Diễn đàn đầu tư Tanzania - Việt Nam

17:00 21/07/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Chiều ngày 21/7/2022, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam(VASS) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania; Trung tâm đầu tư Tanzania (TIC); Hiệp hội hợp tác kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VEACA) tổ chức Diễn đàn đầu tư Tanzania - Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Tanzania - Nguyễn Nam Tiến

Diễn đàn vinh dự được đón tiếp Đại sứ Việt Nam tại Tanzania - Nguyễn Nam Tiến; các đại biểu đến từ Hiệp hội hợp tác kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VEACA); Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES); Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS); đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam (trong đó có doanh nghiệp Việt Nam tại Tanzania). Về phía Tanzania có sự hiện diện của đại diện Bộ Ngoại giao Tanzania; Bộ Công trình và Giao thông, Trung tâm đầu tư Tanzania; Ban quản lý Khu chế xuất (EPZA); Ban Hạt điều Tanzania; Trung tâm thương mại, ngũ cốc và các sản phẩm khác thuộc Hội đồng quản trị, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Tanzania (TARI) và Tổ chức khu vực Tư nhân Tanzania…

Đánh giá quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống không ngừng phát triển trong nhiều thập kỷ qua giữa hai Nhà nước, hai Đảng cầm quyền và giao lưu nhân dân Việt Nam - Tanzania, Đại sứ Nguyễn Nam Tiến bày tỏ, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Tanzania kinh nghiệm phát triển đất nước, chuyển đổi kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân…; Đại sứ Nguyễn Nam Tiến nhận định thương mại đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước hiện nay đồng thời cho biết Tanzania đạt thặng dư thương mại lớn với Việt Nam do Việt Nam là quốc gia thu mua điều thô lớn nhất của Tanzania trong vài năm gần đây. Thông qua diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Nam Tiến đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi, chia sẻ thông tin qua nhiều kênh, đặc biệt là với các cơ quan nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước… nhằm tăng cường hơn nữa độ tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển bởi tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại hai nước còn rất lớn khi kim ngạch thương mại song phương chỉ khoảng 300 triệu USD so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 545 tỷ USD năm 2020.

PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng IAMES tại Diễn đàn

Diễn đàn đã được lắng nghe nhiều ý kiến tham luận được trình bày qua hình thức Webinar trực tuyến của các diễn giả đến từ các đơn vị đồng tổ chức, thông qua các clip giới thiệu về tiềm năng đất nước, con người, sản phẩm nông nghiệp đa dạng và phong phú của Tanzania. Là một trong những quốc gia có sản lượng thu hoạch hạt điều thô lớn nhất thế giới. Hạt điều thô hiện đang là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Tanzania, tiếp theo là chè, cà phê và cây sisal (một loại cây lấy xơ sợi nổi tiếng ngành dệt may).

Với những trao đổi sâu về tiềm năng phát triển kim ngạch xuất khẩu, các diễn giả đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các cơ hội đầu tư, xuất khẩu nông sản trao đổi giữa Việt Nam và Tanzania; cơ hội và ưu đãi đầu tư tại các đặc khu kinh tế và khu chế xuất; Cơ hội đầu tư và năng lực tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam tại Tanzania; Tiềm năng trong chuỗi giá trị hạt điều tại Tanzania; Chuỗi giá trị gia tăng trong giao dịch và dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam và Tanzania…

 

Có thể thấy rằng, cơ hội cho hợp tác hai bên là rất lớn, với vai trò là cửa ngõ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường Cộng đồng Đông Phi (EAC), thị trường Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và hơn hết là thị trường 55 nước châu Phi nằm trong Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) các diễn giả đều cho rằng cơ hội hợp tác giữa hai bên sẽ còn mở rộng với nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa trong thời gian tới trên cơ sở hợp tác song phương hai bên cùng có lợi.

Vui mừng trước kết quả đạt được, PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng IAMES đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi và cho rằng trong thời gian tới, với vai trò là đơn vị nghiên cứu đầu ngành về khu vực Châu Phi và Trung Đông, IAMES sẽ đẩy mạnh thêm nhiều nghiên cứu mới, góp phần hiệu quả vào hợp tác trong khu vực nói chung và giữa Việt Nam với Tanzania nói riêng.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác