|
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh nhận định, đại dịch Covid-19 là nguồn gây mất an ninh phi truyền thống lớn nhất về y tế và kinh tế. Việc chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới có động lực lây nhiễm và gây tử vong mạnh hơn đối với người bệnh. Trong khi đó, cạnh tranh giữa các nước lớn là khởi nguồn của những thách thức gây mất an ninh truyền thống trên toàn cầu. TS. Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn, các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ cung cấp thêm cơ sở lý luận, góp phần làm rõ các vấn đề liên quan một cách hiệu quả và thành công nhất.
Bàn về cuộc chạy đua giữa nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phòng Covid-19 và sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS- CoV-2, Đại tá, PGS.TS. Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội cho biết, hiện trên thế giới đã có 4 công nghệ tạo Vaccine Covid-19 khả năng sản xuất đại trà nhanh hơn và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp phòng dịch tốt hơn như: Vaccine virus bất hoạt; vaccine dưới đơn vị; vaccine vector virus; vaccine RNA. Bên cạnh cuộc chạy đua nghiên cứu chế tạo test kid chẩn đoán, một cuộc chạy đua nghiên cứu chế tạo và sản xuất vaccine phòng Covid-19 cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt nhằm tạo ra vaccine nhanh nhất và hiệu quả nhất để phòng bệnh. Tính đến tháng 8/2020 đã có các ứng viên đầu tiên trong nghiên cứu vaccine về đích và tháng 2/2021 thế giới đã có thêm các vaccine công nghệ mới hơn, khả năng sản xuất đại trà nhanh hơn đáp ứng nhu cầu khẩn cấp về phòng dịch tốt hơn. Hiện tại, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tuyên bố bằng công nghệ kinh điển vaccine virus bất hoại sau 3 tháng từ khi có nguyên liệu virus sẽ có vaccine cho biến chủng Omicron. Astrazeneca, BioNtech, Moderna cũng đã tuyên bố “điều chỉnh” lại đoạn gen của SARS-Cov-2 trong vaccine của họ để nâng hiệu quả bảo vệ với biến chủng. Việc điều chỉnh này là hoàn toàn có cơ sở và có niềm tin. Tuy nhiên, khoảng thời gian 3 tháng hoặc 100 ngày của các nhà sản xuất vaccine chỉ đúng về phương diện nghiên cứu sản xuất chứ chưa đủ nhanh khi biến chủng siêu lây nhiễm như Omicron xuất hiện, giải pháp tình thế hiện nay được đưa ra là “thêm một mũi tiêm tăng cường” bằng một loại vaccine khác hoặc tiêm nhắc lại loại vaccine cũ đã tiêm với kỳ vọng tăng hiệu quả kháng thể bảo vệ và phổ rộng hơn một chút “hy vọng” với các biến chủng đang lưu hành.
|
Đại tá, PGS.TS. Lê Văn Đông, Viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội trình bày tham luận tại Diễn đàn |
Thế giới đang bước vào những ngày tháng đầu tiên của năm 2022, kinh tế toàn cầu và một số khu vực có dấu hiệu phục hồi, nhưng “bóng ma” của đại dịch vẫn còn ám ảnh và bao phủ toàn thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và đang đứng trước thách thức ngày càng cam go hơn vì những biến chủng mới. Đây cũng là bài toán khó đặt ra không chỉ với nền y tế của các quốc gia mà còn là thách thức lớn đối với cấp chính quyền có đại dịch. Chia sẻ các vấn đề chính sách vaccine và ngoại giao vaccine của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Trong khi các quốc gia phát triển thuộc nhóm G20 thế giới chi tiêu khá mạnh tay cho các chính sách ứng phó và phục hồi kinh tế đối với đại dịch Covid-19, cụ thể như Mỹ chi 5,328 tỷ USD tương đương 25,5% GDP; Vương quốc Anh chi 522 tỷ USD tương đương 19,3% GDP; Canada chi 262 tỷ USD tương đương 15,9% GDP. Các quốc gia tại Châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha dành lần lượt 15,3; 9,6; 10,9; 18,4% GDP của mình cho các chính sách tài khóa. Hay gần gũi hơn ở tại Châu Á là Trung Quốc chi 4,8% GDP; Hàn Quốc chi 6,4% GDP hay Nhật chi 16,7% GDP thì Việt Nam chỉ dành 2,8% GDP cho hoạt động đối phó với dịch bệnh. Điều này chứng tỏ được sự hiệu quả của Việt Nam trong chi tiêu bởi nó thể hiện tiềm năng, sức chống chội của các thành phần kinh tế nội địa đối với đại dịch và việc đánh giá về hiệu quả của các chi tiêu dành cho các hoạt động ứng phó với dịch bệnh vẫn còn được nghiên cứu dài hạn.
