Chương trình đào tạo thí điểm “Khu công nghiệp sinh thái – Lý thuyết và thực tiễn”

17:00 14/04/2018
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong hai ngày 10 và 11 tháng 04 năm 2018 Trung tâm Phát triển bền vững Đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã triển khai khóa đào tạo thí điểm về khu công nghiệp sinh thái. Đây là khóa đào tạo thí điểm đầu tiên trong chuỗi 2 khóa đào tạo thí điểm về khu công nghiệp sinh thái do Học viện Khoa học xã hội (HVKHXH) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Mỗi khóa đào tạo bao gồm 01 ngày học lý thuyết và 01 ngày đi thực địa tại một khu công nghiệp trong khung khổ Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Tham dự buổi lễ khai mạc khóa học có PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội; Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý Các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cùng các diễn giả trình bày đến từ Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC); Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm); Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp Quốc (UNIDO) cùng các học viên của chương trình đào tạo đợt 1.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý Các khu kinh tế,<br>Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu chào mừng tại Khóa học   PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện KHXH<br>phát biểu khai mạc tại Khóa học

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, sản xuất công nghiệp, các KCN cũng đã gây ra những tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân gây thất thoát về kinh tế do phải xử lý vấn đề môi trường dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt xã hội… Do vậy, việc nghiên cứu và triển khai xây dựng mô hình KCN sinh thái là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Trong phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hoạt động giáo dục, đào tạo trong việc triển khai, áp dụng thành công mô hình KCN sinh thái vào thực tế ở Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đào tạo, truyền thụ kiến thức liên quan đến KCN sinh thái trong thời gian tới. Đối với riêng Học viện KHXH, đây là cơ sở đào tạo sau đại học chuyên về khoa học xã hội, quản lý kinh tế và phát triển bền vững với 37 ngành và chuyên ngành, do vậy, Phó Giám đốc HVKHXH mong muốn, thông qua chương trình đào tạo đợt này sẽ giúp các học viên nắm bắt được các kiến thức chuyên sâu về phát triển bền vững, quản lý và sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, mô hình quản lý KCN hiệu quả, đảm bảo các mặt xã hội trong phát triển KCN…. PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh hi vọng nhận được sự tương tác, trao đổi từ các học viện nhằm  đánh giá được tầm quan trọng cũng như khả năng tích hợp nội dung về KCN sinh thái vào nhiều ngành đang được đào tạo tại Học viện.

Phát biểu chào mừng tại khóa học, thừa ủy quyền Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu và các học viên cao học, các nghiên cứu sinh Khoa Chính sách công, Kinh tế học và Phát triển bền vững thuộc Học viện KHXH. Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, mô hình KCN sinh thái là một mô hình được Chính phủ Việt Nam ưu tiên lựa chọn nhằm chuyển đổi các KCN hiện tại sang một mô hình mang tính bền vững hơn với kì vọng nếu được thực hiện thành công, năng lực cạnh tranh và các doanh nghiệp sản xuất sẽ được cải thiện và nền công nghiệp phát triển bền vững, đóng góp tích cực phát triển kinh tế và môi trường. Vụ trưởng Vụ Quản lý Các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” và chương trình đào tạo thí điểm KCN sinh thái góp phần lan tỏa rộng rãi khái niệm KCN sinh thái cũng như là ứng dụng mô hình này trong thực tế. Qua đó, ông Trần Duy Đông mong muốn nhận được sự hợp tác từ các bộ, ban, ngành liên quan và các học viên để thực hiện lâu dài chương trình này nhằm phổ biến kiến thức KCN sinh thái theo hướng hệ thống tại Việt Nam trong thời gian tới.

Toàn cảnh Khóa học   Các đại biểu và học viên tham dự chụp ảnh lưu niệm

Khóa đào tạo lý thuyết đợt 1 trình bày 6 tham luận. Các diễn giả (Ông Trần Duy Đông; TS. Nguyễn Đình Chúc; Ông Lê Xuân Thịnh- VNCPC, ThS. Vũ Ngọc Quyên, Viện Kinh tế Việt Nam; Ông Trần Minh – IRSD; Bà Trần Thanh Phương – UNIDO) trình bày các nội dung về khung khổ lý thuyết về sinh thái công nghiệp và KCN sinh thái; tăng trưởng xanh và KCN sinh thái; ứng dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp bền vững; thực trạng phát triển KCN và định hướng chuyển đổi sang KCN sinh thái ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển KCN sinh thái; một số tiêu chí KCN sinh thái và kết quả chuyển đổi KCN sinh thái ở Việt Nam.

Sau phần trình bày các tham luận là phần thảo luận nhóm các vấn đề lý thuyết liên quan đến Dự án nhằm mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái. Trong đó, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường và giảm chi phí sản xuất. Hơn nữa, công nghệ và kinh nghiệm sản xuất sạch và phát thải ít cac-bon sẽ được trình diễn tại các KCN nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất hữu cơ khó phân hủy (POP) và ô nhiễm nước.

 

Đoàn học viên đi tham quan, khảo sát thực tế tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình

Ngày thứ hai của chương trình, các học viên được đi khảo sát thực tế tại Ninh Bình và được lĩnh hội các kiến thức thực tiễn về sự vận hành của các KCN cũng như khả năng chuyển đổi KCN sinh thái tại Việt Nam bao gồm khảo sát kết quả chuyển đổi của KCN Khánh Phú, Ninh Bình; khảo sát cơ sở hạ tầng – kết nối giao thông và vấn đề xử lý nước thải tập trung tại KCN Khánh Phú. Qua việc giảng dạy, học tập, các học viên sẽ áp dụng hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn cũng như công tác chuyên môn của bản thân, trên cơ sở đó nắm vững chìa khóa cho sự phát triển bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển, tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Chương trình đào tạo thí điểm “Khu công nghiệp sinh thái- Lý thuyết và thực tiễn”  đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 23-24/4/2018.

Nguyễn Thu Trang

 

In trang Chia sẻ

Tin khác