Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia và các giảng viên đến từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm, trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên trong nhóm thực hiện chương trình.
Tại Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” khẳng định tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển, đồng thời xác định nhiệm vụ đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Nghị quyết này đưa ra 05 chủ trương lớn, 03 khâu đột phá va 07 nhóm giải pháp, theo đó phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, dựa trên quy hoạch không gian biển.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam phục vụ mục tiêu bảo vệ và phát triển đất nước” (viết tắt là Chương trình Biển) nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các đại biểu cùng các vị khách quý đã có mặt trong buổi Hội thảo và cho biết, Chương trình Biển được thực hiện trong giai đoạn 05 năm (2020-2024) với mục tiêu “Nghiên cứu tổng hợp các tri thức khoa học xã hội và nhân văn về biển của Việt Nam”. Theo Nghị quyết 36/NQ-TW, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Nghị quyết đưa ra 05 chủ trương lớn, 03 khâu đọt phá và 07 nhóm giải pháp, theo đó phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, dựa trên quy hoạch không gian biển, phát triển kinh tế biển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Để thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW, Viện Hàn lâm đã khai thác các khoảng trống trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tập trung nghiên cứu các vấn đề: các ngành kinh tế biển, các khu kinh tế, các khu công nghiệp ven biển, liên kết kinh tế giữa các vùng biển, tác động của môi trường biển đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thay đổi phương thức và cơ cấu kinh tế biển, các vấn đề xã hội từ phát triển kinh tế biển...
PGS.TS. Trần Thị Lan Hương nhấn mạnh, buổi Hội thảo này nhằm đánh giá các kết quả đạt được của Chương trình sau gần 3 năm triển khai và thực hiện, từ đó mong muốn các thành viên tham gia Chương trình Biển có những đóng góp, kiến nghị từ đề tài, góp ý để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện trong giai đoạn đang triển khai các đề tài mới
Đề cập đến kết quả thực hiện, PGS. TS. Trần Thị Lan Hương, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, trong 03 năm qua, hàng loạt các đề tài, hội thảo, chương trình khảo sát của Chương trình đã được triển khai, trong đó, tập trung chủ yếu các nội dung: (i) Kinh tế biển phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam; (ii) Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; (iii) Quan hệ quốc tế trên biển Đông và sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam; (iv) Phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở các vùng ven biển và hải đảo Việt Nam; (v) Phát triển bền vững biển Việt Nam trong thế kỷ XXI. Đặc biệt, Chương trình Biển đã triển khai hàng loạt các đề tài cấp Bộ, làm rõ mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của Chương trình liên quan đến các nội dung trên. Các đề tài trong giai đoạn 1 (2020-2023) đã được nghiệm thu từ loại khá trở lên. Đã có hơn 30 bài báo khoa học được xuất bản tại các tạp chí trong nước và quốc tế liên quan đến các nội dung được triển khai trong Chương trinh, cùng hàng loạt các kỷ yếu hội thảo, các báo cáo chắt lọc, kiến nghị và hơn 10 bản thảo sách đang chờ xuất bản; góp phần bổ sung các khoảng trống nghiên cứu về biển Đông của Việt Nam trong thời gian trước đó, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, bổ sung thêm các công trình nghiên cứu và các xuất bản phẩm nghiên cứu về biển Đông, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho đảng, chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách về biển Đông của Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
PGS.TS. Trần Thị Lan Hương mong muốn tại buổi Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung: Thứ nhất, phát triển các ngành kinh tế biển, liên kết kinh tế giữa các vùng biển, các khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển… phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững; Thứ hai, quan hệ quốc tế hiện nay trên biển Đông, lợi ích và ý đồ chiến lược của các nước lớn trên thế giới đối với biển Đông và sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới; Thứ ba, sinh kế việc làm của người dân ven biển, các vấn đề xã hội nổi cộm của các cộng đồng cư dân ven biển; Thứ tư, các vấn đề liên quan đến quy hoạch biển đảo, môi trường biển đảo và an ninh phi truyền thống và các giải pháp đề xuất đảm bảo phát triển bền vưng cho Việt Nam.
Hội thảo nhận được 9 tham luận trong đó 4 tham luận được trình bày, chia làm hai phiên: Phiên thứ nhất, trao đổi về các vấn đề kinh tế biển và quan hệ quốc tế trên biển Đông, với 02 bài tham luận: (1) “Đánh giá những mặt tích cực và hạn chế trong phát triển các khu kinh tế ven biển theo hướng bền vững ở Việt Nam” do TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, trình bày; (2) “Quan hệ Mỹ - Trung Quốc – ASEAN trên biển Đông hiện nay” do ThS. Phạm Thị Kim Huế, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông trình bày.
Phiên thứ hai, tập trung thảo luận về phát triển xã hội và phát triển bền vững biển ở Việt Nam với 02 bài tham luận: (1) “Sinh kế của cư dân ven biển Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do TS. Hà Thị Hồng Vân, Trung tâm Phân tích và Dự báo trình bày; (2) “Thái độ của người dân vùng duyên hải Bắc Bộ đối với khai thác tài nguyên thiên nhiên ven biển hiện nay” do TS. Bùi Thị Vân Anh, Viện Địa lý Nhân văn trình bày.
Trên cơ sở các tham luận, các đại biểu đã thảo luận hết sức sôi nổi xoay quanh những bất cập trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế biển và chỉ ra sự hạn chế trong xây dựng các khu kinh tế chuyên nghiệp, liên kết khu kinh tế và cảng biển… dẫn đến cạnh tranh gây lãng phí nguồn lực; Phản ứng chính sách của ASEAN đối với quan hệ quốc tế trên biển Đông cũng như đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển sinh kế xã hội địa phương và sự hạn chế về biện pháp tổng thể của chính quyền địa phương; Nhìn nhận về thái độ của doanh nghiệp, ý thức của người dân trước các lợi ích và các tác động tích cực từ biển…
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Lan Hương gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị đại biểu đã có những đóng góp hết sức quý báu thông qua các bài tham luận cũng như những góp ý trực tiếp tại Hội thảo. Các ý kiến đều mang tính chất xây dựng, có những hướng gợi mở giúp cho Ban Chủ nhiệm Chương trình Biển cũng như các chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện Chương trình trong thời gian tới, từ đó có những kiến nghị thiết thực đối với Đảng, chính phủ và các tỉnh/ngành liên quan./.
Nguyễn Minh Hồng