm nhấn của hội thảo thu hút nhiều sự quan tâm và nhận được đánh giá cao từ cử toạ như tham luận về “Phật giáo Đàng ngoài thế kỷ XVIII phản ánh qua trai đàn giải kết” của ThS Nguyễn Hải Anh (tiểu ban 1), “Nghiên cứu văn bia hậu của người Công giáo” của ThS. Lê Thị Hà (tiểu ban 2). Hai tiểu ban (3 và 4) có tính cơ hữu của Hội thảo theo như nhận xét của TS. Nguyễn Đại Cồ Việt (Đại học Quốc gia Hà Nội) là “đi từ toán học, ngôn ngữ học, văn bản học, tín ngưỡng, văn học dân tộc thiểu số, hội đoàn trong làng xã v.v... Người nghe có thể thoải mái "mót nhặt" tri thức ở những lĩnh vực mới mẻ, để mà mở rộng thêm nhãn giới.” 


Các tiểu ban trong buổi Hội thảo

Phát biểu bế mạc buổi Hội thảo, Ban tổ chức Hội thảo ghi nhận và cảm ơn những đóng góp và chia sẻ những tri thức và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu Hán Nôm và các lĩnh vực liên quan của các học giả. Đồng thời Ban tổ chức cũng mong muốn tiếp tục nhận được những góp ý tích cực của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để nâng cao hơn nữa chất lượng khoa học của Hội thảo ở những năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy các bình diện công tác trong lĩnh vực Hán Nôm, phục vụ mục đích bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá Hán Nôm Việt Nam, đóng góp chung cho lĩnh vực học thuật liên quan trên trường quốc tế./.

Nguyễn Minh Hồng

 (Tổng hợp từ nguồn tài liệu Viện NC Hán Nôm)

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác