Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hà Nội

17:00 24/10/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế (CT02), Viện Kinh tế Việt Nam được Sở KH&CN Thành phố Hà Nội giao chủ trì thực hiện nhiệm Vụ “Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hà Nội”. Sáng ngày 25/10/2023, tại trụ sở số Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Hàn lâm), Cơ quan chủ trì và Ban chủ nhiệm nhiệm Vụ tổ chức hội thảo khoa học “Xin ý kiến Báo cáo tổng hợp Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hà Nội”. Hội thảo được tổ chức có sự tham dự của các đơn vị sở ban ngành Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện, trường/trường đại học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp…

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng và TS. Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (ĐMST) có thể được hiểu là một hệ thống gồm các chủ thể  khởi nghiệp dựa trên ĐMST, các tổ chức, cá nhân tương hỗ lẫn nhau trong một phạm vi hoạt động (thành phố, vùng, quốc gia, lĩnh vực) và môi trường nhất định.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp thành phố/địa phương là hiện tượng một thành phố hoặc địa phương có một hệ thống gồm các chủ thể khởi nghiệp, các tổ chức công - tư, các cá nhân tương hỗ lẫn nhau nhằm thúc đẩy sự đổi mới và tạo ra các công ty khởi nghiệp.

Các công ty khởi nghiệp không và không thể tồn tại trong chân không, chúng được sinh ra trong một bối cảnh cụ thể với tư cách là các bộ phận của một thực thể - một mạng lưới, một hệ thống – lớn hơn nhiều so với chính bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp đó. Một bối cảnh địa lý là một thành phố hoặc một địa phương rất quan trọng để các thành viên trong hệ sinh thái có thể tập hợp và liên kết, thúc đẩy sự đổi mới và khởi nghiệp trong cộng đồng của mình, trên cơ sở tận dụng các thế mạnh và nguồn lực sẵn có của địa phương.

Việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia phải gắn và xuất phát từ việc xây dựng hệ sinh thái tại mỗi địa phương, đặc biệt tại các thành phố lớn của quốc gia. Khi tập trung khai thác nguồn lực thành phố/địa phương sẽ tạo tính bền vững, lâu dài cho sự phát triển của hệ sinh thái quốc gia.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết từ thực tiễn trong nước, thời gian qua Đảng và Nhà nước  luôn coi trọng và xem việc tạo lập hệ sinh thái cho khởi nghiệp ĐMST là một trong những mục tiêu trọng tâm ở cấp quốc gia nên đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương định hướng cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như: Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 về việc Phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025, hướng tới tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hình thành và phát triển; Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, giải pháp lớn đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đã yêu cầu: “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế”; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 của Đại hội 13 của Đảng cũng đã khẳng định: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Phát huy vai trò của các quỹ về phát triển khoa học và đổi mới công nghệ trong thúc đẩy nghiên cứu, khởi nghiệp ĐMST… Hệ sinh thái cho KHCN & khởi nghiệp ĐMST sẽ góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đi tắt, đón đầu để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thực hiện khát vọng phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết thêm, Thành phố Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở thành phố Hà Nội đã và đang được hình thành, phát triển tương đối sôi động với nhiều thành phần tham gia. Về mặt cơ bản, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hiện có từng bước đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, loại hình doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của Thủ đô bởi những lý do sau: Thứ nhất, các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hà Nội đã có đủ, nhưng hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần, mối liên kết vẫn còn rời rạc ở quy mô nhỏ, dẫn tới hiệu quả hoạt động chưa cao, do thiếu vắng những cơ chế, chính sách và quy định pháp luật rõ ràng, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của chủ thể chính quyền đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp; Thứ hai, lĩnh vực khởi nghiệp ĐMST chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; Thứ ba, số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội gọi được vốn từ các quỹ đầu tư rất ít; phần lớn chỉ là doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số, mà chưa phát triển dựa trên nền tảng ĐMST đúng nghĩa; Thứ tư, trên địa bàn Hà Nội đã có một số khu công nghệ cao (CNC), công viên phần mềm và hàng chục cơ sở vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tuy vậy, chưa có một hệ sinh thái và Trung tâm khởi nghiệp và ĐMST đúng nghĩa theo thực tiễn quốc tế tốt nhất; Thứ năm, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cần đi đầu trong nhiệm vụ phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn do Nhà nước sở hữu và các Tập đoàn tư nhân đã là “kỳ lân” cũng như đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ sẽ tham gia việc thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng startup đổi mới sáng tạo bằng cả nguồn lực tài chính, hạ tầng đất đai, kinh nghiệm quản trị điều hành doanh nghiệp cho đến việc “đặt hàng”, “bao tiêu” các sản phẩm, dự án khởi nghiệp có tính khả thi với thị trường.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, bối cảnh mới và xu hướng khởi nghiệp ĐMST mở dựa trên làm chủ công nghệ lõi và ứng dụng công nghệ mới đang gia tăng đặc biệt là các công nghệ của cuộc cách mạng lần thứ tư như số liệu lớn, trí tuệ thông minh, internet vạn vật,...Bởi vậy, Hà Nội sẽ có cơ hội để vừa thử nghiệm các thể chế vượt trội nhằm phát triển các mô hình kinh doanh mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Viện trưởng Bùi Quang Tuấn gợi ý, đề nghị các quý vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận vào các vấn đề then chốt chốt sau: (i) thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hà Nội; (ii) bước đầu thử nghiệm tính toán mức độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Thủ đô; (iii) hệ giải pháp, kiến nghị chính sách mang tính đột phát, vượt trội nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hà Nội…

Các đại biểu phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

Đề cập đến chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Đề án 4889 của UBND Thành phố Hà Nội năm 2019 về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019 – 2025 bao gồm 7 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh truyền thông; phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư; hình thành trung tâm ĐMST và khởi nghiệp Hà Nội. Các sở ngành Hà Nội đã rất nỗ lực để đưa các chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn và đem lại những kết quả nhất định cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố.

Bàn về “Phương pháp tính toán tiêu chí đánh giá sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và thử nghiệm điều tra ở Thành phố Hà Nội”, TS. Nguyễn Ánh Tuyết, đại diện nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, nhóm đã sử dụng khung phân tích theo 08 trụ cột cấu thành hệ sinh thái để xây dựng bộ chỉ số sinh thái khởi nghiệp ĐMST bao gồm các chiều cạnh: cầu; tài chính; thể chế - hạ tầng; hệ thống trường đại học; vốn con người; hệ thống hỗ trợ; giáo dục – đào tạo; và văn hóa. Tính toán số liệu từ khảo sát thực tiễn của đề tài, nhóm nghiên cứu chỉ ra chỉ số tổng hợp và các chỉ số thành phần cấu tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Hà Nội vẫn ở mức độ trung bình, cần phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiêm cứu, Chủ nhiệm đề tài TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, với mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều cơ chế chính sách, môi trường pháp lý cho khởi nghiệp ĐMST đã được ban hành và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, cho đến nay hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Các thành phần của một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hà Nội đã từng bước hình thành, nhưng hoạt động chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các thành phần, mối liên kết vẫn còn rời rạc ở quy mô nhỏ, dẫn tới hiệu quả hoạt động chưa cao. Đó là do thiếu vắng những cơ chế, chính sách và quy định pháp luật rõ ràng và gắn với tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của chủ thể chính quyền đối với hệ sinh thái khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điều này đang dẫn đến tình trạng bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh tại thị trường nội địa hay thậm chí cả thị trường quốc tế của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

Với vị thế là Thủ đô của cả nước Hà Nội cần trở thành thành phố khởi nghiệp hàng đầu quốc gia và khu vực. Để làm được đó, thành phố Hà Nội cần phải thử nghiệm các thể chế vượt trội nhằm phát triển các mô hình kinh doanh mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp. TS. Hà Huy Ngọc cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Thành phố Hà Nội như: (i)Kiến tạo hệ thống quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, thuận lợi, minh bạch cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển; (ii) Khai thác thương mại hóa tài sản trí tuệ và thanh toán giá trị tài sản sau khi được giao quyền; (iii) Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của khu vực và quốc gia; (iv) Khơi thông dòng chảy để thu hút nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sửa đổi các quy định để tạo thuận lội cho các nhà đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; tạo nguồn vốn tư nhân đầu tư vào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (v) Cơ chế mang tính đột phá, vượt trội đối với Thủ đô HàNội; (vi) Chính phủ cho phép Hà Nội thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm…

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp về xây dựng hệ thống cơ sở lý luận về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST; đánh giá được thực trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại thành phố Hà Nội;  chỉ ra những hạn chế, rào cản, đồng thời đề xuất được các giải pháp chính sách nhằm tháo gỡ những rào cản đó để pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Thành phố Hà Nội. Đây là dịp để các đại biểu chia sẻ về các vấn đề về hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST diễn ra hiện nay, đồng thời cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp Giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Thành phố Hà Nội.

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác