Tham dự Hội thảo về phía các đại biểu VASS có PGS.TSKH. Lương Đình Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, TS. Đặng Thị Phượng, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ; PGS.TS. Nguyễn Duy Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn; PGS.TS. Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội; TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Nguyễn Xuân Khoát, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT.
Về phía các đại biểu ngoài VASS có Thượng tá, TS. Nguyễn Cao Sơn, Phó Trưởng khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Học viện An ninh nhân dân; Thiếu tá, TS. Nguyễn Đình Châu, Học viện An ninh nhân dân; PGS.TS. Mai Vũ Dũng, Khoa Lý luận Chính trị và Khoa học xã hội nhân văn; PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Đại học Mở Hà Nội; PGS.TS. Phạm Hương Trà, Phó Trưởng khoa Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
Về phía Viện nghiên cứu Con người có PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng cùng toàn thể các cán bộ nghiên cứu của các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc VASS.
![Thiếu tá, TS. Nguyễn Đình Châu, Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an trình bày báo cáo tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20nguyen%20dinh%20chau.jpg) |
Bước vào thế kỷ XXI, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ khiến nhiều người nghĩ đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu to lớn đã đạt được, thế giới đang chứng kiến việc xuất hiện ngày càng nhiều các mối đe dọa đến an ninh của quốc gia hay cả một vùng, thậm chí là vấn đề của toàn cầu, bao gồm cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống (ANPTT), trong đó các mối nguy cơ ANPTT đang ngày càng đa dạng, tác động đến an ninh con người và an ninh quốc gia từ nhiều chiều cạnh khác nhau, cũng ngày càng khó đo lường, khó nhận biết, điều này khiến cho nhận thức và hành động của các Chính phủ cũng thay đổi để có các chính sách điều chỉnh hữu hiệu.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó giáo sư cho biết: Ngày nay, ANPTT trở thành cụm từ được sử dụng khá phổ biến trong các hội nghị, diễn đàn khu vực, quốc tế, hợp tác song phương, đa phương giữa các quốc gia, các tổ chức cũng như các chủ thể khác trong xã hội. Các nguy cơ và mối đe doạn do ANPTT ngày càng rõ nét cùng với tiến trình phát triển của các quốc gia, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực như an ninh kinh tế, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh mạng, an ninh tiền tệ…
![TS. Phạm Thị Tính, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Quyền con người- An ninh con người, Viện Nghiên cứu Con người trình bày báo cáo tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/294_dien%20gia%202.jpg) |
Ngoài ra, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nhấn mạnh, sự mở rộng các phương tiện truyền thông đa phương tiện khiến cho các vấn đề ANPTT có điều kiện phát tác rất nhanh, lan tỏa rộng, ảnh hưởng lớn và dễ dàng vượt qua phạm vi một khu vực địa lý. Một lần nữa PGS cho rằng các thách thức mà ANPTT đặt ra ngày càng nhiều khó khăn cho công tác quản trị xã hội ở tất cả quốc gia và khu vực; đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển bền vững công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội. Do đó ANPTT đã và đang trở thành mối quan tâm toàn nhân loại. Qua đó, Việt Nam cũng cần tăng cường nhận thức tốt và đúng đắn về các mối đe dọa về kinh tế - xã hội - môi trường để từ đó có các biện pháp ứng phó phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản trị xã hội và chủ động đề xuất giải pháp hạn chế, phòng tránh các rủi ro xảy ra.
Hội thảo tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn về ANPTT và các nguy cơ, thách thức có thể xảy ra ở Việt Nam, khu vực và thế giới.
Thứ hai, trao đổi các thông tin, kiến thức, các phát hiện về các vấn đề liên quan tới ANPTT.
Thứ ba: kinh nghiệm của các quốc gia trong công tác quản trị gắn với biện pháp ứng phó hiệu quả với các thách thức ANPTT để tiến tới phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, trong đó nhấn mạnh đến phát triển con người và bảo đảm an ninh con người trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Thứ tư: thảo luận các thách thức, xu hướng và biện pháp ứng phó hiệu quả nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia. Đây cũng là các lĩnh vực mà Viện nghiên cứu con người rất chú ý lâu nay.
Hội thảo nhận được 28 báo cáo và có 05 báo cáo trình bày, được chia làm 02 phiên thảo luận. Các diễn giả (Thiếu tá, TS. Nguyễn Đình Châu, Học viện An ninh nhân dân; TS, Phạm Thị Tính, Viện nghiên cứu Con người; PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, Đại học Mở Hà Nội; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Phan Thanh Thanh, Viện nghiên cứu Con người) đã trình bày các nội dung liên quan đến sự phát triển tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về ứng phó với thách thức ANPTT và một số vấn đề lý luận về ANPTT; các khía cạnh cụ thể của ANPTT như an ninh mạng, vấn đề tội phạm người Việt Nam tại Nhật bản; khía cạnh giới trong an ninh nguồn nước tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu tham dự với các chủ đề đã được các tham luận trình bầy, đồng thời mở rộng ra các vấn đề thực tiễn khác về ANPTT như xung đột giữa các thế hệ, các hệ giá trị sẽ gây ra các bất ổn xã hội và nguy cơ ANPTT, phát triển bền vững nhìn từ góc độ ANPTT,... đặc biệt, có khá nhiều ý kiến bàn luận về nhân tố con người – trung tâm của quá trình phát triển – có vai trò như thế nào trong nhận biết và giải quyết các thách thức của ANPTT, đề xuất chính sách, giải pháp ứng phó hiệu quả với các nguy cơ, mối đe dọa từ các vấn đề ANPTT hướng tới đảm bảo ổn định và phát triển bền vững của mối quốc gia.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng khẳng định, ANPTT luôn biến đổi cùng với sự phát triển nhận thức và của xã hội, điều này cho thấy các hội thảo là cơ hội để thiết lập các mối quan hệ, tạo nên sự kết nối trong cộng đồng các nhà khoa học, mở ra những cơ hội hợp tác khoa học trong tương lai về vấn đề an ninh nói chung trong đó có ANPTT và các vấn đề khác cùng quan tâm.
![Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/luu%20niem%20anptt%2018-10.jpg) |
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê cũng thông tin thêm, các nghiên cứu về ANPTT, an ninh con người được Viện Nghiên cứu Con người bắt đầu triển khai nghiên cứu từ năm 2015 với đề tài cấp Bộ đầu tiên: An ninh con người ở Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu: các quan điểm tiếp cận và chính sách; từ đó đến nay, Viện thường xuyên có các công trình nghiên cứu nhiều chủ đề xung quanh vấn đề an ninh con người, như: an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh sức khỏe, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh việc làm, an ninh cá nhân, mua bán người, các bối cảnh như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi việc làm hay già hóa dân số có liên quan đến an ninh con người,... Viện Nghiên cứu Con người xác định, bên cạnh nghiên cứu về phát triển con người, về quyền con người thì an ninh con người cũng là mảng nghiên cứu quan trọng mà Viện sẽ tập trung trong dài hạn. Do đó, viện trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các quí vị đại biểu, các nhà khoa học trong các hoạt động trong tương lai của Viện.
Nguyễn Thu Trang