Bên cạnh đó, thực tiễn đã cho thấy đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vào ngày 27/4/2021 đã tạo ra những tổn thất nặng nề tới nền kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng lớn tới thu nhập, việc làm của người lao động và tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng do các biện pháp giãn cách gây ra. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu rẳng các biện pháp như giãn cách xã hội, chỉ thị 5K, trạm y tế lưu động, truy vết, khoanh vùng dập dịch và tiêm chủng… Tuy nhiên, các biện pháp trực tiếp chỉ mang tính chất ngắn hạn, nếu cứ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách nhà nước và còn làm tổn hai nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng của nền kinh tế, gián tiếp ảnh hưởng đến lực lượng lao động và đời sống người dân. Vì vậy, việc phát triển các biện pháp gián tiếp như nghiên cứu vaccine và ngoại giao vaccine để phòng chống dịch bệnh là giải pháp dài hạn, mang lại hiệu quả cao.
Như vậy có thể thấy rằng, các quốc gia phát triển trên thế giới đã có rất nhiều các chính sách đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine. Các nước này còn chủ động ký hợp đồng đặt mua trực tiếp với các cơ sở nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ chi phí cho các hoạt động nghiên cứu. Không những vậy, việc nghiên cứu, phát triển hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ sẽ tạo ra các loại vaccine, góp phần trở thành nguồn lực, lợi thế cho Việt Nam trong quá trình ngoại giao vaccine nhằm gây ảnh hưởng và tạo ra mối quan hệ hợp tác song phương giữa các quốc gia, đồng thời giảm sự lệ thuộc vào nguồn vaccine quốc tế vốn đã khan hiếm.
|
Toàn cảnh Diễn đàn |
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khuyến nghị, thời gian tới Việt Nam cần tái cơ cấu quỹ vaccine phòng Covid-19 với phương hướng tăng cường cơ cấu chi tiêu cho các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine và thuốc phòng Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển vaccine theo hướng tăng lên về quy mô, số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng các nghiên cứu để tạo ra vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt. Hoàn thiện cơ chế chính sách ngoại giao vaccine, không những tìm kiếm thêm các nguồn cung qua quan hệ hợp tác giữa các quốc gia phát triển mà còn tham gia biếu tặng vaccine, thuốc chữa, vật liệu y tế cho các quốc gia khác nhằm gia tăng ảnh hưởng và tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia.
Tổng kết Diễn đàn, TS. Đặng Xuân Thanh đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho rằng các thảo luận đã làm rõ các vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, vai trò thay đổi của các nước lớn trên thế giới xung quanh vấn đề sản xuất và phân phối vaccine; chính sách ngoại giao vaccine của Việt Nam và hàm ý đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 là thách thức chưa dừng lại đối với toàn thế giới, sẽ không có sự an toàn riêng cho một quốc gia nào mà là phải là an toàn chung cho toàn cầu. Ngoại giao vaccine vì vậy đang mở ra một hướng hợp tác mới trong y tế để chúng ta có thể “sống chung” lâu dài với covid-19 trong bối cảnh “bình thường mới”
Phạm Vĩnh Hà