Hội thảo khoa học “Khoa học Địa lý nhân văn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển”

17:00 01/11/2021
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 02/11/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Khoa học Địa lí nhân văn với việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức trong nước và ngoài nước tham dự. GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đến dự và phát biểu khai mạc.

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Thế kỷ 21 được xác định là thế kỷ của biển và đại dương. Việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế của các quốc gia nhằm mở rộng không gian cho các chiến lược phát triển đất nước.

Việt Nam với lợi thế là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài trên 3.260km, diện tích các vùng lãnh hải thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên 1 triệu km2. Biển, đảo trở thành bộ phận thiêng liêng, không tách rời của Tổ quốc – có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Đây là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cho bao thế hệ người Việt sinh sống và phát triển; là không gian sinh tồn để Việt Nam phát triển bền vững. Cùng với đó, vùng biển nước ta có vị trí địa lý quan trọng trong các chiến lược phát triển của khu vực và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý đại biểu đến tham dự Hội thảo.  

GS. Đặng Nguyên Anh cho biết, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng của biển, ngay từ sớm Việt Nam đã quan tâm và thể hiện tầm nhìn tiến ra biển, làm giàu từ biển. Tuy nhiên, kết quả của việc khai thác, sử dụng các ưu, lợi thế từ biển phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế vẫn còn khá hạn chế. Chúng ta chưa biến được tiềm năng, lợi thế vốn có để trở thành quốc gia biển. Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng đã khẳng định, kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mở ra triển vọng về giai đoạn phát triển mới cho nền kinh tế biển nước ta hướng ra biển và làm giàu từ biển. Để thực hiện thành công Chiến lược này, khoa học công nghệ đóng một vai trò quan trọng, phải đi trước một bước, phát hiện các vấn đề, tìm kiếm giải pháp đổi mới, xây dựng mô hình thí điểm và áp dụng vào thực tiễn.

GS. Đặng Nguyên Anh khẳng định, địa lí nhân văn là một trong những phân ngành chính của khoa học Địa lí, nghiên cứu về mối quan hệ tương tác giữa con người và tự nhiên, tập trung vào cách thức khai thác, sử dụng và quản lý môi trường. Với những lợi thế về cách tiếp cận tổng hợp, tư duy hệ thống và liên ngành, khoa học Địa lý nhân văn có thể cung cấp luận cứ khoa học cho việc giải quyết hầu hết các vấn đề trong Chiến lược phát triển kinh tế biển một cách toàn diện, từ điều tra, đánh giá tiềm năng, cung cấp giải pháp cho phát triển các ngành kinh tế biển, qui hoạch không gian biển, phát triển đô thị biển, đô thị cảng biển, cho tới các vấn đề xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên,... Những vấn đề, thách thức trong phát triển kinh tế biển quốc gia hiện nay vừa là cơ hội để địa lí nhân văn Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước, vừa là cơ hội để phát triển ngành.

GS. Phó Chủ tịch mong muốn các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách tập trung thảo luận về những kết quả nghiên cứu của chủ đề này tại Hội thảo.

Từ phải qua trái: GS.TS. Trương Quang Hải, Phó chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, đồng chủ trì Hội thảo

Báo cáo đề dẫn, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn dẫn giải, thực hiện Chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, khoa học địa lí nhân văn sẽ cung cấp luận cứ khoa học cho việc giải quyết các vấn đề trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển một cách toàn diện. Hội thảo nhằm khẳng định vai trò và sự đóng góp quan trọng của các nghiên cứu địa lý nhân văn trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển thông qua nhận diện các vấn đề, thách thức trong phát triển kinh tế biển và các giải pháp trong giải quyết các thách thức này dưới tiếp cận khoa học địa lý. Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm huy động, tập hợp đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu liên ngành, đa ngành từ nhiều ngành khoa học tự nhiên, xã hội nghiên cứu về biển, vùng ven biển và phát triển kinh tế biển bền vững.

Viện trưởng, TS. Nguyễn Song Tùng cho biết, Hội thảo đã thu hút được các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các ngành Địa lý học, Kinh tế học, Văn hóa học, Chính trị học, Quốc tế học, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật trên toàn quốc thuộc các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học, kể cả các cơ quan nghiên cứu trong Quân đội đã tham gia viết bài tham luận cho Hội thảo. TS. Nguyễn Song Tùng nhấn mạnh, đặc biệt có những tác giả rất nhiệt tình gửi đến 7 bài viết, tác giả cao tuổi nhất là 83 tuổi nhưng rất tâm huyết tham gia viết bài gửi Hội thảo. Với hơn 50 bài tham luận được gửi đến, chúng tôi đã lựa chọn 38 bài tham luận phù hợp với chủ đề Hội thảo và được phân chia thành các lĩnh vực: Địa lí kinh tế và chính trị, Địa lí văn hóa, Địa lí sinh thái và môi trường, Địa lí dân cư để biên tập và được Nhà xuất bản KHXH xuất bản tháng 10/2021.

Các đại biểu phát biểu, trình bày tại Hội thảo

Có 04 báo cáo được trình bày tại Hội thảo về các chủ đề: (1) “Thực trạng, tiềm năng và thách thức trong phát triển kinh tế biển Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, của PGS. TS. Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; (2) “Làng xã và con người cộng đồng ngư dân ven biển Trung và Nam Trung Bộ với phát triển kinh tế biển”, của PGS.TS. Bùi Xuân Đính, Hội Dân tộc học Việt Nam; (3) “Định hướng khai thác bền vững tài nguyên vị thế khu vực cửa sông ven biển: trường hợp cửa Đáy, Ninh Bình”, của TS. Phạm Thị Trầm, Viện Địa lí nhân văn; (4) “Thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò của nghề cá biển trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển”, của TS. Cao Lệ Quyên, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ Chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, thực trạng, tiềm năng và thách thức trong phát triển kinh tế biển Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, chia sẻ các mô hình, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế biển ở Việt Nam….

TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn phát biểu bế mạc Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cảm ơn Lãnh đạo Viện Hàn lâm, cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, các nhà khoa học. Viện trưởng cho biết các tham luận và trao đổi tại Hội thảo là rất cởi mở và khoa học đã nêu lên nhiều các dữ kiện, nhiều ý tưởng, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều rất bổ ích, đặt ra những vấn đề mới. TS. Nguyễn Song Tùng hy vọng rằng, qua những tham luận và ý kiến được trình bày tại Hội thảo này sẽ là cơ sở để gợi mở trong đề xuất các giải pháp triển khai trong thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời sẽ là cơ sở để gợi mở trong đề xuất các nghiên cứu để triển khai trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 

Ban Biên tập

 

In trang Chia sẻ

Tin khác