Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 |
|
Tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 có hơn 120 đại biểu: đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; TS. Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; các Phó Chủ nhiệm và các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm và các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế; đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế; đại diện các Sở ngành tỉnh Thừa Thiên – Huế; các đại biểu đến từ các cơ quan của Quốc hội, đại diện đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Nghệ An; các chuyên gia kinh tế đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường đại học, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; các chuyên gia kinh tế độc lập; Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú IMF tại Việt Nam; Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP); Ông Sandeep Mahajan, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; đại diện một số Ngân hàng thương mại, tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Chủ tọa Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 |
|
Chủ tọa Diễn đàn có TS. Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên - Huế; TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 nhận được 31 bài tham luận và các bình luận khoa học của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, với 36 lượt ý kiến thảo luận tại Diễn đàn tập trung vào 2 chủ đề chính: (i) Kinh tế Việt Nam 2013 và triển vọng 2014; (ii) Triển khai 3 đột phá chiến lược.
Đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2013, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Nền kinh tế bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề. Trong số 4 động lực tăng trưởng (khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực nông nghiệp) chỉ có khu vực doanh nghiệp FDI hoạt động tốt, dẫn đến xu hướng “FDI hóa” nền kinh tế. PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định: các nền tảng kinh tế rất yếu, các biện pháp mang nặng tính hành chính và ngắn hạn, các loại giá cơ bản đều phi thị trường, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp hầu như không có bước tiến đáng kể nào. Đồng tình với đánh giá của PGS.TS. Trần Đình Thiên, TS. Trần Du Lịch, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nhấn mạnh: năm 2013 bộc lộ hệ quả rõ nét nhất của những bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài 6 năm qua, khiến nền kinh tế chưa thể thoát khỏi giai đoạn trì trệ. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, không nên chỉ thấy các điểm xám của nền kinh tế, cần nhìn nhận cả các điểm sáng, chẳng hạn như chỉ số cạnh tranh được cải thiện. Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, khu vực nông nghiệp là nền tảng ổn định nhưng tăng trưởng thấp, tình trạng nông dân trả ruộng, cần tăng đầu tư cho nông nghiệp để tạo sự ổn định. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đồng tình với nhận định rằng, trước nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng thương mại năm 2011, giải pháp chính sách thắt chặt tín dụng là đúng hướng nhưng hơi quá đà khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp bị suy kiệt. Với vai trò chủ tọa Diễn đàn, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần làm rõ những giải pháp cụ thể nào để khôi phục lại cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sau khi đã chặn được đà suy giảm tăng trưởng; cần chỉ rõ thành tích kiềm chế lạm phát là do chính sách tốt hay do cầu trong nước quá yếu; làm thế nào để khôi phục tổng cầu; giải pháp nào để thanh toán nợ doanh nghiệp; lựa chọn mức tỉ lệ thâm hụt ngân sách bao nhiêu là hợp lý để không tạo ra tiềm ẩn tái lạm phát mà vẫn có thêm nguồn vốn bổ sung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế… Nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất với nhận định rằng, năm 2013 quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa có chuyển biến mạnh mẽ, nếu năm 2014 không có những giải pháp đồng bộ và kiên trì thì năm 2015 khó đạt được những kết quả tái cơ cấu rõ rệt.
Về 3 đột phá chiến lược được Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020: i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân; iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn, các ý kiến phát biểu đều cho rằng việc lựa chọn 3 đột phá chiến lược là đúng, tuy nhiên, mặc dù đã quyết liệt triển khai nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Đổi mới thể chế và cải cách hành chính chưa theo mô hình và thông lệ quốc tế. Chính sách nguồn nhân lực chưa trọng dụng người tài, đào tạo nguồn nhân lực chưa theo đa tầng xã hội, chưa theo tín hiệu thị trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn còn yếu kém, lạc hậu, khả năng kết nối giao thông vùng, khu vực, quốc tế còn hạn chế. Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), để nâng cao hiệu quả của 3 đột phá chiến lược, cần lựa chọn một số vấn đề, một số mục tiêu cụ thể trong mỗi hướng đột phá để tập trung triển khai. Cần gắn kết và xâu chuỗi 3 đột phá, gắn 3 đột phá với từng ngành và lĩnh vực cụ thể.
Mặc dù có sự thống nhất khá cao trong đánh giá thực trạng tình hình kinh tế năm 2013, nhưng khi thảo luận về các giải pháp cho năm 2014 và 2015 thì có những quan điểm trái ngược. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và một số đại biểu đề nghị cần kiên trì, nhất quán với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không nên quá vội vàng với mục tiêu phục hồi, đồng thời kiên quyết mạnh mẽ thực hiện cải cách, tái cấu trúc. Trong khi đó, TS. Vũ Viết Ngoạn và một số đại biểu cho rằng không nên khiên cưỡng với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn khiến gây áp lực cho tương lai, cần có sự linh hoạt nhất định trong thực hiện các chính sách, cần duy trì tổng cầu để duy trì tăng trưởng hợp lý. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm thể hiện quan điểm của nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tính toán và đề xuất có thể nâng mức trần thâm hụt ngân sách lên 5,5% để có nguồn ngân sách bổ sung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, giải quyết dứt điểm nợ xấu, đặc biệt nợ xấu về đầu tư xây dựng cơ bản (chiếm 30%), đồng thời đầu tư dứt điểm các công trình dở dang, từ đó tác động đến tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn và nguy cơ phá sản của đại đa số doanh nghiệp đang hết khả năng cầm cự, giải quyết được vấn đề việc làm và thất nghiệp. Một số ý kiến khác thận trọng hơn, cho rằng cần lượng hóa các mục tiêu tăng trưởng để đạt được mức lạm phát hợp lý, cần xác định lạm phát mục tiêu trong trung hạn, chấp nhận mức lạm phát cần thiết để có được tăng trưởng; cần xem tiềm năng tăng trưởng đến giới hạn chưa; cần tập trung tăng tổng cầu, có thể kích cầu nhưng cần lựa chọn lĩnh vực, không nên dàn trải. Theo TS. Vũ Viết Ngoạn, trong điều hành chính sách cũng có những quan điểm trái ngược, một bên là quan điểm đẩy mạnh chính sách tài khóa, chi tiêu công mạnh hơn do chính sách tiền tệ hết dư địa, một bên là quan điểm cho rằng dư địa chính sách tài khóa đã hết, cần giảm lãi suất, tăng tín dụng. TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng cần xác định rõ và chính xác dư địa của từng nhóm chính sách để có sự linh hoạt, hợp lý trong điều hành chính sách.
Phát biểu kết luận Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 hết sức thành công, gây được tiếng vang và sự chú ý lớn của truyền thông và xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng, bên cạnh việc mổ xẻ những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, cần đánh giá khách quan hơn những điểm sáng của nền kinh tế, những thành công trong nỗ lực điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Diễn đàn đã có sự thống nhất cao trong đánh giá những khó khăn của nền kinh tế, nhưng vẫn có những ý kiến khác nhau về nguyên nhân cũng như những quan điểm trái chiều trong đề xuất giải pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của các đại biểu tham dự Diễn đàn, nghiên cứu và phân tích cẩn trọng, luận giải rõ hơn nguyên nhân của những hạn chế của nền kinh tế thời gian qua, cần đề xuất giải pháp có tính thống nhất cao và cụ thể hơn để có được hệ thống giải pháp đồng bộ, nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2014, lượng hóa các chỉ tiêu cụ thể, lộ trình chính sách và dự báo tác động. Đối với 3 đột phá chiến lược, cần chỉ rõ cách làm và lộ trình cụ thể, thảo luận sâu về tổ chức thực hiện để có chuyển biến căn bản và đồng bộ, gắn với trách nhiệm thực hiện.
Kết quả Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 là tài liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội Khóa XIII./.
TS. Vũ Hùng Cường