Chủ tọa Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; TS. Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Giám đốc Dự án.
Các đại biểu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham dự Diễn đàn có GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch Viện; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Ban Kế hoạch – Tài chính, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.
Tham dự Diễn đàn có các thành viên Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, một số đoàn đại biểu Quốc hội; các chuyên gia kinh tế nguyên là cán bộ quản lý cấp cao của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội; các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đến từ Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược phát triển, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Kinh tế Quốc dân, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright; nhiều chuyên gia kinh tế; đại diện UNDP tại Việt Nam; đại diện một số tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước; và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Với 23 bài tham luận, các bình luận khoa học và các ý kiến tại Hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính: (i) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 và kiến nghị giải pháp triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, với các nội dung chính về đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013: các xu hướng chính, vấn đề và triển vọng; về bối cảnh kinh tế thế giới năm 2014 và dự báo tác động đến Việt Nam; chính sách tài khóa năm 2014 và trung hạn; điều hành chính sách tiền tệ: những thách thức và yêu cầu đổi mới; phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ năm 2014; hội nhập quốc tế: thành tựu, hạn chế và giải pháp đẩy mạnh; tác động của quan hệ sở hữu đến kết quả hoạt động của ngân hàng; (ii) Cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, với các nội dung chính về đổi mới tư duy và quan điểm phát triển thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; vai trò nhà nước và kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực và phân bổ lợi ích để tạo động lực cho phát triển; quản lý điều tiết: cải cách bộ máy chính quyền dưới sức ép phục vụ người dân và doanh nghiệp; tác động của thể chế môi trường kinh doanh đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam; đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam; cải cách thể chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Đánh giá về nền kinh tế năm 2013, PGS.TS. Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định kinh tế Việt Nam năm 2013 đặc biệt khó khăn nhưng vẫn có một số điểm sáng, đó là: i) GDP vẫn tăng trưởng cao hơn năm 2012. Xu hướng tăng trưởng đi lên khá chắc chắn; ii) CPI năm 2013 duy trì mức độ thấp. Riêng quý I/2014, CPI được tính toán thấp nhất trong 13 năm; iii) Xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục tăng. Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu với sự đóng góp của khối FDI. Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi đặt ra, đó là: Nền kinh tế đã thoát đáy hay chưa, đang đi xuống, hay ngừng đi xuống, nhưng vẫn trì trệ? Các điểm nghẽn đã cơ bản được giải quyết? Điểm sáng thực sự ở đâu và phải làm gì để tạo nên đột phá? PGS.TSKH. Võ Đại Lược cho rằng, hiện có 3 trường phái nhận định tình hình của nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là: (i) đã chạm đáy nhưng khả năng phục hồi khá mong manh; (ii) đã chạm đáy nhưng đáy dài nên khó xác định được mốc phục hồi; (iii) đang xấu đi (tất cả các nút thắt chưa xử lý được). Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), nên nhìn nhận đánh giá thực trạng và triển vọng dài hạn đến 2015. Cần nhận rõ các nhân tố tác động: (i) nợ xấu, nợ công, yếu kém của nội tại doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh kém, do vậy chưa có tiến triển rõ nét, chưa có nền tảng vững chắc để đột phá; (ii) hội nhập quốc tế: đa phần doanh nghiệp không biết, không quan tâm đến lộ trình và các cam kết gia nhập cộng đồng ASEAN; iii) tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Từ đánh giá các nhân tố tác động và thực trạng tình hình hiện nay của nền kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng đến năm 2015 khó có bước tiến triển hay đột phá về kinh tế, do vậy vẫn chỉ nên tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho sự phát triển và đột phá sau này. Cần lưu ý thêm về tầm vi mô, về doanh nghiệp để tạo sức cạnh tranh và sức mạnh của nền kinh tế. Phải thay đổi cách thức quản lý doanh nghiệp kết hợp cải cách hành chính trong quản lý vĩ mô để tạo sự đột phá tổng thể đồng bộ cho nền kinh tế. Nhiều đại biểu đồng tình với nhận định nền kinh tế quá mong manh về điều kiện nền tảng cho phục hồi và phát triển. Một số đại biểu nhấn mạnh đến điểm gút quan trọng nhất cần phải giải quyết, đó là nợ xấu và nợ công, đặc biệt vấn đề nợ công ở Việt Nam không được xác định theo chuẩn quốc tế. GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) chỉ rõ, kinh tế Việt Nam có những bước tiến nhưng tiến chậm hơn quốc tế nên vẫn yếu về khả năng cạnh tranh. TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo không nên ngộ nhận về khả năng phục hồi hoặc một số thành tích của nền kinh tế bởi bản chất mức độ đóng góp giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu của Việt Nam rất thấp (chỉ 8% đối với xuất khẩu điện thoại Samsung), sức mua hàng hóa của xã hội rất thấp, chưa có giải pháp giải quyết nhanh các điểm tắc nghẽn,… TS. Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn) nhấn mạnh nông nghiệp là lối thoát cho kinh tế Việt Nam. Nông dân có dộng lực phát triển sản xuất nhưng lại tạo hiện tượng thừa cung. Giải pháp cho khâu lưu thông hiện nay không có cơ quan nhà nước lo. Chúng ta không rõ thương lái Trung Quốc thu mua sản phẩm của Việt Nam để làm gì. Còn thiếu tổ chức hỗ trợ sản xuất theo mạng lưới, hỗ trợ sau sản xuất. Cần xử lý vấn đề cánh kéo giá trong nông nghiệp (đầu vào/đầu ra sản xuất nông nghiệp), sản phẩm nông nghiệp với sản phẩm lĩnh vực khác mà nông dân tiêu dùng.
Bàn về vấn đề cải cách thể chế, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, để cải cách thể chế cần đặt lại vai trò của nhà nước, nếu Nhà nước không làm đúng chức năng hỗ trợ thị trường mà lại cạnh tranh với thị trường thì không thể phát triển được. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng), cần phân định rõ 4 chức năng của nhà nước, đó là: làm dịch vụ công; hỗ trợ thị trường; đa dạng hóa các ngành công nghiệp; khắc phục thất bại của thị trường. Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, thể chế KTTT đảm bảo sự dịch chuyển tự do của các yếu tố kinh tế của quá trình tái sản xuất. Thể chế KTTT đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả, nhà nước điều tiết phân bổ đầu tư công đến nơi khó khăn về phát triển. Đàm phán TPP phù hợp với yêu cầu phát triển dài hạn, do vậy đây là dịp đẩy mạnh và chủ động cải cách thể chế trong nước. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội cần được đề cao đối với giám sát, phản biện, tham gia quá trình xây dựng và cải cách thể chế, luật pháp. Theo ông Nguyễn Văn Thảo (Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), cải cách thể chế là giải pháp quyết định để các quốc gia vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. So với TTP, FTA đàm phán nhiều đối tác hơn, cam kết sâu hơn, nhấn vào các cải cách bên trong, thời gian bắt đầu có hiệu lực nhanh. Những năm 1990, mô hình đồng thuận Washington hay mô hình đồng thuận Bắc Kinh được nhiều quốc gia đề cao nhưng khi vận dụng đều bộc lộ một số bất cập. Do vậy việc xác lập quan hệ nhà nước – thị trường cho thấy không có mô hình chuẩn cho mọi quốc gia, cần xây dựng quan hệ phù hợp với đặc thù từng quốc gia, đó là nhiệm vụ của cải cách thể chế. Thể chế ở trạng thái động, cần điều chỉnh trong khuôn khổ nhất định đối với từng giai đoạn phát triển. Ông Thảo đề xuất cần xây dựng thể chế tương thích và phù hợp với cam kết hội nhập; chú ý xây dựng thể chế mang tính phòng vệ đối với các tác động không thuận lợi cho phát triển kinh tế trong nước, bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình hội nhập; đổi mới công nghệ, chú trọng sáng tạo; đàm phán là quan trọng, thực thi là quyết định, cần xiết lại kỷ cương thực hiện thể chế.
GS.TS. Đỗ Hoài Nam (Chủ tịch Hội đồng Học viện Khoa học xã hội) cho rằng giai đoạn 2014-2015 cần tập trung phát triển lành mạnh các loại thị trường như thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường lao động; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho phát triển; cải cách DNNN hoạt động mạnh dựa trên cơ chế KTTT; cải cách thể chế để đẩy mạnh liên kết 4 nhà nhưng khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu đàn để phối hợp với nhà khoa học và nhà nông. TS. Trần Du Lịch đề nghị cần đột phá cải cách thể chế, chú trọng vào lĩnh vực tài chính công và hành chính công. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Lê Xuân Bá đề xuất thí điểm thành lập chính quyền vùng để điều phối phân bổ đầu tư và phát triển kinh tế vùng. TS. Lê Xuân Bá đề nghị cần đưa ra khỏi hệ thống nhà nước một số cơ quan để đảm bảo tính trung lập (như kiểm toán, thống kê); cần nghiên cứu tổ chức lại mô hình bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền cấp địa phương không nên làm kinh tế mà chỉ làm nhiệm vụ quản lý hành chính, chỉ Chính phủ cấp Trung ương và chính quyền cấp vùng làm kinh tế. Ông Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh một số giải pháp thực hiện cải cách thể chế, đó là: ý chí chính trị vô cùng quan trọng; kiên định và nhất quán; giải quyết nhanh chóng điểm nghẽn thể chế đang kìm hãm phát triển của doanh nghiệp tư nhân; công khai, minh bạch, trách nhiệm là 3 tiêu chí quan trọng của thể chế; nên thành lập ủy ban cải cách thể chế cấp Trung ương; công nghệ và tài chính là các điều kiện để đảm bảo cho thực hiện thành công cải cách thể chế.
Có ý kiến cho rằng các đột phá nên để chờ sau Đại hội với bộ máy lãnh đạo mới với chiến lược phát triển mới, tuy nhiên, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, các vấn đề đột phá đều đang làm, không thể để chờ sau Đại hội, nhưng cần rà soát cái gì cần tiếp tục, cái gì cần điều chỉnh, cần làm rõ những vướng mắc gì cần tháo gỡ. Vấn đề số lượng và chất lượng thể chế cần được thảo luận sâu hơn.
Hội thảo đặc biệt quan tâm đến phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính (Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh) về vấn đề thành lập đặc khu kinh tế - hành chính và kinh nghiệm của Quảng Ninh trong thí điểm thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công tách khỏi cơ quan hành chính nhà nước (thử nghiệm hiệu quả ở Hạ Long, Cẩm Phả), đã đưa 80% thủ tục hành chính vào giải quyết trong trung tâm dịch vụ hành chính công./.
TS. Vũ Hùng Cường