Hội thảo khoa học “Tác động của đại dịch Covid-19 đến thương mại điện tử tại Việt Nam”

17:00 20/02/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia mã số ĐTĐL.XH-09/21 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì, sáng ngày 21/02/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm – VASS) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tác động của đại dịch Covid-19 đến thương mại điện tử tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên đến từ Viện Hàn lâm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngoại giao, Đại học Thương mại, Trường cao đẳng FPT, Đại học Ngoại ngữ; đại diện của một số doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Truyền thông Gapit, Công ty TNHH Cốc Cốc và các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài.

Hơn 3 năm qua, kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, thế giới đã có nhiều thay đổi. Đại dịch Covid-19 đã dần được giải quyết, không còn là mối nguy hiểm đến sinh mệnh của người dân, nhưng lại có tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của mỗi con người, mỗi quốc gia và toàn thế giới. Một điều đáng chú ý, thế giới có những bước tiến đột phá trong ứng dụng công nghệ hiện đại trong thời kỳ đại dịch, các chuyên gia cho rằng, thị trường thương mại điện tử đã trở thành một kênh kinh doanh hiệu quả giúp doanh nghiệp vừa giao dịch với khách hàng, vừa đảm bảo an toàn cho họ theo các yêu cầu trong phòng chống dịch. Những thay đổi đó là điều kiện tốt để thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng tốc, phát triển toàn diện với số lượng và giá trị giao dịch thương mại điện tử tăng đáng kể.

PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Chủ nhiệm đề tài</br> phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Chủ nhiệm đề tài nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các đại biểu cùng các vị khách quý đã có mặt trong buổi Hội thảo và cho biết, sự phát triển nhanh, mạnh của thương mại điện tử sau đại dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong thời kỳ sau đại dịch. Thương mại điện tử cho phép mỗi cá nhân, mỗi quốc gia được tiếp cận thị trường trong nước và thế giới với quy mô rộng hơn, có nhiều lựa chọn tiêu dùng hơn với chi phí giao dịch thấp hơn và doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với chủng loại đa dạng, phong phú hơn, tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận một cách nhanh chóng.

Bà Trần Thị Lan Hương khẳng định, thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại, tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với các doanh nghiệp và các quốc gia có trình độ phát triển không tương thích, nguy cơ thất nghiệp của người lao động ngày càng lớn vì giao dịch thương mại trực tiếp bị thu nhỏ, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng, nguy cơ hàng hóa nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường trong nước bởi người dân có nhiều cơ hội lựa chọn mua sắm hàng hóa qua các trang điện tử. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, nhiều lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ bị loại thải ra khỏi thị trường, doanh nghiệp nước ngoài chi phối các sàn thương mại điện tử bền vững trong bối cảnh hậu Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam sẽ còn nhiều vấn đề cần phải bàn bạc, trao đổi và chia sẻ, trong đó có những tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như tìm giải pháp tổng thể trên cấp độ toàn quốc gia.

PGS.TS. Trần Thị Lan Hương mong muốn tại buổi Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi một số nội dung quan trọng liên quan đến phát triển thương mại điện tử của Việt Nam và một số nước trên thế giới; những tác động của thương mại điện tử đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Trong khuôn khổ Đề tài, vào tháng 9/2022 đã tổ chức Hội thảo lần thứ nhất với chủ đề “Tác động của Đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, tại cuộc Hội thảo lần thứ hai này, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Viện nghiên cứu khoa học, Trường Đại học và một số doanh nghiệp…,trong đó lựa chọn 20 bài viết có chất lượng tốt nhất, với những giá trị chia sẻ thông tin và đề xuất khuyến nghị vô cùng quý báu tập hợp thành cuốn kỷ yếu.

TS.Phạm Minh Thái và TS. Nguyễn Tiến Minh trình bày</br>báo cáo tham luận tại Hội thảo

Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên thứ nhất, trao đổi về các vấn đề chung về phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh phát triển TMĐT toàn cầu, với 03 bài tham luận: (1) “Sự phát triển của TMĐT Việt Nam trong bối cảnh Covid-19: so sánh với một số nước Đông Nam Á” do TS. Phạm Minh Thái đến từ Trung tâm Phân tích và Dự báo, VASS trình bày; (2) “Chính sách thương mại điện tử ở Việt  Nam hiện nay” do bà Phạm Thị Thanh, Viện Kinh tế Việt  Nam- VASS trình bày; (3) “Covid-19- Chiến dịch marketing toàn cầu của TMĐT” do TS. Nguyễn Tiến Minh, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày.

Bà Mai Linh Châu và Ông Max Đào đại diện phía doanh nghiệp</br>trình bày tham luận tại Hội thảo

Phiên thứ hai, tập trung thảo luận về sự phát triển thương mại điện tử ở một số doanh nghiệp điển hình như Gapit, Cốc Cốc và trong lĩnh vực thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, với 03 bài tham luận: (1) “Thúc đẩy thương mại không giấy tờ xuyên biên giới ở Việt Nam” do TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam- VASS, trình bày; (2) “Đại dịch – cú hích đối với thương mại điện tử, thương mại số” do bà Mai Linh Châu, Công ty TNHH Cốc Cốc trình bày; (3) “Cú hích tăng trưởng thần kỳ” do ông Max Đào, Công ty CP Truyền thông Gapit trình bày.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam</br>phát biểu tại Phiên thảo luận

GS.TS. Nguyễn Hồng Quân chia sẻ một số ý kiến tại Phiên thảo luận

Trên cơ sở các tham luận, các đại biểu đã thảo luận hết sức sôi nổi và đưa ra một số khuyến nghị xoay quanh những nội dung sau: (i) Cần có thêm đánh giá về thương mại điện tử ở các tỉnh thành trong cả nước bên cạnh các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng..bởi nếu thương mại điện tử phát triển trên cả nước thì việc đánh giá phát triển thực chất của thương mại điện tử mới mang lại kết quả chính xác hơn; (ii) Bên cạnh số lượng thì cần có những nghiên cứu sâu hơn về chất lượng của thương mại điện tử bởi dường như mức độ hài lòng của người tiêu dùng đang có xu hướng giảm và doanh nghiệp cần phải làm gì trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này; (iii) Cần làm rõ hơn vấn đề an toàn thông tin và bảo mật thông tin, đồng thời đề xuất những khuyến nghị chính sách phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng cũng như nhà sản xuất; (iv) Làm rõ các khái niệm cơ bản để có sự thống nhất, từ đó đưa ra các con số để đo lường về mặt thống kê một cách chuẩn xác hơn; (v) Nghiên cứu, đánh giá tác động ngược của thương mại điện tử đến người tiêu dùng, nhà sản xuất và người quản lý; (vi) Những khó khăn đối với hoạt động quản lý nhà nước: thu thuế, quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ thông qua hoạt động thương mại điện tử…

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị đại biểu đã có những đóng góp hết sức quý báu thông qua các bài tham luận cũng như những góp ý trực tiếp tại Hội thảo. Các ý kiến đều mang tính chất cơ bản, là những mảnh ghép của phát triển thương mại điện tử, giúp nhóm thực hiện đề tài xác định rõ các khái niệm, định nghĩa, nội hàm các phương thức kinh doanh thương mại điện tử… Qua buổi Hội thảo này, các ý kiến đóng góp của các đại biểu là gợi mở cho nhóm thực hiện đề tài tiếp tục hoàn thiện nội dung nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo./.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 

Nguyễn Minh Hồng

 

In trang Chia sẻ

Tin khác