Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

17:00 13/03/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng ngày 14/03/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Viện Hàn lâm (cơ quan chủ trì) có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm cùng các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm là TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy cùng Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Viện Hàn lâm; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm; Tổng biên tập các Tạp chí của Viện Hàn lâm; các thành viên Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm.

Về phía các Bộ, Ban ngành Trung ương có sự hiện diện của đồng chí Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp; đại diện các cơ quan của Đảng: Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; một số cơ quan của quốc hội: Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Viện Nghiên cứu Lập pháp; Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông; các viện nghiên cứu, trường đại học ở Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thông tấn, báo chí…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu tham dự và khẳng định, đất đai là tài nguyên, tài sản quí giá của mọi quốc gia, là nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, cần được quản lý chặt chẽ, tiếp cận công bằng, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm. Chủ tịch nhấn mạnh, việc xây dựng hoàn thiện pháp luật đất đai cần được quan tâm và Luật đất đai giữ vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng.

Liên quan đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân trong xã hội, Chủ tịch Phan Chí Hiếu cho biết, Dự thảo Luật đất đai đang sửa đổi và đang được các Cấp ủy Đảng, các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức và tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến. Thực hiện Nghị quyết số 170 của Chính phủ và Công điện số 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi), Lãnh đạo Viện Hàn lâm đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc phổ biến rộng rãi trong đơn vị đối với Luật Đất đai (sửa đổi) và tổng hợp ý kiến thành báo cáo chung để góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm báo cáo Chinh phủ, Bộ, Ban, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan.

Chủ tịch Phan Chí Hiếu khẳng định ý nghĩa quan trọng của chủ đề Hội thảo, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, liên ngành; nhà quản lý, đào tạo; các doanh nghiệp và cơ quan luật pháp. Trên cơ sở những đóng góp ý kiến đa chiều cạnh, từ lý luận, nghiên cứu đến thực tiễn, Chủ tịch bày tỏ niềm tin vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, có nhiều ý kiến thiết thực dưới góc độ liên ngành, đa ngành, nhiều góc độ, bám sát và phù hợp với thực tiễn, hợp pháp, đồng bộ và thống nhất.

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật trình bày Báo cáo đầu tiên tại Hội thảo

Căn cứ Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kèm theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, Hội thảo tập trung vào các nội dung chính sau đây: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Giải thích từ ngữ; (3) Đánh giá mức độ mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); (4) Yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi, của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); (5) Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (6) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; (7) Chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; (8) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Bên cạnh đó, Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận.

Phiên 1: Các diễn giả (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN; TS. Trần Thị Thu Hương và TS. Triệu Thanh Quang, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đã trình bày các nội dung: Đánh giá mức độ thể chế hóa Nghi quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, khả thi, logics và thân thiện của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững- một số góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Một số góp ý về nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đặc biệt, trong báo cáo đầu tiên của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đã nhận xét, đánh giá mức độ thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về một số quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đã chỉ ra hạn chế, những vấn đề còn tồn động về quản lý đất đai trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường đã nảy sinh những vấn đề mới như đất có nguồn gốc đất lâm trường, nông trường; đất của các cơ sở sản xuất, các đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm đô thị, đất sử dụng đa mục đích, đất bất động sản du lịch, đất vốn trước đây là đất nông nghiệp xen kẹt giữa các khu chung cư, đất do lấn chiếm mà có, đất khai hoang, tự lấn biển, lấn bãi sông…Do vậy, cần phải có quy định giải quyết triệt để các vấn đề này như yêu cầu của Nghị quyết 18. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Phiên 2: Các diễn giả (TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Phạm Thị Hương Lan và TS. Bùi Đức Hiển, Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn) đã trình bày một số góp ý về vấn đề cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm và một số nội dung khác trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư và những vấn đề góp ý trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Hoàn thiện các quy định về lấn biển trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, qui định lấn biến là điểm mới mà cần phải đưa vào trong Luật Đất đai (sửa đổi), vì đây là hoạt động quan trọng để phát triển kinh tế đối với nhiều quốc gia trên thế giới để bảo vệ bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân. Việc lấn biến đã trở thành một hướng mở tíc cực cho các đô thị, khu vực ven biển, khẳng định một hướng phát triển cần thiết cho tương lai. Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế- xã hội mà còn là giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng…

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là diễn đàn trao đổi đa ngành để các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các nhà quản lý đưa ra ý kiến, quan điểm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó cung cấp luận cứ khoa học để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chắt lọc, xây dựng Báo cáo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu khắc phục những hạn chế của Luật, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật, góp phần đổi mới quản lý và sử dụng đất, khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng./.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác