Hội thảo khoa học “Phát triển xã hội vùng biên giới đất liền của Việt Nam theo hướng bền vững và định hướng giải pháp”

17:00 13/09/2024
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay”, sáng ngày 13/9/2024, tại Hội trường trụ sở số 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài mũ tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển xã hội vùng biên giới đất liền của Việt Nam theo hướng bền vững và định hướng giải pháp”, nhằm tổng kết và đánh giá những thành tựu nổi bật trong phát triển xã hội ở vùng biên giới đất liền thời gian qua; phân tích những khó khăn, thách thức, trở ngại trong phát triển xã hội ở vùng biên giới và đề xuất những định hướng về giải pháp nhằm phát triển xã hội ở vùng biên giới đất liền theo hướng bền vững. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc phát triển bền vững vùng biên giới đất liền trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức mới nổi về an ninh, xã hội, và kinh tế. Các khu vực biên giới không chỉ là nơi giao thương kinh tế mà còn là điểm giao thoa văn hóa, xã hội giữa các quốc gia, đòi hỏi những chính sách phát triển bền vững, hài hòa.

PGS.TS. Chu Văn Tuấn cho rằng việc bảo vệ an ninh con người và đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại vùng biên giới là nhiệm vụ then chốt trong việc xây dựng một xã hội công bằng, ổn định và phát triển. Cần tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng, để giải quyết những vấn đề chung như tội phạm xuyên biên giới, biến đổi khí hậu và bất ổn xã hội. Đồng thời, ông khuyến nghị các đại biểu tập trung đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững cho vùng biên giới, đảm bảo các lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự được lắng nghe 05 báo cáo trình bày. Các diễn giả đã đề cập đến một số vấn đề như Lao động, việc làm nhìn từ thực tiễn ở một số tỉnh biên giới nước ta; An ninh con người tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia; Hoạt động lừa đảo xuyên giới qua không gian mạng và vấn đề đặt ra với phát triển xã hội bền vững; Chính sách dân tộc thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ năm 2013 đến nay; Một số hoạt động phi nông nghiệp của người Nùng Giang ở hai huyện biên giới Hà Quảng và Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Hội thảo cũng được đông đảo các đại biểu và chuyên gia có mặt cùng bình luận, đặt câu hỏi, thảo luận về các vấn đề mà đề tài này quan tâm.

Đại biểu tham dự phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

Chia sẻ về vấn đề lao động và việc làm từ thực tiễn tại các tỉnh biên giới trong 10 năm qua, nhà nghiên cứu độc lập Linh Giang cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong việc chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Ông Linh Giang cũng chỉ ra thực tế cho thấy giải quyết vấn đề lao động và việc làm ở các tỉnh biên giới nước ta đang gặp phải những bất cập, thách thức, trên nhiều khía cạnh và bình diện khác nhau, thể hiện trên các mặt chủ yếu sau: (i) Lực lượng lao động đông song chất lượng không cao, trình độ thấp. Còn thiếu lao động trình độ cao. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức; (ii) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật khu vực nông nghiệp – nông thôn ở nhiều tỉnh vẫn ở mức thấp;  (iii) Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi trên một số địa bàn là vấn đề mang tính “thời sự”, đặc biệt là thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên; (iv) Quá trình chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong những năm qua tương đối nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; (v) Chất lượng đội ngũ lao động ngành dịch vụ còn thấp, đặc biệt thiếu và yếu về kỹ năng ngoại ngữ, tay nghề, chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, tập huấn; (vi) Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu tuyển dụng nguồn lao động sẵn có, thiếu quan tâm đến công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động theo yêu cầu đặt ra; (vii) Một bộ phận lao động trẻ, được đào tạo chính quy, có xu hướng chuyển đến làm việc ở các địa bàn có điều kiện, môi trường thuận lợi, có cơ hội phát triển tốt hơn.

Ông Linh Giang đề xuất giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, nhất là khu vực nông thôn; chuyển đổi việc làm từ phi chính thức sang chính thức; nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt chú trọng công tác dạy nghề…

Đề cập hoạt động lừa đảo xuyên giới, TS. Hoàng Văn Chung và ThS. Kim Thanh Sản cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các hoạt động lừa đảo xuyên biên giới qua không gian mạng ngày càng gia tăng, khiến biên giới truyền thống không còn đủ bảo vệ người dân trước các hành vi lừa đảo trực tuyến. Điều này đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển bền vững, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để giải quyết vấn đề…

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực biên giới, bao gồm: Chính sách dân tộc nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện cho các cộng đồng dân tộc thiểu số; an ninh con người tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức mới về an ninh và tội phạm xuyên biên giới.

Các giải pháp được đề xuất bao gồm tăng cường quản lý biên giới, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân địa phương và đảm bảo an ninh trật tự thông qua việc phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chương trình cho biết các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực biên giới, các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích, giúp nhận diện hiện trạng vấn đề liên quan và gợi ý, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị chính sách quan trọng cho Đảng và nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách phát triển vùng biên giới đất liền và trong việc hoạch định chính sách đối ngoại với các nước láng giềng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị bền vững.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác