Chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

17:00 17/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +

NGÔ VĂN VŨ*

ĐỒNG THỊ THÙY LINH** 

 

Tóm tắt: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hàn Quốc đóng vai trò hết sức quan trọng, được coi như xương sống của nền kinh tế quốc gia. Trong từng thời kỳ phát triển của nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Cũng giống như Hàn Quốc, Việt Nam có hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa đông đảo, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hiện nay, đứng trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc tham gia ký kết và đi vào thực thi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp phải những khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển. Việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc về chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giúp Việt Nam xây dựng được chính sách phù hợp và hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Từ khóa: Chính sách phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hàn Quốc

 

 

1. Giới thiệu

Ở Hàn Quốc, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 99,9% tổng số các doanh nghiệp, tạo ra hơn 102,9 triệu USD giá trị xuất khẩu và tạo ra việc làm cho hơn 88% tổng số laođộng[1]. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là một trong những mục tiêu trọng tâm của Hàn Quốc. Các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc được triển khai nhằm mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn tài chính và công nghệ mới. Hàn Quốc là quốc gia trong khu vực châu Á có những đặc điểm tương đồng với Việt Nam trong việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ cao và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế mỗi quốc gia. Bài viết***[2]nghiên cứu các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc, bao gồm: chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng; ưu đãi thuế; hỗ trợ hoạt động thương mại và giao dịch hàng hóa; phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công nghệ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ khởi nghiệp. Từ đó, đúc kết đưa ra những bài học kinh nghiệm phát triể-n doanh nghiệp nhỏ và vừa cho Việt Nam.

2. Các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc

2.1. Chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, ưu đãi thuế

Khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường bị hạn chế do không có tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng ngắn và thiếu chuyên môn cần thiết để đưa ra các báo cáo tài chính[3]. Để khắc phục vấn đề này, Hàn Quốc đã thiết lập một hệ thống hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống bảo lãnh tín dụng.

Hệ thống bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc được chia thành ba quỹ: Quỹ bảo lãnh tính dụng Hàn Quốc (KODIT), Quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc (KOTEC) và 16 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. KODIT là một tổ chức tài chính công được thành lập ngày 01/06/1976 theo quy định của Đạo luật Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc. Mục tiêu của KODIT là dẫn dắt sự phát triển cân bằng của nền kinh tế quốc gia bằng cách mở rộng bảo lãnh tín dụng cho các khoản nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp hữu hình.

KOTEC được thành lập nhằm thiết lập một cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển và đổi mới công nghệ. Năm 1997, Hàn Quốc lần đầu tiên áp dụng cơ chế thẩm định và đánh giá công nghệ, trên cơ sở đó xem xét việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển những công nghệ mang tính chiến lược, đổi mới. Theo đó, hàng loạt các cơ chế, chính sách mới được đưa ra về quỹ bảo lãnh tín dụng công nghệ, hỗ trợ tài chính, đánh giá, thẩm định công nghệ thông qua hệ thống thẩm định công nghệ KTRS (Kibo Technology Rating System). Bảo lãnh tín dụng của KOTEC thường dành cho các doanh nghiệp có mục đích đổi mới và thương mại hóa công nghệ, bên cạnh đó bao gồm cả mục đích chi trả chi phí vận hành và trang thiết bị. Để đảm bảo hiệu quả của các khoản tín dụng được bảo lãnh, KOTEC tham gia vào việc giám sát hoạt động của doanh nghiệp trước, trong và sau khi vay. Việc giám sát này giúp cho KOTEC đánh giá chặt chẽ tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đó quyết định gia hạn thời gian bảo lãnh hoặc hủy bỏ bảo lãnh tùy vào hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ, KOTEC sẽ thay doanh nghiệp trả cho ngân hàng và tìm cách thu hồi tiền từ các tài sản còn lại của doanh nghiệp.

Năm 2014, chính phủ đã đưa ra một sáng kiến nhằm thúc đẩy các khoản vay dựa trên công nghệ để cung cấp nguồn tài chính lớn hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mà không cần thế chấp. Tuy nhiên, do đặc điểm của phát triển công nghệ có tỷ lệ rủi ro cao, nên phát triển tài chính ở lĩnh vực này không nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các tổ chức cho vay tư nhân, mà phần lớn phụ thuộc vào các tổ chức tài chính công[4]. Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính công thường cấp tín dụng cho các doanh nghiệp có rủi ro tài chính thấp hơn là cho các doanh nghiệp vay để phát triển công nghệ tiên tiến với rủi ro cao. Do đó, tài chính công cho công nghệ tập trung vào các doanh nghiệp muốn mở rộng sử dụng công nghệ hiện tại, thay vì những doanh nghiệp muốn phát triển công nghệ mới. Để đánh giá tín dụng và công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chính phủ đã thành lập Cơ quan xếp hạng tín dụng kỹ thuật để phát triển một mô hình tín dụng tích hợp.

Hướng đến mục tiêu giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 1988, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật Hạn chế thuế đặc biệt, thực hiện các chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ mới. Đạo luật này đã được sửa đổi và bổ sung năm 2014, trong đó quy định rõ ràng về các chính sách miễn, giảm, hoàn thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong mọi lĩnh vực. Theo đó, tùy theo điều kiện hoạt động kinh doanh, quy mô và loại hình kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được khấu trừ thuế dao động từ 5% đến 30% với mức giới hạn trần 100 triệu won[5].

Chính sách thuế và hỗ trợ tài chính, tín dụng trở thành công cụ đắc lực mà Chính phủ Hàn Quốc sử dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Chính sách này tập trung vào ba giai đoạn của vòng đời doanh nghiệp, đó là khởi nghiệp – nuôi dưỡng thúc đẩy tăng trưởng- tăng trưởng bền vững, toàn cầu hóa. 

2.2. Chính sách hỗ trợ hoạt động thương mại và giao dịch hàng hóa

Với mục đích góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật về Hỗ trợ mua bán - Sản xuất hàng hóa và Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn thông qua các quy định ưu tiên trong chi tiêu mua sắm và hỗ trợ thị trường. Theo đạo luật này, những doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ và xây dựng sẽ được ưu tiên ký kết các hợp đồng mua sắm, xây dựng của các cơ quan nhà nước nếu đáp ứng đủ các điều kiện về chất lượng hàng hóa, xây dựng[6]. Những quy định này đã giúp tạo ra thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh đó, để đáp ứng được các tiêu chuẩn yêu cầu về chất lượng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nâng cao quy trình, chất lượng sản phẩm của mình. Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp Hàn Quốc (Ministry of SMEs and Start up – (MSS)) cũng quản lý một hệ thống mua sắm công để tăng cường mua sắm các sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho chính phủ và các cơ quan nhà nước, cung cấp các tuyến bán hàng ổn định cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời MSS cũng hỗ trợ các tuyến bán hàng và tiếp thị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tổ chức các cuộc họp tư vấn mua sắm liên kết với các đơn vị phân phối lớn, phát triển thương hiệu chung cho các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra MSS còn thành lập các cửa hàng riêng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mang tên Hit 500 Plaza tại các khu thương mại và khu vực công cộng nhằm hỗ trợ các sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa đến tay người tiêu dùng trong nước[7].

2.3. Chính sách phát triển nguồn nhân lực

Chiếm tỷ lệ hơn 99% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm, đặc biệt là đối với nguồn lao động trẻ. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực có kinh nghiệm tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, MSS đã phát triển các trung tâm dạy nghề, các trường trung học (như trường trung học kỹ thuật điện tử Gumi, trường trung học kỹ thuật cơ khí quốc gia Busan, trường trung học kỹ thuật cơ khí Chonbuk), các học viện công nghệ nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu việc làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, MSS đang cố gắng giải quyết vấn đề không phù hợp giữa cung- cầu lao động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách tạo điều kiện cho các nguồn nhân lực có chất lượng cao vào làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra việc làm lâu dài bằng cách kết nối giữa bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề[8]. Chính phủ cấp kinh phí hỗ trợ các chương trình liên kết giữa trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp thông tin, trợ cấp cho giảng viên, người hướng dẫn và sinh viên. Qua đó, sinh viên sẽ có cơ hội được thực tập tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cơ hội thực hành với môi trường làm việc thực tế, chuyên nghiệp, qua đó giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo theo đúng nhu cầu, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường[9].

 Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách đào tạo từ xa, đào tạo qua mạng được cụ thể trong Luật Hỗ trợ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sửa đổi, bổ sung năm 2009. Chính phủ Hàn Quốc đã thiết lập một mạng lưới giáo dục nhằm trang bị và củng cố kiến thức chuyên môn, giúp cho việc tiếp cận thông tin dễ dàng và linh hoạt hơn, xây dựng các dự án hỗ trợ bồi dưỡng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và đổi mới không ngừng của nền kinh tế.

2.4. Chính sách đổi mới công nghệ

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu trong công nghệ điện tử - viễn thông, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Luật Thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, áp dụng những chính sách ưu đãi về sử dụng đất đai và tài sản. Bên cạnh đó, chính phủ hỗ trợ 50% chi phí mua trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các dự án nghiên cứu, các kế hoạch đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của doanh nghiệp và xã hội[10].

Hàn Quốc đã thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy việc kế thừa các kết quả nghiên cứu công nghệ của hoạt động R&D, nâng cao năng lực R&D và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hỗ trợ các sản phẩm và các quy trình sản xuất mới[11]. MSS đang thực hiện chương trình phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo và đầu tư vào đổi mới công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lĩnh vực tăng trưởng xanh và các công nghệ tiên tiến để đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường công nghệ toàn cầu, tạo ra một nền kinh tế sáng tạo. Ngoài ra, MSS còn cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các thiết bị thử nghiệm và nghiên cứu để giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong điều kiện khan hiếm thiết bị thử nghiệm. Bổ sung thiết bị R&D tại Trung tâm hỗ trợ đổi mới thiết bị kỹ thuật số và trung tâm hỗ trợ sản xuất sản phẩm thử nghiệm nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để bảo vệ sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, MSS cũng đã xây dựng Trung tâm bảo vệ công nghệ doanh nghiệp nhỏ và vừa để ngăn chặn và đối phó với sự xâm phạm công nghệ từ các cuộc tấn công qua mạng và DDOS (từ chối dịch vụ phân tán) thông qua e-mail. Trung tâm này giúp hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia trong các lĩnh vực bảo mật và luật pháp để bảo vệ công nghệ do doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm giữ thông qua hệ thống ký gửi công nghệ để đảm bảo việc sử dụng ổn định các công nghệ giữa các doanh nghiệp. Chính phủ cũng hỗ trợ xây dựng các giải pháp bảo mật công nghệ và bảo vệ vật lý như bảo vệ máy chủ mạng, camera quan sát và hệ thống quản lý xuất nhập cảnh, phù hợp với môi trường bảo mật của từng doanh nghiệp.

2.5. Chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm trong nước, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt quan tâm. Quốc gia này đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình thông qua việc miễn, giảm chi phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Văn phòng sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Hiệp hội Bằng sáng chế Hàn Quốc (KPAA) đã ký một thỏa thuận hợp tác kinh doanh để cung cấp dịch vụ quản lý bằng sáng chế miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa[12]. Áp dụng chính sách giảm 50% phí đăng ký bằng sáng chế đối với các doanh nghiệp nhỏ, và miễn 70% phí đối với doanh nghiệp siêu nhỏ. Bên cạnh việc hỗ trợ giảm, miễn phí đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, KIPO còn cung cấp hệ thống thông tin miễn phí liên quan tới các vấn đề về bằng sáng chế nhằm nâng cao hiểu biết của người học về quyền sở hữu trí tuệ[13].

2.6. Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp và tài chính. Năm 2016, Hàn Quốc có 67 trung tâm hỗ trợ 6.655 doanh nghiệp với tổng ngân sách 25 tỷ Won (khoảng 23,2 triệu USD)[14]. Trong đó khoảng 80% trung tâm được đặt tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, trung tâm nghiên cứu. Để truyền cảm hứng khởi nghiệp, MSS đã tổ chức các trại khởi nghiệp BizCool dành cho học sinh ở nhiều cấp học từ tiểu học cho tới trung học, để thúc đẩy suy nghĩ tích cực về khởi nghiệp ở trẻ em và thanh thiếu niên. MSS cũng tổ chức các bài giảng về các doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ các câu lạc bộ, học viện và các giải đấu ở trường đại học nhằm khuyến khích truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên, học sinh như những doanh nhân tiềm năng trong tương lai.

Chương trình Ươm tạo công nghệ cho khởi nghiệp (TIPS) được chính phủ đưa ra năm 2014 nhằm mục tiêu kết hợp phát triển công nghệ với kinh doanh. Chương trình này được mô phỏng theo Vườn ươm Công nghệ của Israel (TI) được thiết kế để thúc đẩy các nhà đầu tư kết hợp với R&D của chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua cung cấp các chuyên gia tư vấn và hỗ trợ tài chính. Với quan điểm, giáo dục đóng vai trò quan trọng cho khởi nghiệp thành công, cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMBA) đã thành lập các trường dạy về khởi nghiệp nhằm đào tạo các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, đồng thời triển khai các hoạt động đào tạo hướng dẫn khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng hay học viện.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Cũng giống như các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay cũng đang gặp phải những khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển như sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, khả năng tiếp cận nguồn tài chính, và việc ứng dụng khoa học công nghệ mới... Do đó, từ việc nghiên cứu chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ khởi nghiệp. Để hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam có thể học theo Hàn Quốc trong việc phát triển các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp được tư vấn về khởi nghiệp thông qua hệ thống chuyên gia trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, truyền cảm hứng khởi nghiệp được thực hiện ở nhiều cấp học, để thúc đẩy những suy nghĩ tích cực, chia sẻ những bài học về khởi nghiệp thành công cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng các trường dạy về khởi nghiệp nhằm đào tạo các doanh nhân trẻ khởi nghiệp, hướng dẫn khởi nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học, học viện.

Thứ hai, hỗ trợ tài chính, tín dụng. Để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng như Hàn Quốc. Mục tiêu của hệ thống bảo lãnh tín dụng là dẫn dắt sự phát triển cân bằng của nền kinh tế quốc gia bằng cách mở rộng bảo lãnh tín dụng cho các khoản nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản thế chấp hữu hình. Trong thời gian tới, yếu tố công nghệ là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh và nâng cao năng suất của các doanh nghiệp. Do đó, bảo lãnh tín dụng nên ưu tiên dành cho các doanh nghiệp có mục đích đổi mới và thương mại hóa công nghệ, bên cạnh đó bao gồm cả mục đích chi trả chi phí vận hành và trang thiết bị. Để đảm bảo hiệu quả của các khoản tín dụng được bảo lãnh, quỹ bảo lãnh tín dụng cần tham gia vào giám sát hoạt động của doanh nghiệp trước, trong và sau khi vay. Trên cơ sở đó quyết định gia hạn thời gian bảo lãnh hoặc hủy bỏ bảo lãnh tùy vào hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ ba, chính sách ưu đãi thuế. Để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ, Việt Nam có thể học theo Hàn Quốc trong việc thực hiện các chính sách ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư và nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ mới. Trong đó, cần quy định rõ ràng về các chính sách miễn, giảm, hoàn thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tùy theo điều kiện hoạt động kinh doanh, quy mô và loại hình kinh doanh.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực. Để đáp ứng nhu cầu lao động doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đầu tư, chú trọng vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ bài học phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc, trước hết cần chú trọng tới việc kết nối nguồn cung- cầu lao động thông qua việc xây dựng liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghề và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm đảm bảo nguồn lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, thiết lập hệ thống đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, các chương trình học trên mạng, giúp giảm chi phí đào tạo và thời gian. 

Thứ năm, khuyến khích đổi mới công nghệ. Để khuyến khích đổi mới công nghệ, Việt Nam cần đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như Luật Thúc đẩy đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, áp dụng những chính sách ưu đãi về sử dụng đất đai và tài sản. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thực hiện Chương trình đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy việc kế thừa các kết quả nghiên cứu công nghệ của hoạt động R&D, nâng cao năng lực R&D và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách hỗ trợ các sản phẩm và các quy trình sản xuất mới. Ngoài ra, chính phủ có thể hỗ trợ chi phí mua trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các dự án nghiên cứu, các kế hoạch đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

 Thứ sáu, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Bảo vệ các quyền của doanh nghiệp nhỏ và vừa như quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc phổ biến kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình thông qua việc miễn, giảm chi phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Áp dụng chính sách giảm phí đăng ký bằng sáng chế đối với các doanh nghiệp nhỏ và miễn phí đối với doanh nghiệp siêu nhỏ.

4. Kết luận

Với chính sách hỗ trợ phát triển của chính phủ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc đang ngày càng lớn mạnh, huy động được các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển,  tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh tế. Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những địa điểm đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư. Khu vực doanh nghiệp này của Hàn Quốc rất tiềm năng, đa dạng ngành nghề, có nhiều lợi thế để có thể hợp tác, phát triển tại Việt Nam. Do đó, với những kinh nghiệm học hỏi được qua chính sách hỗ trợ phát triển của Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh để có thể hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2010), Chuyên đề: Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Hà Nội.

2. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018), Chuyên đề số 15: Đổi mới phương thức hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam, Hà Nội.

3. Brassell, M. and K. Boschmans (2018), “Fostering the Use of Intangibles to Strengthen SMEAccesstoFinance”, OECD SME and Entrepreneurship Papers, No. 8, OECD Publishing, Paris.

4. Doh, S., Kim, B., (2014), “Government support for SME innovations in the regional industries: The case of government financial support program in South Korea”, Res. Policy, http://dx.doi.org/10.1016/j.respol.2014.05.001.

5. Joo-Yong Kim (2007), SME Innovation Policies in Korea, The Policy Environment for the Development of SMEs, pp. 129-149, Published by Pacific Economic Cooperation Council and the Chinese Taipei Pacific Economic Cooperation Committee.

6. Ministry of SMEs and startups (2015), “No. of Korean SMEs & Employees by Year”, https://www.mss.go.kr/site/eng/02/20204000000002019110624.jsp?fbclid=IwAR3PW49mEpqoxoYGl7h9QzYMC44DFLsrKLj6j8CwOO-WLhXSWuT0OY3n_Fc.

7. MSS (2015),  “Act on Facilitation of Purchase of Small and Medium Enterprise-Manufactured Products and Support for Development of Their Markets”,  https://www. mss.go.kr/common/files/formatDownload.do?fileName=ACT%20ON%20FACILITATION%20OF%20PURCHASE%20OF%20SMALL%20AND%20MEDIUM%20ENTERPRISE-MANUFACTURED%20PRODUCTS%20 AND%20SUPPORT%20FOR%20DEVELOPMENT%20OF%20THEIR%20MARKETS.pdf.

8. MSS (2017), “Biz. Environment – MSS Policies – Major Policies”, https://www.mss. go.kr/site/eng/03/10302000000002017111508.jsp.

9. PwC (2018), “A Summary of Korean Corporate and Individual Income Taxes 2018”, Samil PricewaterhouseCoopers, https://www. pwc.com/kr/en/publications/samilpwc_tax-summary-2018_en.pdf.

10. Randall S.Jones, Jea Wan Lee (2018), “Enhancing Dynamism in SMEs and Entrepreneurship in Korea”, OECD, Working Papers No 1510, http://www.oecd.org/officia ldocuments/publicdisplaydocumentpdf/?cote=ECO/WKP(2018)58&docLanguage=En.

11. WIPO (2001), “KIPO Activities Targeted at the SMEs Sector (Republic of Korea)”, https://www.wipo.int/sme/en/best_ practices/kipo.htm.

 


* TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

** ThS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

*** Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp Bộ: Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, do TS. Ngô Văn Vũ làm chủ nhiệm, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì thực hiện năm 2019-2020.

[1] Ministry of SMEs and startups, 2015.

[2] Ministry of SMEs and startups, 2015.

[3] Randall S.Jones, Jea Wan Lee (2018), “Enhancing Dynamism in SMEs and Entrepreneurship in Korea”, OECD, Working Papers No 1510, http://www.oecd.org/officialdocuments/publicdisplaydocumentpdf/?cote=ECO/WKP(2018)58&docLanguage=En.

[4] Brassell, M. and K. Boschmans (2018), “Fostering the Use of Intangibles to Strengthen SMEAccesstoFinance”, OECD SME and Entrepreneurship Papers, No. 8, OECD Publishing, Paris.

[5] PwC (2018), “A Summary of Korean Corporate and Individual Income Taxes 2018”, Samil PricewaterhouseCoopers, https://www.pwc.com/kr/en/ publications/samilpwc_tax-summary-2018_en.pdf.

[6] MSS (2015),  “Act on Facilitation of Purchase of Small and Medium Enterprise-Manufactured Products and Support for Development of Their Markets”.

[7] MSS (2017), “Biz. Environment - MSS Policies - Major Policies”, https://www.mss.go.kr/site/eng/03/1030200000 0002017111508.jsp.

[8] MSS (2017), Tlđd.

[9] Joo-Yong Kim (2007), SME Innovation Policies in Korea, The Policy Environment for the Development of SMEs, pp. 129-149, Published by Pacific Economic Cooperation Council and the Chinese Taipei Pacific Economic Cooperation Committee.

[10] Joo-Yong Kim (2007), Tlđd.

[11] Joo-Yong Kim (2007), Tlđd.

[12] WIPO (2001), “KIPO Activities Targeted at the SMEs Sector (Republic of Korea)”, https://www.wipo.int/ sme/en/best_ practices/kipo.htm.

[13] WIPO (2001), Tlđd.

[14] Brassell và Boschmans (2018), Tlđd.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8(234) 8-2020

 

 

In trang Chia sẻ

Tin khác