Hội thảo khoa học “Mô hình Khu công nghiệp sinh thái và khả năng ứng dụng tại Việt Nam”

17:00 27/06/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 27/6/2022, tại Hội trường tầng 12, nhà B, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng với Viện Friedrich Naumann Foundation For Friedom - FNF (CHLB Đức) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình Khu công nghiệp sinh thái và khả năng ứng dụng tại Việt Nam”, nhằm đưa ra những đánh giá về khả năng ứng dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức đến tham dự.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Phạm Hùng Tiến, Phó giám đốc quốc gia Viện FNF Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các quý vị đại biểu đến tham dự Hội thảo.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết, về khu công nghiệp sinh thái và cộng sinh công nghiệp, Việt Nam đã có Nghị định 82/2018/NĐ-CP và mới đây có Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo đó Nghị định 35 qui định: “Khu công nghiệp sinh thái là khu công nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định này”. Như vậy, về khung pháp lý, Việt Nam đã có khá nhiều và khá sớm để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, thực hiện khu công nghiệp sinh thái và cộng sinh công nghiệp. Do đó, mục tiêu của hội thảo là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ nhiều thông tin và ý tưởng tốt, thảo luận để nâng cao nhận thức về khu sinh thái, chuyển đổi xanh và có đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết thêm, về chuyển đổi xanh, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Hiện đang xây dựng Kế hoạch hành động. Về chuyển đổi số Ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Viện trưởng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn mong muốn, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các khía cạnh của khu công nghiệp và cộng sinh công nghiệp, đây là những vấn đề nóng hổi, có tính thời sự và có tính cấp thiết cao. Các đại biểu sẽ thảo luận sôi nổi, chia sẻ nhiều thông tin và ý tưởng để cùng nâng cao nhận thức về khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi xanh và có đóng góp thiết thực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi về Ban Tổ chức, với 04 báo cáo được trình bày về các chủ đề: (i) Kinh nghiệm quốc tế và chỉ dấu sinh thái của Mô hình KCN sinh thái, của TS. Trần Thị Mai Thành, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN; (ii) Khả năng áp dụng mô hình KCN sinh thái tại Khu công nghiệp Thăng Long II, của ThS. Nguyễn Đức Long, Viện Kinh tế Việt Nam; (iii) Ứng dụng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng, của Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (iv) Giải pháp ứng dụng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam, của ThS. Trần Thanh Phương, của Công ty TNHH SD LINK.

Các đại biểu phát biểu, biểu trình bày báo cáo tại Hội thảo

Bàn về khả năng ứng dụng mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp Thăng Long II, Thạc sỹ Nguyễn Đức Long cho rằng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Khu công nghiệp Thăng Long II là mô hình Khu công nghiệp sạch tiêu biểu của Hưng Yên, phần lớn các doanh nghiệp đều thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; Công ty hạ tầng khu công nghiệp cũng áp dụng dự án thí điểm lắp đặt pin mặt trời. Tuy nhiên hiện khu công nghiệp chưa có cơ chế chia sẻ thông tin; chưa hình thành cơ sở dữ liệu thông tin chung; vai trò, trách nhiệm của công ty hạ tầng chưa đáp ứng được theo mô hình khu công nghiệp sinh thái..

Để hoàn thiện khung quản lý đối với mô hình khu công nghiệp sinh thái, Thạc sỹ Nguyễn Đức Long khuyến nghị, đối với cơ quan quản lý cần có 1 cơ quan đứng ra làm đầu mối và có đủ thẩm quyền quyết định; phân chia rõ trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể trong mô hình khu công nghiệp sinh thái; xây dựng chính sách quản lý đặc thù dành riêng cho mô hình khu công nghiệp sinh thái; điều chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến môi trường; đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho công ty hạ tầng và doanh nghiệp và cần sự quan tâm hơn nữa của địa phương và các bên liên quan.

Đề xuất giải pháp thúc đẩy ứng dụng mô hình Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, Thạc sỹ Trần Thanh Phương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn SD LINK cho rằng trước hết, các khu công nghiệp sinh thái cần hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường các công cụ hỗ trợ (Hỗ trợ Tài chính, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, liên kết). Đặc biệt, các khu công nghiệp cần tăng cường triển khai thí điểm như: khuyến khích các khu công nghiệp trên toàn quốc tham gia thực hiện thí điểm trong giai đoạn đang hoàn thiện thể chế chính sách để có cơ sở rút kinh nghiệm và điều chỉnh (rút ngắn quá trình thí điểm); huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để thực hiện thí điểm, nhất là đối với các hoạt động của doanh nghiệp: nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi cho khu công nghiệp của mình; đề xuất thực hiện các sáng kiến thí điểm. Trường hợp triển khai, cơ quan quản lý nhà nước phát huy tốt vai trò giám sát, đánh giá hiệu quả của hoạt động thí điểm từ đó tổng kết và đề xuất các chính sách phù hợp; khuyến khích các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thí điểm đánh giá mức độ đáp ứng các chỉ tiêu để giúp tăng cường năng lực cả 2 bên.

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ nhiều khía cạnh của khu công nghiệp và cộng sinh công nghiệp, đây đều là những vấn đề nóng hổi, có tính thời sự và có tính cấp thiết cao. Đồng thời các đại biểu cũng đã chia sẻ nhiều thông tin nhận thức về khu công nghiệp sinh thái, chuyển đổi xanh, gợi ý các tưởng góp phần thiết thực cho quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.

 

Ban Biên tập

In trang Chia sẻ

Tin khác