Quan hệ bao thuộc là một trong những quan hệ xương sống, quan trọng nhất trong tổ chức từ vựng của bất kì ngôn ngữ nào. Đó là quan hệ giữa một từ bao với các từ thuộc; từ thuộc được hình dung như là một loại của từ bao. Mối quan hệ bao thuộc là mối quan hệ được trải dài từ các từ chung cho đến các từ riêng. Chính vì vậy, quan hệ bao thuộc luôn được xem là một trong những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong ngữ nghĩa học nói chung và ngữ nghĩa học từ vựng, đặc biệt là ngữ nghĩa học quan hệ nói riêng.
Về mặt ngôn ngữ, quan hệ bao thuộc là một loại quan hệ quan trọng nhất trong hệ thống từ vựng của mỗi ngôn ngữ nói chung và hệ thống danh từ nói riêng. Về mặt tư duy và tâm lí, quan hệ bao thuộc là quan hệ đi liền, gắn chặt với quá trình nhận thức, quá trình phân cắt và phạm trù hoá thế giới hiện thực. Quan hệ bao thuộc là quan hệ thể hiện trực tiếp thao tác tư duy phân loại và quy loại. Về mặt văn hoá, cũng như các quan hệ khác, nó cũng là một biện pháp tổ chức và thể hiện văn hoá. Hơn nữa, đây là một loại quan hệ có giá trị phổ niệm, luôn hiện diện trong mọi hoạt động gắn với các cách tổ chức tri thức, lưu trữ, xử lí và truy xuất thông tin, nhận thức của con người (quản trị tri thức, phân loại khoa học, thư viện,...). Vì lẽ đó mà quan hệ bao thuộc là một trong những quan hệ có lịch sử nghiên cứu khá lâu đời từ trong triết học và logic học, và cũng là quan hệ được nhiều ngành quan tâm nghiên cứu, được ứng dụng vào trong nhiều hoạt động thực tiễn.
Các từ ngữ bao thuộc là đối tượng nghiên cứu chính danh của ngôn ngữ học. Tuy vậy, so với triết học và logic học, ngôn ngữ học nghiên cứu về quan hệ bao thuộc khá muộn, dẫu rằng khái niệm quan hệ nghĩa trong đó có quan hệ bao thuộc luôn được xem là đặc sản và là linh hồn của cấu trúc luận. Việc nghiên cứu nó chỉ được chú ý nhiều khi cuộc cách mạng về khoa học nhận thức được bùng nổ vào những năm 1950 – 1970. Từ điển học thực hành, ngữ pháp, ngôn ngữ học tính toán là những ngành khoa học có nhiều nghiên cứu về quan hệ bao thuộc, bên cạnh ngữ nghĩa học từ vựng. Dù được nghiên cứu tương đối muộn và tương đối ít, nhưng các kết quả nghiên cứu gần đây của nó đã tạo ra những tiền đề vững chắc cho nhiều nghiên cứu, và ứng dụng chuyên, liên ngành khác như thư viện học, tìm kiếm thông tin tự động, dịch máy, tóm tắt văn bản, phân loại văn bản, phân loại thông tin,…
Về mặt ngôn ngữ, quan hệ bao thuộc là quan hệ về nghĩa giữa các đơn vị từ vựng. Về mặt logic, quan hệ bao thuộc là quan hệ giữa các khái niệm. Vì thế, nghiên cứu quan hệ bao thuộc, đề tài quan niệm khái niệm từ là những đơn vị từ vựng, những đơn vị khái niệm. Đề tài lấy từ từ điển học làm ngữ liệu nghiên cứu chủ đạo của mình. Thuật ngữ đơn vị từ vựng là thuật ngữ cơ sở được dùng trong công trình.
Nghiên cứu quan hệ bao thuộc, đề tài xem nghĩa là một thực thể tinh thần, có được từ sự đối lập, phân biệt trong bản thân hệ thống ngôn ngữ, được dẫn xuất từ các ngữ cảnh sử dụng thực tế, chịu sự chi phối thường xuyên, liên tục của chủ thể sử dụng ngôn ngữ. Đề tài không phân biệt thông tin ngôn ngữ và thông tin bách khoa trong cách hiểu về nghĩa từ. Cho nên, ngữ liệu làm việc xuyên suốt của công trình là các đơn vị từ vựng, trải từ các tên chung/ danh từ chung đến các tên riêng/ danh từ riêng. Quan hệ bao thuộc là quan hệ về mặt ngữ nghĩa giữa các đơn vị từ vựng như vậy; là quan hệ giữa các nghĩa của các đơn vị từ vựng; chứ không phải là quan hệ giữa các đơn vị từ vựng với nhau. Quan hệ bao thuộc, do đó, là quan hệ chỉ tồn tại giữa các đơn vị từ vựng thuộc cấp độ từ. Không giống như các quan hệ ngữ nghĩa có tính hệ hình khác, quan hệ bao thuộc không tồn tại ở dưới từ và trên từ.
Trước những vấn đề nêu trên, đề tài “Nghiên cứu quan hệ bao thuộc” được thực hiện, nhằm tìm hiểu một cách hệ thống và giải đáp các vấn đề được đặt ra. Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung nghiên cứu chính của đề tài được thể hiện ở năm chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình và cơ sở lí luận của việc nghiên cứu quan hệ bao thuộc trong tiếng Việt.
Chương 2: Nhận diện và phân loại quan hệ bao thuộc trong tiếng Việt, đưa ra quan niệm về quan hệ bao thuộc; Định vị quan hệ bao thuộc trong hệ hình các quan hệ ngữ nghĩa ở bậc từ; Dấu hiệu nhận diện/ kiểm chứng quan hệ bao thuộc trong tiếng Việt và Phân loại quan hệ bao thuộc trong tiếng Việt,…
Chương 3: Quan hệ bao thuộc lớp trong tiếng Việt, tập trung phân tích, xử lí quan hệ bao thuộc: cảm thức và tri thức, phương châm và nguyên lí; Các thuộc tính của quan hệ bao thuộc lớp; Biến thể danh học của từ bao thuộc lớp; Các thành tố ngữ nghĩa của từ bao thuộc lớp: trường hợp quan hệ thuộc tính; Quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ cùng thuộc trong bao thuộc lớp; Quan hệ bao thuộc lớp là xương sống của hệ thống từ vựng tinh thần,…
Chương 4: Quan hệ bao thuộc trường hợp trong tiếng Việt, chương 4 tập trung tìm hiểu về Quan hệ bao thuộc trường hợp; Mối quan hệ giữa từ thuộc trường hợp và từ bao lớp; Quan hệ bao thuộc trường hợp và đặc trưng dân tộc.
Chương 5: Khả năng ứng dụng của quan hệ bao thuộc trong tiếng Việt, chương 5 tập trung nghiên cứu ưng dụng quan hệ bao thuộc trong nghiên cứu và xử lí ngôn ngữ tự nhiên, ứng dụng quan hệ bao thuộc trong giáo dục và ứng dụng quan hệ bao thuộc trong các lĩnh vực khác.
![Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20lam%20dtcb%20-%2015.11.2020.jpg)
Đề tài Nghiên cứu quan hệ bao thuộc trong tiếng Việt là một trong những chủ đề nghiên cứu của nghĩa học từ vựng nói riêng và ngữ nghĩa học nói chung. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đánh giá cao về mặt lý luận, thực tiễn. Qua đó có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Dự kiến đề tài sẽ được in thành sách và ra mắt bạn đọc trong thời gian tới./.
PV.