Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thông tin chuyên đề Quí I năm 2025 “Bàn về phương pháp khảo sát nhận thức đối với rủi ro đạo đức và thái độ đối với ứng dụng AI”

15:15 05/04/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2025, chiều ngày 04/4/2025, tại Hội trường tầng 12, trụ sở 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Đoàn Viện Hàn lâm) tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề Quí I năm 2025 với chủ đề “Bàn về phương pháp khảo sát nhận thức đối với rủi ro đạo đức và thái độ đối với ứng dụng AI”.

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm; TS. Vũ Thị Kiều Phương, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Triết học; TS. Hồ Mạnh Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn cơ sở Viện Triết học cùng các đồng chí Ban Chấp hành các cơ sở đoàn thuộc và trực thuộc Đoàn Viện Hàn lâm; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Viện Hàn lâm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đoàn Viện Hàn lâm và thành viên Câu lạc bộ Lý luận trẻ Đoàn Viện Hàn lâm cùng các đồng chí đoàn viên, thanh niên Chi đoàn cơ sở Viện Triết học.

TS. Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đoàn Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Đồng chí Bí thư trân trọng cảm ơn Cấp ủy và Lãnh đạo Viện Triết học đã tạo điều kiện để Đoàn Viện Hàn lâm tổ chức Hội nghị chuyên đề có ý nghĩa thiết thực đối với đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm trong bối cảnh mới. Qua đó, đồng chí Bí thư mong muốn, các Chi đoàn cơ sở thuộc và trực thuộc Đoàn Viện Hàn lâm sẽ hướng đến tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị, góp phần phát huy tối đa năng lực, sở trường, thế mạnh của từng cá nhân đoàn viên cũng như của từng đơn vị. Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, Hội nghị thông tin chuyên đề Quí I sẽ là sự khởi đầu quan trọng đối với các hoạt động, sự kiện khoa học của Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm trong thời gian tới.

TS. Vũ Thị Kiều Phương, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Triết học phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Cấp ủy và Lãnh đạo Viện Triết học, Phó Viện trưởng, phát biểu tại Hội nghị, TS. Vũ Thị Kiều Phương đánh giá cao ý nghĩa quan trọng chủ đề của Hội nghị thông tin chuyên đề Quí I năm 2025 của Đoàn Viện Hàn lâm. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của đoàn viên, thanh niên Viện Hàn lâm trong thời gian tới, TS. Vũ Thị Kiều Phương nhấn mạnh, mỗi đoàn viên, thanh niên cần phấn đấu tự trau dồi kiến thức cho bản thân để tự tin đảm nhận những trọng trách quan trọng trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tổ chức đoàn cần tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên thể hiện được tiếng nói cũng như năng lực công tác bản thân trong các hoạt động đoàn nói chung và hoạt động khoa học nói riêng.

TS. Hồ Mạnh Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn cơ sở Viện Triết học thuyết trình chuyên đề tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đoàn viên, thanh niên được nghe phần thuyết trình của TS. Hồ Mạnh Tùng với chủ đề: “Bàn về phương pháp khảo sát nhận thức đối với rủi ro đạo đức và thái độ đối với ứng dụng AI”. Diễn giả đã nêu được tầm quan trọng và sự cần thiết của vấn đề này đến với các đại biểu. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi số nhanh chóng, việc nhận thức và hiểu rõ về rủi ro đạo đức từ việc sử dụng AI tạo sinh (Generative AI) (các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, sai lệch thuật toán dẫn tới đưa ra những quyết định không đảm bảo công bằng, việc kiểm soát dữ liệu, an ninh cá nhân, việc sử dụng những dữ liệu có chứa định kiến…) là cần thiết để cân nhắc sử dụng AI tạo sinh hiệu quả cũng như xây dựng các chính sách quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, những thông tin chia sẻ tại hội nghị chuyên đề được dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học quốc tế của báo cáo viên trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại Nhật từ năm 2020-2023.

Toàn cảnh Hội nghị

Bài thuyết trình đi sâu phân tích AI tạo sinh (Generative AI) là một dạng trí tuệ nhân tạo tiên tiến cho khả năng tạo ra nôi dung sáng tạo từ dữ liệu đầu vào và đã trở thành một thành phần không thể thiếu của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và vật lý hiện đại. Công nghệ này mang lại lợi ích như tăng cường sáng tạo, tối ưu hóa hiệu suất và hỗ trợ quyết định, nhưng đồng thời cũng đặt ra các rủi ro đạo đức nghiêm trọng, đặc biệt là khả năng thao túng thông tin và ảnh hưởng đến các giá trị xã hội.

Nghiên cứu này đề xuất tích hợp Mô hình Chấp nhận Công nghệ (TAM) với Lý thuyết Nền tảng Đạo đức nhằm khảo sát các yếu tố quyết định nhận thức rủi ro đạo đức đối với AI tạo sinh, sử dụng Phương pháp phân tích Ba Lát (Context, Variables và Statistical Models). Diễn giả lập luận rằng mức độ chấp nhận của người dùng phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản:

+ Tiện ích và dễ sử dụng: Người dùng chấp nhận công nghệ nhiều hơn khi họ nhận thấp lợi ích và sự tiện lợi (điều này được định lượng qua TAM).

+ Nhận thức rủi ro đạo đức: Mức độ chấp nhận giảm khi người dùng cảm thấy công nghệ đe dọa các giá trị, chuẩn mực xã hội, hoặc có khả năng gây ra những tác động không mong muốn (điều này được định lượng qua Lý thuyết Nền tảng Đạo đức).

Nghiên cứu khởi đầu bằng việc khảo sát môi trường ứng dụng của AI tạo sinh trong các lĩnh vực như giáo dục, sáng tạo nội dung, kinh doanh và giải trí. Sau đó nó đánh giá và phê phán các ứng dụng hiện có của TAM và Lý thuyết Nền tảng Đạo đức trong việc đo lường cách con người đánh giá các công nghệ thông minh. Cuối cùng, nghiên cứu đề xuất Khung Phân tích Ba Gọng cùng với các gợi ý cụ thể từ thiết kế bảng câu hỏi cho đến xây dựng các mô hình thống kê, nhằm mở đường cho những nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa chấp nhận công nghệ và nhận thức rủi ro đạo đức trong kỷ nguyên của AI tạo sinh.

Bên cạnh đó, TS. Hồ Mạnh Tùng cũng đề xuất một vài gợi ý và những đóng góp của AI tạo sinh từ góc độ xử lý thông tin như tham gia tích cực vào chuyển đổi số trong Khoa học xã hội và Nhân văn: công cụ số (Google Citation Alert), dữ liệu số, quản lí dữ liệu, tìm dữ liệu mở liên quan; đăng ký tài khoản Web of Science Researcher Profile, Scopus Research Profile; Orcid, Google Scholar Researcher Profile, tài khoản trên các tạp chí uy tín; tham gia tích cực vào quá trình phản biện, vào cộng đồng khoa học toàn thế giới. AI tạo sinh còn đóng góp vào mở rộng hợp tác khoa học liên ngành: các nhánh triết học với nhau, triết học và các ngành khác, cùng phát triển phương pháp luận…

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị

Hội nghị thông tin chuyên đề Quí 1 năm 2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện đoàn viên, thanh niên các Chi đoàn được diễn giả giải đáp thỏa đáng. Đây là nguồn tư liệu quí báu để các cán bộ, nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm sẽ ứng dụng hiệu quả AI vào công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

 

Tác Giả: Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác