![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/khxhmn1-%2024.10.2021.jpg)
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các Viện nghiên cứu, trường đại học, Hiệp hội doanh nghiệp của trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, đến dự và đưa tin cho hội thảo còn có các báo đài: VTV, VOV, Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Báo Nhân Dân, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phòng, VNExpress, Thông tấn xã Việt Nam,…
Hội thảo đã công bố kết quả một nghiên cứu đánh giá nhanh về các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, về kế hoạch phục hồi sản xuất sau ngày 01/10/2021, những khó khăn và kiến nghị của DN trên địa bàn TPHCM, do nhóm nghiên cứu Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành từ ngày 05-15/10/2021. Các vấn đề cơ bản nổi lên từ thực tiễn cung cấp bằng chứng cho các khuyến nghị chính sách và giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương.
Các phát hiện chính được rút ra từ cuộc khảo sát định lượng qua bảng hỏi online với 100 DN trong và ngoài khu công nghiệp tại TPHCM, trong đó có 25 DN FDI; và phương pháp định tính với 18 cuộc phỏng vấn sâu online, gồm lãnh đạo của 10 doanh nghiệp Việt, 3 doanh nghiệp FDI, 4 Hiệp hội DN tại TPHCM và lãnh đạo Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM. Kết quả này phản ảnh các vấn đề cơ bản và các đề xuất, khuyến nghị chính của các DN thuộc các lĩnh vực sản xuất chủ yếu của TPHCM trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi, phát triển dù có thể đang hoạt động một phần hoặc tạm ngưng sản xuất nhưng sẽ khởi động lại.
Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, PGS.TS Lê Thanh Sang, Viện trưởng đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu đã trình bày tóm tắt các kết quả bao gồm:
1. Đánh giá tính khả thi của các tiêu chí trong Bộ tiêu chí an toàn sản xuất tại doanh nghiệp (Phụ lục IV theo Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ)
Bên cạnh các tiêu chí có tính khả thi cao, một số tiêu chí được DN đánh giá có tính khả thi thấp hơn liên quan đến ba nhóm quy định chính: (1) Xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc và tất cả NLĐ tham gia sản xuất đạt điều kiện. (2) Mật độ 4m2/NLĐ và khoảng cách 2m/NLĐ tại nơi làm việc; có hợp đồng với đơn vị y tế hoặc nhân lực y tế chuyên trách; và đặc biệt là mô hình “3 tại chỗ”. (3) Kiểm soát lưu thông và nơi lưu trú của NLĐ.
Các đánh giá trên gắn với vấn đề: (1) làm tăng chi phí sản xuất quá mức như mô hình “3 tại chỗ” và xét nghiệm; (2) các quy định an toàn quá mức khi NLĐ đã tiêm vắc xin theo quy định vẫn phải xét nghiệm âm tính trước khi vào làm việc, hoặc yêu cầu khó đáp ứng trên thực tế như mật độ và khoảng cách nơi làm việc; và (3) các yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của DN như tình trạng di chuyển và lưu trú của NLĐ. Các vấn đề trên cũng phản ảnh cách tiếp cận an toàn nhưng ít chú trọng đến tính hiệu quả của sản xuất và các điều kiện thực tế khi áp dụng Bộ tiêu chí.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/hình%201%20-%20htvnb1%20-%2024.10.2021.png)
2. Đánh giá tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết 105/NQ-CP
Trong thực hiện chính sách, nhóm hỗ trợ về tài chính như miễn, giảm, giãn thuế, phí, giá, cơ cấu lại thời gian trả nợ vay,… và hỗ trợ tiêm vắc xin cho NLĐ được đa số các DN đánh giá có mức hiệu quả cao. Các nhóm hỗ trợ được đánh giá có mức hiệu quả thấp hơn gồm: (1) Nhóm hỗ trợ về sinh phẩm và quản lý dịch bệnh như nhập khẩu vắc xin, thiết bị xét nghiệm, tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm, xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp, hướng dẫn triển khai đồng bộ và thống nhất về việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh. (2) Nhóm hỗ trợ chuỗi cung ứng như quản lý thị trường, đảm bảo cân đối vật tư, hàng hóa, cung cấp thông tin thị trường, kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, và quy định về giao nhận, vận tải.
Trong số các yếu tố ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, “Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ” được DN đồng ý cao nhất. Yếu tố quan trọng thứ hai là “Chưa có các hướng dẫn cụ thể, đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương”. Các yếu tố về “Các hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế địa phương”, “Thủ tục hành chính phức tạp”, và “Nền tảng công nghệ số trong quản lý nhà nước còn hạn chế” là nhóm quan trọng thứ ba. Bên cạnh đó, một số DN cũng cho rằng việc thực hiện chính sách hỗ trợ DN còn hạn chế là do tính chất phức tạp và quy mô lớn của đại dịch Covid-19.
Tại thời điểm khảo sát, 35% số DN khảo sát cho rằng được hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện; 19% số DN được miễn nộp đoàn phí Công đoàn; 18% số DN được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; và khoảng 9-15% số DN được hỗ trợ các khoản khác như các khoản thuế, phí bảo hiểm xã hội,...
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/hình%202%20-%20htvnb1%20-%2024.10.2021.png)
3. Kế hoạch phục hồi sản xuất và các khó khăn của doanh nghiệp
Tính chung, 44% và 29% số DN có kế hoạch phục hồi toàn bộ và phần lớn hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, 31% số DN chỉ phục hồi một phần; 24% chưa xác định thời gian phục hồi sản xuất cụ thể, mà phụ thuộc vào việc đánh giá diễn biến dịch bệnh, các yếu tố đầu vào, thị trường và lợi nhuận trong thời gian tới. Có 8 trong số 100 DN, một nửa là DN FDI, có kế hoạch chuyển một phần đơn hàng sang nước khác hoặc nơi khác.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/hình%203%20-%20htvnb1%20-%2024.10.2021.png)
Với 11 lĩnh vực chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tính bình quân chỉ 16,2% số DN ít khó khăn, 37,7% có khó khăn, và 46,1% rất khó khăn. Các khó khăn này trải rộng từ các vấn đề liên quan đến quy định của các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống dịch đến các yếu tố đầu vào như vốn, lao động, nguyên liệu, chuỗi cung ứng, đến các điều kiện tổ chức sản xuất, và thị trường tiêu thụ. Theo đó, ít nhất 35% DN gặp khó khăn nhất đối với vấn đề “không thể thanh toán nợ đáo hạn, tiền lãi”. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với DN là chi phí sản xuất tăng do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, trở ngại trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và thiếu hụt nguồn lao động.
![VTV9 đưa tin về Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/khxhmn-%2024.10.2021.jpg)
4. Các kiến nghị của doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả chính sách phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo mục tiêu kép
- Kiến nghị phổ biến nhất trong số các DN được khảo sát là “Công bố rõ ràng chính sách phục hồi, xác định điều kiện, tiêu chí mở cửa thống nhất theo lộ trình từ các bộ, ngành, địa phương để DN chủ động ứng phó”.
- Kiến nghị phổ biến thứ hai là “Đơn giản hóa qui trình vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy”.
- Kiến nghị phổ biến thứ ba là “Công bố rõ ràng và nhất quán về chính sách “Thẻ xanh Covid” và di chuyển lao động liên tỉnh”.
- Kiến nghị phổ biến thứ tư là “Đơn giản hóa và số hóa các thủ tục hành chính để giảm ách tắc trong công tác quản lý nhà nước.”
- Kiến nghị cũng được đa số DN quan tâm là “Giãn nợ tới hạn và cung cấp nguồn vay đủ lớn để phát triển sản xuất”.
- Kiến nghị xuyên suốt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần xem DN là một đối tác đầy đủ và trao quyền chủ động cho DN trong xây dựng mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành công tác phòng chống dịch phù hợp với đặc thù ngành nghề. Cần đứng ở góc độ của DN khi ra các quyết sách quản lý, kể cả quản lý phòng chống dịch bệnh Covid 19, thay vì chỉ đứng ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước. Cần đặt niềm tin vào DN, trao cho DN quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm. Chiến lược, chiến thuật chống dịch cần lấy Công nhân là trung tâm, Doanh nghiệp là chủ thể, Y tế hướng dẫn, và Chính quyền hỗ trợ. Mặt khác, cần tham vấn ý kiến của DN thông qua các Hiệp hội, các Hội DN ngành trước khi ra các quyết định và DN cần được thông báo trước khi các quyết định có hiệu lực thi hành để chủ động chuẩn bị, tránh bị động ứng phó.
Các kiến nghị trên có quan hệ chặt chẽ với những vấn đề mà DN đang phải thụ động ứng phó với tình thế khó khăn, trong đó khó khăn nhất là chi phí sản xuất tăng do áp dụng các mô hình phòng chống dịch như “3 tại chỗ”, ách tắc trong vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, và thiếu hụt nguồn lao động. Do vậy, cải thiện năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nâng cao vai trò tích cực, trách nhiệm của DN là các yếu tố quan trọng nhất cần được quan tâm./.
Nguồn: Ban TC Hội thảo
Các báo đài đưa tin về hội thảo:
1. https://thanhnien.vn/som-co-quyet-sach-khac-phuc-nan-thieu-lao-dong-tai-tp-hcm-post1393989.html
2. https://thanhnien.vn/cac-doanh-nghiep-tp-hcm-vuong-mac-gi-khi-phuc-hoi-san-xuat-post1394012.html?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
3. https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/cong-bo-ket-qua-nghien-cuu-ke-hoach-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-tai-tp-ho-chi-minh-670759/?zarsrc=31&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo
4. https://www.sggp.org.vn/van-de-nan-giai-la-chi-phi-san-xuat-tang-van-chuyen-hang-hoa-lien-tinh-va-thieu-hut-nguon-lao-dong-770440.html
5. https://baomoi.com/doanh-nghiep-tp-hcm-kho-dap-ung-bo-tieu-chi-san-xuat-an-toan/c/30418083.epi
6. https://vnexpress.net/doanh-nghiep-lo-kho-khi-len-ke-hoach-phuc-hoi-san-xuat-4375794.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo