Tham dự hội thảo có đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Viện Hàn lâm; các đồng chí lãnh đạo đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại diện một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Trưởng tiểu ban, các đồng chí Phó tiểu ban của Diễn đàn Việt Nam học và 10 tiểu ban chuyên môn cùng các đại biểu quốc tế đến từ các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế.
![Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chào mừng tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/pttduc%20dam.jpg) |
Đến dự Hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các nước trên thế giới, những người có đóng góp to lớn trong công cuộc nghiên cứu Việt Nam học cùng sự hiện diện của đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học trên cả nước.
Do điều kiện Đại dịch Covid-19, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tiến hành dưới 2 hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.Tham gia Hội thảo trực tuyến có Ông Phạm Tất Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó trưởng ban Ban Kinh tế trung ương; Đại sứ các nước Lào, Campuchia, Singapore, Iran, Đại biện lâm thời Triều Tiên, Phó đại sứ Ấn Độ, Trưởng đại diện văn phòng EFEO; Hiệu trưởng Đại học Việt-Nhật, đại diện của các Đại sứ quán các nước Liên bang Nga, Cuba, Mông Cổ, Malaysia, Italia, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtralia, đại diện UNDP, AUF, ADB.
Về phía cơ quan chủ trì hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đến dự và đưa tin về Hội thảo có Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài truyền hình Hà Nội, kênh truyền hình Quốc phòng, Báo Tiền phong, Báo Pháp luật và Đời sống, Báo Vietnamnet, Vnexpress, Báo Hà nội mới và các cơ Quân thông tấn, báo chí khác.
![Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ct%20bui%20nhat%20quang%202810.jpg) |
Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tiếp tục hướng tới việc phát triển sâu rộng ngành Việt Nam học trên toàn cầu, là diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và nước ngoài kế thừa các nghiên cứu trước đó về Việt Nam học, đồng thời làm rõ hơn các vấn đề đương đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI. Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI là sự kiện thu hút đông đảo giới nghiên cứu, giới truyền thông trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, hướng tới sự chủ động hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong thập niên thứ Ba của thế kỷ XXI; đồng thời làm rõ vai trò tích cực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến. Chủ tịch khẳng định, Hội thảo quốc tế Việt Nam học là sự kiện quan trọng bậc nhất của giới nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới, là một diễn đàn khoa học hội tụ những thành quả nghiên cứu giá trị hàng đầu về đất nước và con người Việt Nam. Với chủ đề “Việt Nam chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, Hội thảo không chỉ kế thừa và phát huy chủ đề xuyên suốt từ các kỳ hội thảo trước, mà còn định hướng nghiên cứu bám sát yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Đây là cơ hội quý báu để các bạn bè quốc tế biết đến kho tàng văn hiến và thành quả phát triển của Việt Nam, cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam nhìn lại quá trình vận động của đất nước để từ đó tìm ra những quy luật vận động, bài học lịch sử và động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
![Toàn cảnh Phiên Khai mạc Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/toan%20canh%202810.jpg) |
Chủ tịch bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng các nhà khoa học Việt Nam sẽ hoàn thành tốt đẹp sứ mệnh khoa học của mình, không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, chú giải lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn phải xuất phát từ thực tiễn để tìm ra lời giải khai phóng sức mạnh tiềm tàng của con người Việt Nam, xác lập được thế giới quan, nhân sinh quan và hệ giá trị đạo đức, góp phần thực hiện khát vọng phát triển của dân tộc. Việt Nam học không chỉ chứa đựng trí tuệ Việt Nam mà cả ý chí Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, nghiên cứu quá khứ và hiện tại để góp phần hun đúc trái tim, khối óc người Việt, góp sức vào sự phát triển chung vì hòa bình, hạnh phúc và tiến bộ của thế giới.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn những cống hiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước về Việt Nam. Đó là những đóng góp quan trọng và thiết thực, nhất là trên phương diện xây dựng chính sách đối ngoại, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới. Điều này đang đặt ra những thách thức to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ VI là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên được tổ chức sau Đại hội XIII. Qua đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cũng như các quốc gia khác cần giải quyết kịp thời và hiệu quả nhiều vấn đề mới đặt ra. Giới khoa học nói chung và những người nghiên cứu về Việt Nam nói riêng đứng trước đòi hỏi tiếp tục đi sâu làm rõ các giá trị, các tiềm năng và phương cách để phát huy các giá trị, khơi dậy các tiềm năng, để từ đó biến thành năng lực nội sinh để đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, cần tiếp tục sâu sắc hơn nội dung của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như vị trí và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh văn hóa, Việt Nam học cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số và các yếu tố an ninh phi truyền thống ngày càng hiện hữu qua đó dự báo xu thế, đưa ra những cảnh báo về các vấn đề xã hội, các biện pháp khắc phục những bất cập, mâu thuẫn mới nẩy sinh, đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Thủ tướng bày tỏ niềm tin vào Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giúp các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trao đổi và hợp tác nghiên cứu khoa học vì sự phát triển chung và góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc.
![GS.TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20le%20quan%202810.jpg) |
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Lê Quân nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã khái quát lịch sử phát triển của chuyên ngành Việt Nam học và những đóng góp thiết thực của các kỳ hội thảo phục vụ công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng chí Giám đốc cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của hội thảo, một mặt đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế được giới thiệu, trao đổi những thành tựu nghiên cứu mới về Việt Nam; mặt khác đề xuất, tư vấn những cao kiến nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong tiến trình chủ động hội nhập và phát triển bền vững. Với những kết quả đã đạt được của Đại học Quốc giá Hà Nội trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo, Giám đốc Lê Quân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để cộng đồng khoa học có điều kiện tiếp tục cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vào sự phát triển của đất nước.
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ và triển vọng của ngành Việt Nam học ngày nay. Điều này thể hiện ở phương pháp nghiên cứu khoa học, khách quan và độ phủ rộng trên thế giới. Việt Nam học không chỉ nhìn lại quá khứ, mà còn nghiên cứu những vấn đề đương đại và hướng tới tương lai, như nguồn sức mạnh mềm góp phần quan trọng để phát triển và hội nhập đất nước.
![GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm báo cáo đề dẫn tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20nguyen%20anh%202810.jpg) |
Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI tổ chức 10 tiểu ban, tập trung thảo luận 10 chủ đề chính: (1) Các vấn đề khu vực và quốc tế; (2) Tư tưởng và Chính trị; (3) Dân tộc và Tôn giáo; (4) Giáo dục, đào tạo và phát triển Con người Việt Nam; (5) Kinh tế, Công nghệ và Môi trường; (6) Ngôn ngữ và Văn học; (7) Nhà nước và Pháp luật; (8) Lịch sử, Khảo cổ và Hán Nôm; (9) Văn hóa; (10) Xã hội. Giáo sư Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, điểm nổi bật của Hội thảo lần này là sự xuất hiện của chủ đề Tư tưởng và Chính trị. Nội dung này cũng bao trùm và có liên quan trực tiếp đến các chủ đề còn lại. Bởi dù đứng ở góc độ nghiên cứu nào về Việt Nam, kinh tế hay công nghệ, môi trường, vấn đề khu vực và quốc tế hay dân tộc, tôn giáo, giáo dục và đào tạo…cũng không thể rời xa mục tiêu nghiên cứu vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, không thể tách khỏi đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, quy tụ các nhà nghiên cứu Việt Nam trong nước và quốc tế. Hội thảo là diễn đàn khoa học quí báu, là cơ hội cho các nhà Việt Nam học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp, đồng thời là dịp để tăng cường sự phối hợp giữa các học giả trong nước và quốc tế nhằm đề xuất, tham vấn chính sách phát triển của Việt Nam theo phương châm “Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững”.
Hội thảo nhận được 730 bài tham luận của các học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn được 400 tham luận tóm tắt để đưa vào Kỷ yếu, trong đó có 120 bài được trình bày tại các Tiểu ban chuyên môn.
Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ VI sẽ diễn ra trong 02 ngày (28-29/10/2021) tại Hà Nội.
Nguyễn Thu Trang