Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số”

17:00 07/12/2023
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nối tiếp các hoạt động khoa học, hợp tác với UNESCO, sáng ngày 08/12/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm- VASS), Tiểu ban Khoa học xã hội phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số” nhằm tìm hiểu, đánh giá các vấn đề kinh tế- xã hội phát sinh trong quá trình chuyển đổi số và hình thành xã hội số từ đó rút ra các hàm ý cho Việt Nam trong việc đề ra các chính sách phát triển công nghệ có lợi cho con người, xây dựng chính sách bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, phân chia của cải công bằng và hạn chế tác động tiêu cực của công nghệ trong xã hội số.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO<br>Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO; Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Chủ trì Hội thảo cùng TS. Đặng Xuân Thanh là PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học; PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người cùng các diễn giả: TS. Hoàng Vũ Linh Chi, Viện Xã hội học; TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam; ThS. Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu Con người; TS. Nguyễn Ngọc Trung và TS. Phạm Thị Thu Phương- ThS. Phan Thị Song Thương, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; TS. Kiều Quỳnh Anh, Học viện Khoa học xã hội cùng đại diện các cơ quan quản lý, đại diện các Tiểu ban UNESCO, các tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí, cùng đại diện lãnh đạo và chuyên gia của các đơn vị thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm. 

Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao,<br>Phó Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên đầy biến động và thay đổi nhanh chóng, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến quá trình phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam vươn lên, thực hiện mục tiêu đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển vào năm 2045. Để thực hiện được mục tiêu đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dưới những tác động của của cuộc cách mạng khoa học công nghệ này, Việt Nam cần bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững, với phương châm “không để ai bị bỏ   lại phía sau” trong kỷ nguyên số hiện nay.

TS. Đặng Xuân Thanh và PGS.TS. Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học chủ trì Phiên đầu tiên

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự và nhấn mạnh, chủ để hội thảo có ý nghĩa quan trọng gắn liền chặt chẽ với chức năng tư vấn chính sách của VASS. Do vậy, việc đưa ra những chính sách nhằm hiện thực hóa quá trình thúc đẩy phát triển bao trùm trong chuyển đổi số, xã hội số vào phát triển kinh tế- xã hội là điều rất quan trọng. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn, TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, Viện Hàn lâm trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu về phát triển bao trùm cùng những định hướng nghiên cứu về quá trình chuyển đổi số, hướng tới xã hội số.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, vị trí và vai trò cùng những đóng góp của UNESCO đối với các hoạt động phát triển bao trùm, gắn liền với chuyển đổi số. Ông cho hay, trong 5 năm qua, UNESCO đã tiến hành các công trình nghiên cứu và hoạt động về phát triển bao trùm như: “Chương trình cùng hành động vì phát triển bao trùm: Cơ hội cho những người khuyết tật tiếp cận số tới thông tin và tri thức”. UNESCO khởi xướng chương trình này từ năm 2019 với mục tiêu tăng cơ hội cho người khuyết tật đóng góp cho sự phát triển, được hưởng thành quả từ sự phát triển, góp phần vào nỗ lực chung hiện thực hóa 4 trong 17 mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đồng thời, Ông Hoàng Hữu Anh khẳng định, phát triển bền vững và bao trùm đã trở thành một xu thế tất yếu và là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đều hướng tới. Quá trình này đang diễn ra nhanh và toàn diện hơn trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh và luôn có thành tựu, đột phá quan trọng. Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy đó. Trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Việt Nam đã xác định xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt của đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hoá số.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người trình bày Báo cáo về Xây dựng chính quyền số ở vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển bao trùm

Hội thảo được chia làm 02 phiên thảo luận. Các diễn giả tập trung trình bày các vấn đề liên quan đến công nghệ và bình đẳng: Kiến tạo công bằng xã hội trong xã hội số; Xây dựng chính quyền số ở vùng dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển bao trùm: nâng cao năng lực kỹ thuật số cho đội ngũ công chức, viên chức (Nghiên cứu trường hợp ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang); Đào tạo kỹ năng số cho người lao động: yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam; Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng người lao động trong xã hội số, nghiên cứu trường hợp các lái xe công nghệ ở Việt Nam; Xã hội số và bạo lực mạng đối với trẻ em; Khoa học mở và thực tiễn triển khai ở Viện Hàn lâm trong bối cảnh chuyển đổi số.

Toàn cảnh Hội thảo

Đánh giá về chuyển đổi số bao trùm; hướng tới nền kinh tế vì con người ở Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tất cả các quốc gia đều đang trải qua những tác động của chuyển đổi số, khiến cho những hoạt động, tương tác của Chính phủ, các thành phần khác nhau của nền kinh tế và người dân đều có những thay đổi cơ bản, nhanh và mạnh mẽ. Việt Nam cũng không nằm ngoài tiến trình đó. Những thay đổi cải cách đã là khó khăn, thì chuyển đổi số được nhận định còn khó khăn hơn những chuyển đổi truyền thống vì những yêu cầu cao và sức ép mạnh mẽ từ công nghệ số. Chuyển đổi số không chỉ là quá trình số hoá dữ liệu và tinh giản thủ tục, mà cần phải là quá trình thay đổi toàn diện hướng tới nền kinh tế vì con người: do người dân tham gia chuyển đổi và đem lại lợi ích và an ninh cho người dân. Vì vậy, sự tham gia, sự thụ hưởng và sự an toàn của người dân trong xã hội số cần phải được đặt làm trung tâm, để kiện toàn tầm nhìn, chiến lược, và giải pháp thực hiện cho Việt Nam.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích giữa các chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó, TS. Đặng Xuân Thanh mong muốn, các kết quả nghiên cứu của các chuyên gia từ các viện nghiên cứu chuyên ngành trong VASS (Viện Nghiên cứu Con người, Viện Xã hội học, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, Viện Kinh tế Việt Nam và Học viện Khoa học xã hội) sẽ đóng góp các ý kiến đề xuất hữu ích nhằm thúc đẩy phát triển bao trùm trong xã hội số vì sự phát triển bền vững, lâu dài của Việt Nam.

Nguyễn Thu Trang

Một số link báo có đăng tin:

https://ictvietnam.vn/bat-binh-dang-so-co-the-lam-tram-trong-bat-binh-dang-ve-xa-hoi-va-kinh-te-61839.html

https://ictvietnam.vn/tre-em-can-duoc-quan-tam-dac-biet-de-han-che-bao-luc-tren-khong-gian-mang-61862.html

https://ictvietnam.vn/bat-binh-dang-so-co-the-lam-tram-trong-bat-binh-dang-ve-xa-hoi-va-kinh-te-61839.html

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác