Hội thảo “Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống Joe Biden” do Viện Nghiên cứu Châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức vào ngày 23/03/2021 tại Hà Nội diễn ra nhằm mục tiêu trao đổi, tìm hiểu những định hướng chính sách ngoại giao của Tổng thống Biden nói riêng và chính quyền của ông nói chung, qua đó dự báo các xu hướng tác động của những chính sách này đến với Việt Nam. Sự kiện này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, đăng kí tham gia của gần một trăm đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm, các nhà hoạch định chính sách, cán bộ phụ trách công tác đối ngoại, lãnh đạo các hiệp, hội, tổ chức ngoại giao trên địa bàn thủ đô Hà Nội...
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc09803.jpg) |
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ đồng chủ trì Hội thảo |
Với 6 tham luận được trình bày, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận và làm rõ những vấn đề liên quan đến cách tiếp cận và mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ (TS. Lê Đình Tĩnh - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao); Chính sách đối ngoại của Hoa kỳ với Châu Á (TS. Nguyễn Kỳ Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng); Chính sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc và phản ứng của Trung Quốc (TS. Hoàng Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc); Châu Âu trong chính sách mới của Hoa Kỳ (PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu); Ấn Độ trong chính sách đối ngoại mới của Hoa Kỳ (PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á); Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ dưới thời kỳ của chính quyền Joe Biden: những vấn đề cần quan tâm).
Qua đó, có thể nhận thấy ở mỗi giai đoạn, mỗi chính quyền Mỹ, dưới thời các Tổng thống đều có những chiến lược riêng cho chính sách đối ngoại của mình. Trong giai đoạn hiện tại, cả thế giới hiện nay đều đang vô cùng chăm chú theo dõi, phân tích các bước đi đầu tiên của chính quyền Joe Biden nhằm tìm hiểu những định hình chiến lược trong các chính sách đối ngoại của Mỹ, tập trung vào những vấn đề như: Cách tiếp cận của chính quyền mới đối với các vấn đề quốc tế hiện nay là như thế nào, mục tiêu cơ bản của Mỹ trong quan hệ đối ngoại sẽ được thực hiện ra sao; sự cân bằng giữa các vấn đề trong nước và ngoài nước sẽ được tân Tổng thống ứng xử ra sao; nước Mỹ giải quyết các thách thức quốc tế theo cách nào và đâu là những ưu tiên của chính quyền Joe Biden hiện nay.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc09728.jpg) |
PGS.TS. Cù Chí Lợi phát biểu khai mại Hội thảo |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của mình về chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc và cho rằng mặc dù đã có các cuộc đàm phán Mỹ - Trung đã diễn ra và được giới phân tích đánh giá là “một sự khởi đầu tích cực, “cần thiết” trong quan hệ của hai nước. Tuy nhiên, cả hai cường quốc này đều đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh; liệu Mỹ và Trung Quốc có gạt sang một bên các thách thức này và gia tăng hợp tác hay không? Tương lai quan hệ Mỹ - Trung sẽ được tiếp biến như thế nào; Ảnh hưởng của quan hệ Mỹ - Trung sẽ làm phát sinh những tác động như thế nào tới khu vực và thế giới vẫn là những câu hỏi được các đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục có thêm nhiều nghiên cứu và theo dõi chặt chẽ nhằm đưa ra được cơ sở lý luận, góp phần thiết thực vào việc tư vấn các hàm ý chính sách cho Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.
Mặt khác, các trao đổi cũng đã bước đầu làm rõ cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung giống như một trận siêu bão và nó đã lôi kéo hầu hết các nước Châu Á vào vùng ảnh hưởng. Bằng hoạt động ngoại giao 2+2, Mỹ đang củng cố mối quan hệ với các nước trong tứ giác kim cương và đồng thời muốn đẩy mạnh quan hệ với các nước khác trong khu vực. Trung Quốc cũng không nằm ngoài nỗ lực này, bằng các hoạt động đầu tư, thương mại, nước này cũng đang thể hiện nhiều nỗ lực trong việc lôi kéo các nước vào trong vòng xoáy của các mối quan hệ ngoại giao liên quan đến an ninh, kinh tế và chính trị mang tầm khu vực.
Việc Mỹ nhắc tên Việt Nam như là một đối tác trong Báo cáo “Định hướng chiến lược An ninh Quốc gia” gần đây được các nhà khoa học coi là một tín hiệu đáng mừng trong quan hệ song phương trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh và đề cao vai trò của các đồng minh. Điều này cho thấy Việt Nam đã có một vị trí quan trọng trong bản đồ đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền mới của ông Biden đặt vấn đề nhân quyền và dân chủ là nền tảng trong chính sách đối ngoại cũng đã và đang đặt ra những thách thức mới đối với Việt Nam. Thêm vào đó là vấn đề quan hệ thương mại song phương khi mà thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày càng lớn. Do đó giải được bài toán về vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden được các đại biểu nhận định là có ý nghĩa quan trọng để từ đó góp phần định hình chiến lược đối ngoại của Việt Nam với Mỹ.
![](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/dsc09724.jpg) |
Toàn cảnh Hội thảo |
Tổng kết Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm đã nhiệt liệt cảm ơn những đóng góp quý báu của toàn thể đại biểu và khách mời. Đồng thời, cho rằng, Hội thảo diễn ra chỉ sau gần 2 tháng kể từ ngày tân Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức, vì vậy, Hội thảo sẽ là cơ sở tiền đề quan trọng để Viện Nghiên cứu Châu Âu nói riêng và các nhà khoa học, nhà ngoại giao nói chung tiếp tục đề xuất thêm các diễn đàn học thuật mới, góp phần xây dượng hệ thống lý luận, đưa ra những hàm ý chính sách giúp Đảng và Nhà nước có những hướng đi phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế nói chung và với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời kỳ Tổng thống Biden nói riêng.
Phạm Vĩnh Hà