Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: Lý luận, thực tiễn và vấn đề chính sách

17:00 14/12/2020
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 14/12/2020, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội nghị thông báo văn hóa 2020 với chủ đề “Đa dạng văn hóa ở Việt Nam: Lý luận, thực tiễn và vấn đề chính sách".
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Văn hóa phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Văn hóa chia sẻ: đa dạng văn hóa có vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa tộc người. Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa khẳng định đa dạng văn hóa là “một nguồn trao đổi, cải tiến và sáng tạo”, sự đa dạng văn hóa đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng sinh học trong trật tự cơ thể sống vậy. Với ý nghĩa đó PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm mong muốn Hội nghị sẽ trở thành Diễn đàn học thuật để các nhà nghiên cứu trình bày và thảo luận những kết quả nghiên cứu về đa dạng văn hóa ở các tộc người, vùng miền ở Việt Nam.

Thông qua 5 tham luận được trình bày về bản sắc văn hóa tộc người ở Việt Nam: Cách nhìn và thách thức (TS.Nguyễn Công Thảo - Viện Dân tộc học); Đa dạng văn hóa: Từ cơ sở pháp lý tới hành động của Liên minh Châu Âu (ThS.Trần Thị Khánh Hà - viện Nghiên cứu Châu Âu); Đa dạng văn hóa dân tộc thiểu số tiếp cận từ quan điểm người trong cuộc (ThS. Trần Quốc Hùng - Học viện Dân tộc, ủy ban Dân tộc); Nhạc chiêng ở buôn làng: Sự sáng tạo, tính xã hội và khía cạnh công giáo của âm nhạc công chiêng trong đời sống thường ngày (TS. Trần Hoài - Viện Nghiên cứu Văn hóa); Không gian sáng tạo: nơi chốn cho các biểu đạt văn hóa (ThS. Phạm Thị Hương, Khoa quản lý xã hội, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) các nhà khoa học đã cùng nhau làm rõ một số vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo như: (1). Các vấn đề lý luận về đa dạng văn hóa; (2). Các chính sách của Việt Nam và các nước trên thế giới về đa dạng văn hóa; (3). Cách thức biểu đạt văn hóa của các tộc người và nhóm tộc người ở Việt Nam trước đây và hiện nay; (4). Vấn đề bảo vệ và phát huy đa dạng văn hóa trong bối cảnh đương đại, đặc biệt là các giải pháp chính sách và hành động thực tiễn…

TS. Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học trình bày tham luận tại Hội nghị
ThS. Trần Quốc Hùng, Học viện Dân tộc, ủy ban Dân tộc trình bày tham luận tại Hội nghị

Theo đó, có thể nhận thấy, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với sự đa dạng các truyền thống, sắc thái văn hóa khác nhau. Sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam thể hiện ở sự đa dạng trong các hình thức biểu đạt văn hóa như nếp sống, phong tục, tín ngưỡng, nghệ thuật, ẩm thực, tri thức địa phương... Sự đa dạng, phong phú của các thực hành và biểu đạt này là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại bền vững, giàu tính bản sắc và nhân văn của các tộc người.

Dựa trên quan điểm văn hóa vừa là sự thể hiện của sự thích ứng của con người đối với các điều kiện tồn tại của họ vừa là một hệ các điều kiện mà ở đó con người phải thích ứng, các nhà khoa học nhận định: Nếu coi thống nhất văn hóa từ đa dạng, muốn củng cố sự thống nhất ấy, phải trên cơ sở bảo tồn và phát triển tính đa dạng của văn hóa, mà ở đây thể hiện rõ nhất là đa dạng văn hóa tộc người và văn hóa địa phương (văn hóa vùng). Sẽ không có sự thống nhất văn hóa nào vững chắc và lành mạnh lại dựa trên cơ sở thuần nhất hóa hay đơn nhất hóa văn hóa.

Giao lưu văn hóa và sự hội nhập giữa các cộng đồng vốn là quy luật chung của sự phát triển văn hóa nhân loại. Tuy nhiên, hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử, ngày nay thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới với sự giao lưu và hội nhập vô cùng sống động. Nó là một động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa và rộng hơn nữa là sự phát triển xã hội. Mọi sự đóng kín, đoạn tuyệt hay cản trở giao lưu, sự biệt lập giữa các cộng đồng đều làm mất đi sinh lực, sức sống và thậm chí dẫn tới sự thoái hóa về mọi mặt của cộng đồng. Thực tế các tộc người như Chứt, Thổ, các nhóm thiểu số quen gọi là “Xá lá vàng” sinh sống ở vùng núi giáp giới giữa nước ta và Lào,... đã chứng minh điều đó. Ngoài ra, bản sắc văn hóa tộc người ở Việt Nam cũng đồng nhất với ngôn ngữ, văn hóa và ý thức tự giác, nhưng chỉ có thể biểu hiện một cách rõ ràng trong bối cảnh không gian cụ thể.

Toàn cảnh Hội nghị

Chia sẻ về sự đa dạng văn hóa dân tộc thiểu số theo cách tiếp cận của người trọng cuộc, các nhà khoa học cũng chia sẻ việc thực hành văn hóa của các nhóm, như canh tác nương rẫy, chữa bệnh, kéo vợ, thách cưới, đổi công, gánh nước sau cưới... tuy có thể là "lạ," là "không bình thường" đối với người ngoài tộc, song chúng luôn có những giá trị và tính lôgíc nhất định trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa tâm linh của các nhóm hoặc tộc chủ thể. Đây là các giá trị cần được gìn giữ, phải coi là đặc trưng văn hóa trong sự đa dạng văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tổng kết Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng các ý kiến trao đổi và tham luận đã góp phần vào hệ thống lý luận cũng như gợi mở được nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận mới liên quan đến chủ để Hội nghị. Với 74 bài viết nhận được và 5 tham luận được lựa chọn trình bày Hội nghị đã thực sự trở thành diễn đàn học thuật sôi nổi để các nhà khoa học có thể chia sẻ các hướng nghiên cứu và quan điểm khoa học của mình đối với vấn đề cần quan tâm. Các ý kiến đóng góp sẽ là cơ sở tham khảo hữu ích để Ban tổ chức Hội nghị và các nhà nghiên cứu cùng nhau mở rộng các hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo qua đó góp phần làm giàu, gìn giữ, bảo tồn và phát huy vai trò của đa dạng văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước, theo hướng nâng cao chất lượng sống của con người, nhưng vẫn giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.

Phạm Vĩnh Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác