Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành INAS; Giáo sư Matsuki Kenichi, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Senshu; Giáo sư Sasaki Shigeto, Hiệu trưởng Trường Đại học Senshu; Giáo sư Oyane Jun, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Đại học Senshu cùng các chuyên gia, nhà khoa học của 02 cơ quan và các diễn giả trình bày tại Hội thảo.
Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng sự tương đồng về văn hóa và mối bang giao kéo dài hàng trăm năm lịch sử từ thời Châu Ấn Thuyền, phong trào Đông Du của những thanh niên Việt Nam khát khao tri thức, khát khao tìm ra con đường cứu nước đầu thế kỷ XX. Trên nền tảng lịch sử- văn hóa ấy, năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao; Quan hệ hai nước mặc dù trải qua những thăng trầm, song vẫn được vun đắp, phát triển mạnh mẽ, đến nay đơm hoa kết trái, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực…
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Phó Chủ tịch trân trọng mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp hai nước trong thời gian qua và nhấn mạnh, việc tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa cũng như các vấn đề xã hội đương đại của mỗi nước đóng vai trò quan trọng nhằm tìm ra điểm tương đồng cũng như sự khác biệt. Qua đó góp phần tăng cường sự trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề nóng của xã hội sẽ giúp tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu hảo giữa hai quốc gia, dân tộc.
Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh cho biết “trong 03 phiên chính trị- an ninh, kinh tế, văn hóa, các nhà khoa học đã bàn thảo về vấn đề làm thế nào để xây dựng mối quan hệ “đối tác bình đẳng”, làm thế nào để nâng cấp mối quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng” giữa Việt Nam và Nhật Bản lên một tầm cao mới, tương xứng với những thành tựu thực tế cũng như những tiềm năng to lớn của mối quan hệ này”. Phó Chủ tịch bày tỏ hi vọng, các phiên thảo luận hôm nay, các chuyên gia, các nhà khoa học từ một góc nhìn khác, góc nhìn lịch sử- văn hóa- xã hội, qua đó đưa ra được những kiến nghị giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản trong thời gian tới.
![Giáo sư Oyane Jun, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Đại học Senshu phát biểu tại Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/gs%20oyane%20jun.jpg) |
Trong phát biểu chào mừng Giáo sư Oyane Jun bày tỏ niềm vinh dự khi được tham dự tại Hội thảo; trân trọng cảm ơn sự phối hợp của INAS, VASS và sự tư vấn nhiệt tình của tổ chức JICA. Viện trưởng Oyane Jun đã giới thiệu khái quát tình hình hợp tác khoa học giữa Đại học Senshu với INAS và VASS từ năm 2011 đến nay. Nhân dịp này, Giáo sư mong muốn thúc đẩy những dự án hợp tác khoa học mới có sự phối hợp của Đại học Senshu, VASS, INAS và Viện Nghiên cứu Sendaisha, VASS- Snedai Shaken, Viện Xã hội, VASS với trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ xã hội, Đại học Senshu.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản ,nhằm ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh đã trao Bằng khen cho Giáo sư Shimane Katsumi, Trường Đại học Senshu, Nhật Bản tại Hội thảo.
“Giáo sư Shimane Katsumi là “chiếc cầu nối” quan trọng kết nối giao lưu học thuật, hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Senshu- một trọng 10 trường đại học tư thục lớn, có lịch sử lâu đời nhất ở Nhật Bản với nhiều Viện Nghiên cứu và trường đại học của Việt Nam (Viện NC Đông Bắc Á, Viện Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội). Ông cùng với Lãnh đạo trường Đại học Senshu cũng đón tiếp nhiều đoàn công tác cấp cao của Viện Hàn lâm KHXH sang Nhật Bản công tác như đoàn do Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Phạm Văn Đức làm trưởng đoàn (2016), đoàn do Nguyên Phó Chủ tịch Đặng Nguyên Anh làm trưởng đoàn (2018), đoàn do Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Đặng Xuân Thanh làm trưởng đoàn (2022) và đây nhất là đoàn của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh sang làm việc tại Nhật Bản trong tháng 7/2023. Bản thân tôi là một thành viên trong các đoàn nói trên rất xúc động trước sự cần mẫn, tình cảm nồng ấm, sự chân thành và trọng thị mà GS Shimane dành cho các đoàn công tác của lãnh đạo Viện Hàn lâm khi sang thăm và làm việc tại Đại học Senshu. Bản thân tôi, người cùng làm việc và đồng hành và gắn bó với GS. Shimane trong suốt những năm tháng nói trên cảm nhận được sâu sắc tình yêu của ông đối với đất nước và con người Việt Nam, cảm tạ những cống hiến to lớn và không ngừng nghỉ của GS.Shimane đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói chung và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nói riêng”- TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành INAS, VASS chia sẻ.
Trải qua 02 ngày làm việc cùng 05 phiên chính thức. Hội thảo đã khép lại với 21 bài phát biểu có giá trị, các nhà khoa học đã đưa ra những nhận định, đánh giá nghiêm túc về thực trạng mối quan hệ Việt Nam- Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực chính trị- ngoại giao, an ninh- quốc phòng, kinh tế (đặc biệt là đầu tư FDI của Nhật Bản tại Việt Nam), văn hóa- giáo dục, lịch sử giao lưu văn hóa, các vấn đề kinh tế- xã hội của hai quốc gia, nghiên cứu Nhật Bản và giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam.
Đặc biệt, trong ngày thứ hai của hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung vào lịch sử lịch sử- văn hóa và những vấn đề kinh tế- xã hội hiện đại. Báo cáo của GS. Negishi, Đại học Seshu đã đề cập đến ngoại giao văn hóa của pháp tại Đông Dương những năm 1920, sự hình thành chữ quốc ngữ, xa rời chữ Hán và điều này dường như giống với ý tưởng la tinh hóa tiếng Nhật, cho thấy sự tương đồng giữa các nước Châu Á khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh, Đại học Thăng Long cũng chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong văn hóa hai nước. Hai bài phát biểu của GS.Kawakami và PGS.Nguyễn Thị Thu Phương đều bàn về vai trò của văn hóa đối với đời sống: một bên là phục hồi văn hóa truyền thống gắn với văn hóa chữa lành, phục hồi con đường cổ Towada và các hoạt động du lịch tâm linh ở Nhật Bản; và một bên là thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, đóng góp vào GPD cũng như tăng cơ hội việc làm cho lao động.
![Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/luu%20niem%20ngay%202.jpg) |
Phiên thảo luận thứ 5 và thứ 6, báo cáo của Giáo sư Yamagata Hirohisa; PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện; GS. Shimane Katsumi; TS. Đặng Thị Việt Phương; TS. Đào Thị Nga My; ThS. Trần Thị Việt Hà. Các bài phát biểu xoay quanh những vấn đề như tiền lương tối thiểu và tình trạng xã hội Nhật Bản gần đây, doanh nhân nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực trạng cuộc sống của người lao động Việt Nam ở Nhật qua điều tra bằng phương pháp photovoice, giảng dạy tiếng Nhật và nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, các đại biểu tham dự, cho thấy việc tìm hiểu về lịch sử- văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nội dung trao đổi, thảo luận đa dạng và phong phú đã mang lại những thông tin quí báu, gợi mở những hướng nghiên cứu mới, hợp tác khoa học cũng như đóng góp cho việc tư vấn hoạch định chính sách của Việt Nam đối với Nhật Bản. Qua đó góp phần tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và giao lưu nhân dân hai nước, hướng tới nâng tầm quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản lên tầm cao mới.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh trân trọng cảm ơn trường Đại học Senshu, Viện Khoa học xã hội cùng các tổ chức Nhật Bản, các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam đã giúp đỡ, đồng hành cùng VASS, INAS trong chặng đường hợp tác khoa học trong thời gian qua. Chúc cho tình hữu nghị, mối quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản ngày càng phát triển bền vững vì nền hòa bình, thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Nguyễn Thu Trang