Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Nhật Bản, Iran tại Việt Nam; các học giả nước ngoài: GS. Manjit Das, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á, Đại học Bodoland, GS. Fang Tien-sze, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Đại học Quốc lập Thanh Hoa, Đài Loan, Trung Quốc, TS. Tomoomi Mori, Đại học Setsunan, Nhật Bản và các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, Bộ kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan ngoại giao; các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2/2022 đến nay, xung đột Nga - Ukraine không những tạo nên một sự chuyển dịch mang tính kiến tạo trong lịch sử châu Âu, mà còn tác động sâu sắc đến trật tự thế giới, làm xáo trộn trật tự toàn cầu hình thành từ sau Chiến tranh lạnh. Sự quyết tâm từ phía Nga, sự nổi lên của Trung Quốc, chính sách cứng rắn của Mỹ và các nước phương Tây khi sử dụng các lợi thế tuyệt đối về kinh tế, tài chính, văn hóa nhằm gây sức ép phi quân sự tổng lực buộc Nga phải rút quân khỏi Ukraine khiến cán cân quyền lực và sự tập hợp lực lượng của cục diện thế giới có nhiều diễn biến mới.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ với tư cách là nước lớn đang trỗi dậy, đã có những bước đi và chiến lược riêng nhằm thể hiện vai trò, tiếng nói và trách nhiệm trong các vấn đề toàn cầu. Trong khi Mỹ và phương Tây kịch liệt lên án Nga thì Ấn Độ duy trì chính sách trung lập tích cực, và tập trung vào việc bảo đảm an toàn cho công dân Ấn Độ tại Ukraine. Ấn Độ tuyên bố “phản đối mạnh mẽ xung đột”, đứng về “phe hòa bình” và kêu gọi xung đột Ukraine được giải quyết thông qua ngoại giao và đối thoại, đồng thời, thể hiện mong muốn tất cả các bên liên quan về việc không có lựa chọn nào khác ngoài con đường ngoại giao và đối thoại, trật tự toàn cầu (phải) dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia. Thái độ trung lập của Ấn Độ đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau, đồng thời đặt ra những câu hỏi lớn về vị trí, vai trò, ảnh hưởng của Ấn Độ trong trật tự thế giới.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý, các nhà khoa học, quý vị đại biểu từ các cơ quan ngoại giao, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong nước, đặc biệt là các nhà khoa học đến từ Trường Đại học của Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tham dự Hội thảo.
PGS.TS.Nguyễn Đức Minh cho biết, cuộc xung đột địa chính trị, quân sự, ngoại giao Nga-Ukraine đang có tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh của thế giới và vẫn còn diễn biến khó lường. Cuộc xung đột này có lẽ cần được đánh giá là một trong những sự kiện lớn trong lịch sử thế giới đương đại. Cuộc xung đột Nga – Ukraine không chỉ thử thách trí tuệ và khả năng ứng phó của cộng đồng quốc tế mà còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc trân trọng gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển, cộng đồng quốc tế càng cần tăng cường các nỗ lực ngoại giao để tìm ra các giải pháp hợp lý để giải quyết xung đột, thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, Ấn Độ là cường quốc có có nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Ấn Độ đang đóng góp quan trọng vào trật tự thế giới và hiện diện như một “lực lượng cân bằng” đảm bảo cho sự ổn định và an toàn của cả khu vực. Ấn Độ không chỉ là đối tác quan trọng của các quốc gia trên thế giới mà còn là một cực tăng trưởng không thể thiếu của kinh tế toàn cầu. Trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Ấn Độ là một trong những quốc gia có thể đối thoại với tất cả các quốc gia lớn khác như Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Trung Quốc. Đồng thời, khi những nỗ lực chấm dứt xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi, thế giới đang kỳ vọng Ấn Độ với cương vị Chủ tịch G20 sẽ cứu cánh bằng sự hỗ trợ tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao giữa Nga, Ukraine, Mỹ và châu Âu bằng các kênh đối thoại chính thức và không chính thức.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh khẳng định, nghiên cứu vai trò của Ấn Độ trong bối cảnh và tác động của xung đột Nga - Ukraine để tìm hiểu kinh nghiệm trong ứng xử, xử lý các vấn đề quốc tế, từ đó gợi mở chính sách cho Việt Nam là rất cần thiết. Phó Chủ tịch gợi mở Hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề: Thứ nhất, Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đặt ra những thách thức gì đối với khu vực và thế giới? Cuộc xung đột đó đang tác động, làm thay đổi thế nào cục diện và trật tự thế giới?; Thứ hai, Cuộc xung đột đó tác động như thế nào đối với Ấn Độ? Lập trường, quan điểm, cách tiếp cận của Ấn Độ đối với cuộc xung đột đó; Thứ ba, kinh nghiệm của Ấn Độ trong xử lý quan hệ quốc tế và quan hệ trong nước phát sinh do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine? Từ đó, gợi mở chính sách hữu ích gì cho Việt Nam?
Phó Chủ tịch mong muốn, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp tại Hội thảo, Ban Tổ chức có báo cáo gửi tới Viện Hàn lâm và cơ quan có liên quan để phục vụ kịp thời công tác hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS) cho biết, quan điểm của Ấn Độ đối với trật tự thế giới sau cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine được thể hiện rõ khi Ấn Độ lựa chọn ủng hộ một trật tự thế giới đa cực, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, và theo đuổi chính sách đa liên kết, xây dựng các liên minh với các đối tác có cùng chí hướng thay vì các mối quan hệ đồng minh, ủng hộ một trật tự thế giới mới dựa trên thực tế thế kỷ 21.
Cũng theo TS. Phạm Cao Cường, Ấn Độ hiện là một trong bốn Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam. Trong nhiều thập niên qua, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Giữa hai nước cũng có nhiều điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế, góp phần vào việc củng cố hòa bình, thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung. Vì vậy, việc phân tích một cách toàn diện về phản ứng của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, việc đánh giá vai trò, vị thế của Ấn Độ trong một cục diện thế giới mới đầy biến động sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về chính sách, chiến lược của Ấn Độ trong bối cảnh hiện nay.
Phó Viện trưởng Phạm Cao Cường mong muốn nhận được nhiều ý kiến của Quý vị đại biểu để làm rõ sự tự nhận thức của Ấn Độ về vai trò của mình trong trật tự thế giới và nhận thức của các quốc gia, thể chế khác về Ấn Độ; đánh giá tác động và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đến trật tự thế giới, các mối quan hệ và các thể chế phát triển trên thế giới; tác động của trật tự thế giới mới đến các nước, các cặp quan hệ tay đôi, tam giác quan hệ có liên quan, đến chính trị đối nội và đối ngoại, đến chiến lược phát triển và cơ hội hợp tác của các nước; những thách thức mà khủng hoảng Nga - Ukraine đặt ra cho các thể chế khu vực như: SAARC, ASEAN và cho sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị cho Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi về Ban Tổ chức, các bài viết với nội dung phân tích sâu và toàn diện về các khía cạnh như: (i) Xung đột quân sự Nga - Ukraine và những tác động đối với quan hệ tam giác Ấn Độ - Nga - Trung Quốc; (ii) Ngoại giao tự chủ chiến lược của Ấn Độ nhìn từ khủng hoảng Ukraine; (iii) Tác động của khủng hoảng Ukraine đối với quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ: Nhìn từ chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tháng 6/2023; (iv) Quan hệ Ấn Độ - Nga trong diễn biến xung đột Nga - Ukraine; (v) Lựa chọn chiến lược của Ấn Độ trong trật tự thế giới mới sau khủng hoảng Nga - Ukraine; (vi) Lập trường của Ấn Độ đối với khủng hoảng Nga - Ukraine: Nhìn từ lợi ích quốc gia của Ấn Độ; (vii) Lý giải về nguồn gốc và mục tiêu của Mỹ và NATO trong xung đột Nga - Ukraine; (xiii) Tác động của khủng hoảng Nga - Ukraine đối với chính sách đối ngoại của Ấn Độ; (ix) Tác động của Khủng hoảng Nga - Ukraine đến nền kinh tế Ấn Độ; (x) Tác động của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Ấn Độ; (xi) Hợp tác quốc phòng Trung Quốc - Nga từ sau khủng hoảng Nga - Ukraine…
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích một cách toàn diện về (i) vai trò, vị trí của Ấn Độ trong trật tự thế giới mới sau khủng hoảng Nga-Ukraine từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong đó làm rõ sự tự nhận thức của Ấn Độ về vai trò của mình trong trật tự thế giới và nhận thức của các quốc gia, thể chế khác về Ấn Độ. (ii) Đánh giá tác động và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đến trật tự thế giới, các mối quan hệ và các thể chế phát triển trên thế giới, đưa ra đề xuất, kiến nghị cho Việt Nam. (iii) Ngoài ra, hội thảo cũng phân tích vấn đề thực tiễn đang cần sự định hướng như: những thách thức và cơ hội đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine…
Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại Hội thảo
Hội thảo là diễn đàn học thuật cởi mở, chuyên nghiệp và thẳng thắn để thảo luận về vai trò, vị thế, phản ứng của Ấn Độ đối với trật tự thế giới sau xung đột Nga - Ukraine, qua đó, cung cấp cho các học giả và những người làm hoạch định chính sách những thông tin cập nhật và hữu ích liên quan đến tình hình xung đột Nga - Ukraine cũng như phản ứng chính sách của Ấn Độ đối với sự kiện này.
PV.