Ngày 16 tháng 7 năm 2020, tại Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thùy Dung đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Luật học; Chuyên ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính; Mã số: 9 38 01 02; Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lê Thị Hương.
Phát biểu tại Lễ bảo vệ, NCS. Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết: Mục đích nghiên cứu của Luận án là nhằm luận giải các cơ sở khoa học liên quan đến chủ đề nghiên cứu nhằm đưa ra quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật và bảo đảm áp dụng biện pháp ngăn chặn (BPNC) hành chính ở Việt Nam hiện nay. Làm rõ những vấn đề lý luận về BPNC hành chính và đánh giá thực trạng pháp luật, thực tiễn hoạt động áp dụng các BPNC hành chính; PBNC hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có thể: Có vi phạm hoặc không có vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm hành chính có thể xảy ra.
|
GS.TS. Võ Khánh Vinh – Chủ tịch Hội đồng tặng hoa chúc mừng NCS. Nguyễn Thị Thùy Dung
|
Với mục đích nêu trên, luận án đã tập trung giải quyết các vấn đề: Thứ nhất, khái quát, đánh giá các công trình khoa học về BPNC hành chính, từ đó xác định các vấn đề cần được làm rõ về mặt lý thuyết liên quan đến BPNC hành chính. Thứ hai, phân tích sự phát triển pháp luật về các BPNC hành chính qua các thời kỳ, từ đó chỉ ra tính quy luật của sự phát triển và tính kế thừa; đánh giá thực trạng pháp luật hiện hành về BPNC hành chính cũng như việc áp dụng các BPNC hành chính trong thực tiễn, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế; nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế. Thứ ba, xác định rõ các nhu cầu và quan điểm hoàn thiện pháp luật về BPNC hành chính trong bối cảnh hiện nay; từ đó đưa ra các khuyến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về BPNC hành chính và một số biện pháp bảo đảm cho việc áp dụng các BPNC hành chính.
Đánh giá về những đóng góp mới về khoa học của luận án Hội đồng nhận định: Luận án đã tổng quan, phân tích được các quan điểm đã và đang tồn tại về BPNC hành chính; Xây dựng được khái niệm BPNC hành chính, đồng thời chỉ ra các đặc điểm, vai trò cũng như phân loại các BPNC hành chính và các bảo đảm thực hiện BPNC hành chính; Phân tích được một cách toàn diện về thực trạng quy định pháp luật hiện hành và thực trạng áp dụng pháp luật về BPNC hành chính. Qua đó, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó về các BPNC hành chính; Từ việc xác định nhu cầu hoàn thiện pháp luật BPNC hành chính, luận án đã đưa ra hệ thống các quan điểm và giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về BPNC hành chính cũng như những quan điểm, giải pháp bảo đảm cho việc áp dụng BPNC hành chính.
|
NCS. Nguyễn Thị Thùy Dung chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng
|
Về mặt lý luận, luận án góp phần làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về ngăn chặn hành chính cũng như góp phần hoàn thiện pháp luật về BPNC hành chính. Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật. Về mặt thực tiễn, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu áp dụng hoàn thiện pháp luật, vào hoạt động xử lý các vi phạm hành chính.
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua.
Phạm Vĩnh Hà
(Nguồn: Học viện KHXH)