Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Khoa học xã hội UNESCO; Ông Johnathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; các diễn giả và các chuyên gia, học giả đến từ một số Bộ, ngành và các đơn vị, Viện Nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhiệt liệt chào mừng sự tham dự đông đảo của các đại biểu. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, Việc ứng dụng và áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây (Cloud), Robot thông minh, Công nghệ in 3D, công nghệ chuỗi khối (Blockchain) … trong quản lý xã hội, kinh doanh, giao tiếp đã và đang tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, quản trị, điều hành, quy trình, cách thức làm việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng như văn hóa của người dân. Việc tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt của đời sống, giúp người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hoá số. Phát triển xã hội số giúp người dân tham gia dễ dàng vào các hoạt động xã hội, mang đến cho họ cơ hội bình đẳng, thuận lợi hơn trong giao tiếp, tương tác, tiếp cận thông tin, dịch vụ, đào tạo, tri thức, giải trí, góp phần cải thiện dân trí, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xã hội số cùng với chính phủ số, kinh tế số, tạo thành các cấu thành và trụ cột của quốc gia số. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn, vài năm gần đây, Viện Hàn lâm đã có nhiều hoạt động nghiên cứu về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số. Theo Phó chủ tịch, nhân lực số cùng với thể chế, hạ tầng, người dân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế số và xã hội số. Nhân lực số gồm lực lượng chuyên gia, nhân lực công nghệ số của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, cùng người dân được phổ cập kỹ năng số đóng vai trò quyết định cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số quốc gia. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách phát triển nguồn nhân lực số để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra. Phó chủ tịch đề nghị đại biểu tích cực chia sẻ quan điểm, ý kiến đề xuất thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong xã hội số, phát triển xã hội số góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, nhân văn và rộng khắp...
Trong phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hùng Sơn đã khẳng định ý nghĩa thiết thực và quan trọng của chủ đề Hội thảo trên các phương diện: (1) Hội thảo đóng góp cho nỗ lực toàn cầu trong nghiên cứu đánh giá, đề xuất chính sách về phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với mối quan tâm của Liên Hiệp quốc, đây là yếu tố then chốt để đạt các mục tiêu phát triển bền vững… (2) Nội dung hội thảo phù hợp với bối cảnh UNESCO xem việc phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quyết định trong việc xây dựng xã hội số bao trùm, bền vững. Với tư cách là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ có nhiều nghiên cứu có đóng góp tích cực cho các công việc chung của UNESCO; (3) Đối với ASEAN, việc phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhân tố then chốt trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN; (4) Đối với Việt Nam, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc củng cố và phát triển nguồn nhân lực ngày càng trở nên cấp bách, quan trọng và đòi hỏi sự chung tay nỗ lực lâu dài của xã hội trong việc giải quyết những thách thức về nguồn nhân lực (sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, sự chênh lệch về trình độ, kỹ năng giữa các nhóm người lao động…).
Hội thảo nhận được 06 báo cáo trình bày, được chia làm 02 phiên thảo luận, bao gồm 02 nội dung chính về vốn con người và nguồn nhân lực số bao gồm các khía cạnh liên quan đến các lĩnh vực về vốn con người tác động đến chuyển đổi số, xã hội số; trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến nghiên cứu khoa học xã hội và những yêu cầu, thách thức đối với nguồn nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cùng với năng lực số và kỹ năng số tác động đến quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và chính sách phát triển nhân lực trong nghiên cứu khoa học xã hội nói riêng.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự về các vấn đề quan trọng liên quan đến những thách thức và cơ hội trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tác động đến nguồn nhân lực. Các báo cáo cùng phần thảo luận đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh quan trọng và thiết yếu của nhân tố con người, nguồn lực con người trong tăng trưởng và phát triển của xã hội số và Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư cho đến các giải pháp, khuyến nghị chính sách cho phát triển nguồn nhân lực. Những nội dung thảo luận không chỉ mang lại giá trị lý thuyết mà còn cung cấp nhiều bài học thực tiễn cho chính sách phát triển nhân lực nói chung của Việt Nam cũng như những vấn đề đặt ra cho phát triển nhân lực nghiên cứu khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Johnathan Baker trân trọng sự hợp tác với VASS trong thời gian vừa qua. Đồng thời đánh giá cao về những kết quả nghiên cứu của các diễn giả và mong muốn hợp tác với VASS trong quá trình xây dựng chính sách cũng như thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và thế giới; đẩy mạnh kết nối với các quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực về nhân lực số, chuyển đổi số và một số góc nhìn xã hội, văn hóa về đạo đức AI; xây dựng khung năng lực chuyển đổi số và AI. Ông đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo và mong rằng, các kết quả nghiên cứu sẽ có đóng góp quan trọng vào việc tư vấn và xây dựng chính sách cấp quốc gia để thúc đẩy môi trường hòa nhập số bình đẳng, góp phần vào sự phát triển con người trong tương lai.
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh khẳng định Nhà nước đã quan tâm, xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về nguồn nhân lực số: Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050….Bên cạnh thành tựu, thể chế về nguồn nhân lực số vẫn cần tiếp tục hoàn thiện liên quan đến cơ chế tài chính, thủ tục hành chính, chế độ thu hút, tuyển dụng, sử dụng, hỗ trợ, đào tạo lại, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao về số.
Hội thảo hôm nay đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng chuyển mình sang xã hội số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Hội thảo đã trao đổi học thuật hữu ích và mở ra những hướng đi mới, tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai giữa các Tiểu ban của UNESCO và các Viện nghiên cứu trong việc triển khai các ý tưởng và sáng kiến từ hội thảo thành những hoạt động thực tiễn, góp phần cụ thể hóa trong quá trình tư vấn và hoạch định chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực trong xã hội số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Phó Chủ tịch đề nghị thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác hiệu quả giữa VASS - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trong thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang