Tham dự Tọa đàm có sự tham gia của cùng nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học.
Việt Nam đang tiếp tục mong muốn thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế phục vụ cho phục hồi và phát triển sau Đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn đang là một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay.
Những ứng dụng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là công cụ giúp việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức kinh doanh thương mại, sản xuất và quản lý nhưng đồng thời cũng đem đến những thách thức cho các quốc gia. Nhu cầu đổi mới phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp ngày càng gia tăng. Do đó, các quốc gia cần phải có tầm nhìn chiến lược để thực hiện việc chuyển đổi, cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất công nghiệp để có thể thích ứng dần với rất nhiều sự thay đổi mới, các công nghệ mới, chiến lược mới ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới có hai xu hướng kinh tế chủ đạo đó là. Thứ nhất: xu hướng chuyển đổi tái cơ cấu kinh tế nhằm khôi phục và phát triển kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19; Xu hướng thứ hai là, tận dụng ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phân tích, môi trường kinh doanh toàn cầu được tạo ra bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh hưởng của sự thay đổi công nghệ đối với cơ cấu kinh tế toàn cầu đã tạo ra những biến đổi to lớn trong cách các công ty và quốc gia tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đầu tư vốn, và phát triển các sản phẩm và quy trình mới. Các doanh nghiệp hoàn toàn thay đổi cách vận hành, sản xuất nhờ vào công nghệ: kết nối internet, cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử… ; Vật liệu mới đang cách mạng hóa các lĩnh vực đa dạng như xây dựng và truyền thông. Giao thông vận tải hàng không và đường biển được cải thiện đã thúc đẩy đáng kể dòng người và hàng hóa trên toàn thế giới. Trong bối cảnh mới, Việt Nam cận vận dụng linh hoạt bài học kinh nghiệm từ các nước để đề tăng cường môi trường đầu tư kinh doanh.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn gợi ý, mong muốn, các quý vị đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tích cực thảo luận để cùng nhau nhận diện những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện và có những đề xuất giải pháp nhằm nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Tọa đàm tập trung thảo luận 4 nội dung: (1) Mô hình hải quan thông minh: nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp đối với hải quan Việt Nam, của PGS. TS. Vũ Duy Nguyên, Phó Trưởng khoa Thuế và Hải Quan Học viện Tài Chính; (2) Kinh nghiệm cải cách môi trường kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số Estonia, của PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; (3) Cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua, của TS. Trần Thị Mai Thành, Trường Đại học Kinh tế, Đại học QGHN; (4) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sản xuất công nghiệp của các nước trong bối cảnh CMCN 4.0 và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, của TS. Bùi Thu Trang, Phó trưởng phòng, Phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam.
Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại Hội thảo
Nghiên cứu môi trường đầu tư, kinh doanh của Estonia trong bối cảnh chuyển đổi số, PGS.TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, Estonia ngay từ đầu thập niên 90 (thế kỷ XX) đã xây dựng môi trường pháp lý nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhằm đáp ứng kinh tế số, xã hội số. Còn ở cấp độ Liên minh châu Âu (EU), xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, công khai là một trong những ưu tiên hàng đầu của EU kể từ khi thành lập tới nay. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số và internet, kinh tế thế giới ngày càng bị ảnh hưởng bởi công nghệ số. Estonia sau 30 năm độc lập, đã xây dựng nền kinh tế - xã hội số từ một nền móng rất thấp để trở thành một quốc gia số phát triển như ngày nay.
PGS.TS. Đặng Minh Đức nhấn mạnh đến vấn đề cải thiện môi trường chuyển đổi số ở khối doanh nghiệp Estonia: Thành công từ nỗ lực xây dựng hệ thống e-Residency – một xã hội không biên giới cho mọi công dân toàn cầu tham gia, song song với việc duy trì chính sách thuế suất thân thiện với doanh nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ cả khu vực công và tư nhân.
PGS.TS. Đặng Minh Đức chia sẻ, cải thiện tiến trình dữ liệu mở ở Estonia rất mạnh mẽ: Năm 2021, đạt được tiến bộ về dữ liệu mở, tăng 24 điểm phần trăm so với năm 2019. Cổng dữ liệu mở của Estonia đã lưu trữ gần 800 bộ dữ liệu từ hơn 100 nhà xuất bản bao gồm nhiều chủ đề, lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, y tế, quản trị và vận tải…
Thảo luận vai trò của chính phủ và yêu cầu về chiến lược riêng của mỗi quốc gia để cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất công nghiệp và tận dụng cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0), TS. Bùi Thu Trang, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chính phủ đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề về công nghệ ở cấp quốc gia. Chính phủ sẽ tích hợp các nguồn lực khoa học và công nghệ quốc gia thông qua các công cụ chính sách. Việc xây dựng và thực hiện chính sách khoa học và công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chung về khoa học và công nghệ và môi trường công nghiệp của một quốc gia mà còn thúc đẩy sự hình thành năng lực cạnh tranh công nghiệp quốc gia.
Thông qua việc thực hiện chính sách khoa học và công nghệ hoặc chính sách công nghệ công nghiệp và cung cấp các nguồn lực cần thiết cho công nghiệp, phát triển công nghiệp được thúc đẩy và trở thành động lực của tiến bộ xã hội. Các nguồn lực này một mặt bao gồm hoạch định các cơ chế thị trường để thúc đẩy đổi mới công nghiệp và mặt khác, quản lý các hoạt động tư vấn cạnh tranh trong ngành.
Nhìn từ góc độ của chính phủ để doanh nghiệp và quốc gia của mình tận dụng dụng được các cơ hội và vượt qua thách thức của cuộc Cách mạng 4.0 thì cần phải có một phương pháp quản lý mới, một mô hình mới, một chiến lược tái cấu trúc chuỗi giá trị cũng như đổi mới cơ cấu tổ chức.
Không có tiêu chuẩn rõ ràng duy nhất cho mỗi quốc gia, do đó, mỗi quốc gia phải tìm ra cách thức tối ưu cho mình để cải thiện thể chế môi trường kinh doanh, thể chế phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao dựa trên chính lịch sử văn hóa, thể chế, các mục tiêu ưu tiên của quốc gia mình.
Từ những phân tích của mình TS. Bùi Thu Trang, gợi ý một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như: (i) Xác định việc cải tiến, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thông minh là điều tất yếu mà các nước muốn phát triển đều phải trải qua; (ii) Cụ thể hóa các chiến lược thành các chương trình để tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và phải tập trung nguồn lực cho các chương trình đó; (iii) Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp để khuyến khích đổi mới, sáng tạo và hình thành hệ thống các doanh nghiệp khởi nghiệp; (iv) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện Cách mạng 4.0. Cách mạng 4.0 sẽ không chấp nhận lao động giá rẻ là lợi thế ưu tiên; (v) Chính phủ có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển R&D nhưng sau khi giai đoạn tang trưởng bắt đầu nên chuyển giao cho khu vực tư nhân điều hành; (vi) Thành công của đổi mới không thể diễn ra một cách cô lập vì vậy trong các giai đoạn đầu rất cần có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, giữa chính phủ và các cơ quan nghiên cứu, cơ quan thực hiện ở cấp địa phương, khu vực công và tư phối hợp và lý tưởng nhất là hợp tác với một nước phát triển; (vii) Công nghệ mới là phải có thị trường, tốt nhất là trong thị trường toàn cầu nơi có các sự cạnh tranh và trong quá trình phát triển sang tạo công nghệ mới phải đảm bảo sự tự do sáng tạo, bản quyền sở hữu trí tuệ…
Tọa đàm nhận được nhiều tham luận và ý kiến thảo luận. Đây là dịp để các nhà khoa học, các chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện các chương trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
PV.