Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

17:00 18/09/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng 18/9/2022, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã được khai mạc trọng thể với chủ đề: "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với sự tham gia đồng chủ trì của 4 cơ quan gồm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tới dự Phiên khai mạc diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan hữu quan, đại sứ, trưởng cơ quan, tổ chức tế tại Việt Nam và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài... tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Diễn đàn kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu là các học viện, trường đại học trong nước, là cơ hội để các sinh viên, học viên trau dồi thêm khả năng học tập, nghiên cứu và hiểu biết về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn (Ảnh: Internet)

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo tiền đề để “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine…, qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Diễn đàn năm 2022 được tổ chức sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội..., đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra trong một ngày. Sau lễ khai mạc, diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề gồm: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế”; “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, nhằm tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế, trong đó, tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam và dự báo tiếp theo. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó….

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: Internet)

Tại Diễn đàn, đánh giá về bối cảnh năm 2023, năm đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola cho rằng, trong khi nhiều nước trên thế giới còn lo ngại về tình hình lạm phát gia tăng, thì Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới, trong khi tăng trưởng GDP ở mức khả quan. Theo ông Andrea Coppola, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng xanh; đẩy mạnh tích lũy đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.

Bàn về nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia cho rằng, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm, cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững. Cùng với đó cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế…

Thảo luận trực tuyến, GS. Andreas Hauskrecht chia sẻ về tình hình thực tế tại Mỹ. Theo giáo sư, nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và 2023. Khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Mỹ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá Việt Nam đồng/Đô la Mỹ (VND/USD). Dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác, khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu. GS. Andreas Hauskrecht khuyến nghị, Việt Nam không nên giảm giá đồng Việt Nam bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính; đồng thời cũng không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.

Để phát huy nguồn lực đất đai, trong khuôn khổ Diễn đàn, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dẫn kinh nghiệm từ các nền kinh tế công nghiệp mới xung quanh Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, các nước lấy nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ làm động lực, lấy quản lý - sử dụng đất đai là vai trò tạo vốn lớn để đầu tư phát triển, vượt “bẫy thu nhập trung bình”. Giáo sư nhấn mạnh, chính sách đất đai được coi là một trong những chính sách quan trọng nhất trong quá trình phát triển. Ông  cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai đang thực hiện và các luật có liên quan phải đặt trọng tâm vào khai thác vốn ngay trong quá trình đầu tư trên đất làm giá trị đất đai tăng thêm. Yếu tố quan trọng cần lưu ý là tạo vốn từ đất như thế nào để vừa có một xã hội công bằng và vừa có một xã hội phát triển.

Cũng liên quan tới việc làm thế nào để phát huy nguồn lực đất đai phục vụ tiến trình phát triển, GS.TS. Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nêu quan điểm, giá trị của đất luôn gắn liên với mục đích sử dụng đất. Giá trị đất đai tăng lên khi thay đổi mục đích sử dụng đất từ các hoạt động mang lại sức sinh lợi thấp (như nông, công viên cây xanh…) sang sử dụng cho các hoạt động có sức sinh lợi cao (như đất ở, đất kinh doanh thương mại dịch vụ…) thực chất là giá trị địa tô chênh lệch do thay đổi mục đích sử dụng đất tạo ra. Quyết định của cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép thay đổi mục đích sử dụng đất sẽ tạo ra cơ hội mới cho các hoạt động đầu tư phát triển bất động sản, có thể biến các các công trình xây dựng trên đất từ chỗ không có giá trị thành các bất động sản có giá trị cao và mang lại lợi ích lớn cho người sở hữu bất động sản do được hưởng địa tô chênh lệch do thay đổi mục đích sử dụng đất mang lại. Do vậy, cần có cơ chế phân phối và điều tiết địa tô chênh lệch hình thành do thay đổi mục đích sử dụng đất khi thu hồi đất có mục đích sử dụng mang lại sức sinh lợi thấp, giao cho nhà đầu tư kèm theo quyết định cho phép thay đổi sang mục đích sử dụng đất có sức sinh lợi cao.  “Việc thay đổi cơ chế quản lý từ sử dụng các mệnh lệnh hành chính áp đặt sang sử dụng thống nhất cơ chế thị trường trong tiếp cận đất đai sẽ không chỉ chống thất thu, hạn chế tiêu cực tham nhũng từ đất, mà còn cho phép lựa chọn được nhà đầu tư bất động sản có năng lực sử dụng đất đai tốt nhất”, GS.TS. Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.

Diễn đàn là dịp bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình thực tế sẽ là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thêm dữ liệu, từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội... có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu rất thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới./.

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác