|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã trình bày “Báo cáo tổng hợp tình hình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và đề xuất cơ chế phối hợp giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hội Việt Nam”. Thông qua 4 nhóm vấn đề liên quan đến: Năng lực của Viện Hàn lâm về nghiên cứu lý luận chính trị; Nguồn lực, sự tham gia của các nhà khoa học đối với công tác nghiên cứu khoa học lý luận và khoa học lý luận chính trị; Các công trình nghiên cứu lý luận, lý luận chính trị; Cơ chế làm việc, nghiên cứu của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học. Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh: Viện Hàn lâm có khả năng xây dựng và cung cấp các cách tiếp cận, phương pháp phân tích, khung lý thuyết, các dữ liệu phong phú phục vụ nghiên cứu lý luận nói chung, nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng; cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng, luận giải, làm sáng tỏ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều công trình nghiên cứu lý luận của Viện đã phân tích, đánh giá một cách khách quan, đa chiều và mang tính phản biện khoa học đối với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn. Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm còn là lực lượng nòng cốt trong việc tham gia xây dựng và trực tiếp góp ý vào nhiều dự thảo văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như: Văn kiện Đại hội Đảng, dự thảo luật… và các văn bản quan trọng khác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương và tổ chức chính trị - xã hội.
|
Phó giáo sư Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày “Báo cáo tổng hợp tình hình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị và đề xuất cơ chế phối hợp giữa Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hội Việt Nam” |
Ngoài ra, Viện Hàn lâm còn có nhiều nghiên cứu lý luận chính trị từ các phương diện chính trị học, luật học, sử học, dân tộc học, tôn giáo học, văn học, văn hoá học, xã hội học, môi trường, quốc tế học, đối ngoại, phát triển con người, … Các nghiên cứu đều có tính hệ thống, gắn chặt giữa lý luận, lý luận chính trị với các ngành khoa học xã hội và nhân văn mang tính cập nhật, hiện đại; các nghiên cứu tiếp cận từ kinh nghiệm quốc tế và có tính dự báo cao, gắn kết được với bối cảnh quốc tế và khu vự, các kiến nghị có giá trị của Viện Hàn lâm trong những năm qua xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế là thành quả của các công trình nghiên cứu quốc tế, liên ngành nêu trên…
Thông qua các số liệu cập nhật về số lượng các nhà khoa học, các đề tài nghiên cứu trọng điểm, cấp Bộ, cấp Nhà nước đã được thông qua, triển khai và hoàn thiện với kết quả xuất sắc trong suốt những năm gần đây, đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm đã đề xuất cơ chế phối hợp các hoạt động hợp tác với Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung vào các nhóm vấn đề:
Thứ nhất, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm có thể xác định định hướng nghiên cứu 05 năm và xây dựng định hướng nghiên cứu chung hàng năm của hai bên, từ đó làm cơ sở cho việc hình thành các kế hoạch nghiên cứu cụ thể hằng năm của mỗi bên, bảo đảm bám sát nhu cầu thực tiễn và năng lực thực hiện của Viện Hàn lâm.
Thứ hai, Hội đồng Lý luận Trung ương quan tâm đặt hàng đề tài/nhiệm vụ, các báo cáo tư vấn chính sách trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực của mỗi cơ quan, phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm trong một số lĩnh vực nghiên cứu lý luận và lý luận chính trị.
Thứ ba, xây dựng cơ chế hợp tác và chia sẻ thông tin, trao đổi sản phẩm nghiên cứu, truy cập cơ sở dữ liệu nghiên cứu của hai bên.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi để huy động chuyên gia của mỗi bên tham gia các hoạt động nghiên cứu của mỗi bên và các hoạt động nghiên cứu chung.
Thứ năm, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, Viện Hàn lâm phối hợp thu hút sự hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu lý luận và lý luận chính trị.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung như: thực hiện các nhiệm vụ khoa học; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học với chủ đề phù hợp.
Thứ bảy, hai cơ quan chỉ định đầu mối phối hợp để tăng cường hơn nữa việc gắn kết giữa hai bên trong công tác.
|
Giáo sư Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
|
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi làm việc |
Ngoài việc tham gia đóng góp vào Báo cáo do Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn trình bày, các ý kiến tham gia thảo luận cũng tập trung làm rõ năng lực của Viện Hàn lâm trên các chiều cạnh nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành, những kết quả đạt được trong việc Viện Hàn lâm đã chủ động thành lập một số nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, gồm các cán bộ có năng lực tốt trong nghiên cứu và tư vấn chính sách để thực hiện một số vấn đề cấp bách, phức tạp, mang tính thời sự hoặc theo nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao…
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng các ý kiến phát biểu đã góp phần nêu rõ những định hướng mới trong công tác nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn mà Viện Hàn lâm đã và đang thực hiện, trong đó có nội dung nghiên cứu về lý luận chính trị. Những kết quả đó đã được Viện Hàn lâm thể hiện thông qua đánh giá xuất sắc của Hội đồng khoa học các cấp; những ghi nhận về năng lực vượt trội trong các nghiên cứu chính sách, trong các nhiệm vụ khoa học có tính đột phá, cấp bách được Đảng và Nhà nước đặt hàng trong thời gian qua là cơ sở để Hội đồng Lý luận Trung ương tin tưởng công tác nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm sẽ ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới, những thành công này cũng là cơ sở góp phần khẳng định vai trò, xác lập vị trí quan trọng và bản sắc của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đối với quá trình đẩy mạnh đổi mới toàn diện đất nước.
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Để những thành tựu đáng ghi nhận này đạt được những bước tiến vượt bậc hơn nữa trong thời gian tới Hội đồng Lý luận Trung ương tin tưởng và mong đợi Viện Hàn lâm sẽ có nhiều thay đổi tích cực trong công tác triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học kịp thời cho Đảng và Nhà nước, phục vụ có hiệu quả việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển, đặc biệt là tập trung cho việc tổng kết 40 năm đổi mới và chuẩn bị đóng góp xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng./.
Phạm Vĩnh Hà