Tham dự diễn đàn, về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Hồng; đại diện các bộ, ban, ngành, các viện nghiên cứu như: Vụ Kinh tế - Đối ngoại; Cục Đầu tư nước ngoài; Vụ Quản lý khu Kinh tế; Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Viện Chính sách và Chiến lược phát triển – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; và các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Khoa học xã hội Việt Nam… Về phía Trung Quốc có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu và giảng viên của trường Đại học Công nghiệp tỉnh Chiết Giang, trường Đại học Dân tộc Quảng Tây và hơn 30 doanh nhân là lãnh đạo của hơn 30 doanh nghiệp đang kinh doanh tại tỉnh Chiết Giang trên nhiều lĩnh vực: Hóa dầu, thiết kế, sản xuất các thiết bị cơ khí, quản lý các dịch vụ công nghệ thông tin, sản xuất các vật liệu giày, dép, sản phẩm thuộc da, thiết bị bảo vệ môi trường…
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, cho biết sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc cải cách mở cửa, kinh tế Chiết Giang liên tục tăng trưởng hai con số, bình quân 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 11,8 % năm, là tỉnh có kinh tế tư nhân phát triển (chiếm tỷ trọng 72-73%). Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Chiết Giang phát triển đầu tư và thương mại ra ngoài biên giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến cuối năm 2011, về đầu tư, tỉnh Chiết Giang đã có 153 doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đạt gần 340 triệu USD, về thương mại song phương đạt 2,23 tỷ USD. Mô hình phát triển của Chiết Giang cho đến nay đã trở thành điểm sáng, thu hút sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và học tập của nhiều địa phương Trung Quốc và là mô hình mà Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng hướng tới để nghiên cứu, học tập, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển.
Tại Diễn đàn, GS.TS. Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Hồng Việt Nam rất có lợi thế về sức lao động và đang thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới, do vậy các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Hồng Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm phát triển kinh tế của Chiết Giang (Trung Quốc), nhất là các kinh nghiệm tiến hành đồng bộ việc xây dựng công nghiệp hóa, đô thị hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa, các tỉnh có thể lựa chọn thu hút một số ngành nghề vẫn còn có sức sống, phù hợp với trình độ phát triển của địa phương, không gây ô nhiễm môi trường, từng bước tích lũy các kinh nghiệm, tạo tiền đề cho việc thực tiễn hóa các vấn đề chưa giải quyết được tại địa phương. Giáo sư cũng hy vọng Diễn đàn sẽ góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới, đồng thời tin tưởng rằng vấn đề hợp tác giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam với trường Đại học Công nghiệp Chiết Giang nói chung và giữa Viện Nghiên cứu Trung Quốc với Đại học Công nghiệp Chiết Giang nói riêng sẽ không ngừng phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp hai bên tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau./.
Phạm Vĩnh Hà