Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045”

17:09 15/07/2025
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 15/7/2025, được sự đồng ý của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), tại khách sạn Hà Nội Deawoo, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới tổ chức Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2045”. Đây là hoạt động khoa học thường niên quan trọng, nhằm đánh giá những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, cần phải tháo gỡ của mô hình tăng trưởng hiện nay; tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá để góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng cho Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn, về phía các đại biểu khách mời có PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Ban Chiến lược, Chính sách Trung ương; Ông Trần Quốc Khánh, Thường trực Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng; TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Môi trường Quốc hội; TS. Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Nguyên Phó Chủ tịch, Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội; cùng sự tham dự của hơn 200 khách mời là đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bộ/ngành, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Hiệp hội, Ngân hàng, Doanh nghiệp,...

Về phía Viện Hàn lâm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới; Các Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới: TS. Lê Xuân Sang; TS. Hà Thị Hồng Vân; TS. Phí Vĩnh Tường và TS. Hoàng Thế Anh; Đại diện lãnh đạo và các nhà nghiên cứu của một số đơn vị thuộc trực thuộc Viện Hàn lâm.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn của Viện Hàn lâm và cho biết, mô hình tăng trưởng đã được bắt đầu từ khi Đảng ta tiến hành đường lối đổi mới (từ năm 1986) nhưng đến năm 2011, tại Đại hội Đảng lần thứ XI quá trình này mới chính thức đặt ra, đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, năm 2016, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Đại hội XIII của Đảng năm 2021 cũng khẳng định khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của tăng trưởng kinh tế; gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế to lớn, được bạn bè và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng chưa thực sự nhanh và mạnh mẽ như kỳ vọng. Để có cơ sở, luận cứ cho việc tổng kết Nghị quyết 05-NQ/TW và đề xuất mô hình tăng trưởng phù hợp với bối cảnh mới, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn gợi mở một số vấn đề Diễn đàn cùng nhau làm rõ: (i) nội hàm của “mô hình tăng trưởng mới”, phân biệt mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới đây so với các mô hình tăng trưởng mà chúng ta đã nhận diện ở giai đoạn trước; (ii) Xác định yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng; (iii) Cách thức chuyển dịch mạnh mẽ các nguồn lực từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành có giá trị tăng cao, dựa vào tri thức và đổi mới sáng tạo và chính sách để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng như cách thức giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường và phát triển xã hội bền vững; (iv) Những ngành, lĩnh vực nào cần dặc biệt thúc đẩy để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và vai trò của kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước trong mô hình tăng trưởng mới; (v) Các đô thị lớn, cực tăng trưởng, vùng động lực sẽ đóng vai trò như thế nào trong mô hình tăng trưởng mới; (vi) Cơ chế chính sách để khuyến khích và bảo vệ đổi mới sáng tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn

Trong báo cáo đề dẫn, TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khẳng định, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và rủi ro hiện nay, mô hình tăng trưởng phải được thiết kế như một cấu trúc phức hợp, đa chiều, bao gồm cả yếu tố xã hội, công nghệ, môi trường, thậm chí cả địa chính trị - những nhân tố đang tái định hình bối cảnh phát triển. Nếu Việt Nam không kịp thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chúng ta sẽ tụt lại xa hơn, bị kẹt lại ở những nấc thang thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, và hậu quả là ngày càng xa rời mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Bởi vậy, Diễn đàn hôm nay chính là dịp để cùng nhau thảo luận, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới mà Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ là dựa trên Năng suất, Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo với Chuyển đổi số, Kinh tế xanh là những mũi đột phá.

Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh tin tưởng rằng, Diễn đàn ngày hôm nay sẽ có những cuộc thảo luận thẳng thắn, sâu sắc, đưa ra được những kiến nghị chính sách thực tiễn, khả thi, góp phần vào việc xác lập mô hình tăng trưởng mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Chủ trì Diễn đàn 
(Từ trái qua phải: TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương; Ông Trần Quốc Khánh, Thường trực Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng)

Ban Tổ chức Diễn đàn nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý là lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như: (i) Phân tích các quan điểm về lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế; (ii) Kinh nghiệm về đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của một số quốc gia trên thế giới; (iii) Phân tích thực trạng vấn đề mô hình tăng trưởng hiện tại của kinh tế Việt Nam, các bất cập, hạn chế và các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay; (iv) Phác thảo, nhận diện mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030 và định hướng đến 2045.

Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức lựa chọn 5 bài tham luận trình bày tại Diễn đàn bởi các diễn giả: TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới; TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam; GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới trình bày tham luận tại Diễn đàn

Theo TS. Lê Xuân Sang thế giới đã chứng kiến sự thành công của nhiều mô hình tăng trưởng, mỗi mô hình đều có ưu điểm và giới hạn riêng, phụ thuộc vào đặc điểm thể chế, nguồn lực, bối cảnh địa chính trị và mức độ hội nhập quốc tế. Trong đó, đáng chú ý, Đài Loan được đánh giá là điển hình có tính bền vững và chống chịu cao trước các biến động toàn cầu. Với sự kết hợp hài hòa giữa xuất khẩu công nghệ cao, đầu tư cho khoa học – công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình của Đài Loan được xem là gợi ý đáng tham khảo cho Việt Nam. TS. Sang nhấn mạnh: Việt Nam có thể học hỏi từ cả thành công và thất bại của các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và một phần từ Singapore. Trong đó, cần chú trọng chuyển dịch tăng trưởng từ lượng sang chất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Và để để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam cần một chiến lược tăng trưởng bền vững dựa trên nền tảng thể chế hiệu quả, năng lực đổi mới sáng tạo và sự chủ động thích ứng trước những biến động toàn cầu. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao trong tương lai gần.

TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam

Xác định mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, theo TS Nguyễn Bá Hùng, Việt Nam cần chuyển dịch theo hướng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển đồng đều giữa các thành phần kinh tế; Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên kết quả thực tế, tập trung vào đổi mới sáng tạo và nghiên cứu – phát triển (R&D), không phân biệt quy mô hay loại hình; Nâng cao sức cạnh tranh quốc tế qua tiếp thu công nghệ, đặc biệt của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp tư nhân theo mạng lưới cung cấp/phân phối; Nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các ngành dịch vụ, thúc đẩy bởi công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy các ngành dịch vụ dựa trên công nghệ, từng bước tiến tới năng lực nghiên cứu cơ bản khi tiệm cận trình độ công nghệ toàn cầu.

Quang cảnh Diễn đàn

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng cũng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam có thể không tuần tự mà mang tính đồng thời ở nhiều lĩnh vực. Do đó, đòi hỏi sự kiên định về chính sách, khả năng điều hành linh hoạt và tinh thần đổi mới mạnh mẽ từ cả khu vực công lẫn tư nhân.

Tại Diễn đàn, các diễn giả cũng tập trung làm rõ một số vấn đề: (i) Thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam: Thuận lợi, khó khăn và giải pháp; (ii) Tăng trưởng kinh tế xanh: Thực trạng và định hướng chính sách cho Việt Nam; (iii) Đầu tư cho phát triển công nghệ chiến lược ở Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Phiên thảo luận bàn tròn

Trong phiên thảo luận bàn tròn, nhiều câu hỏi then chốt được đặt ra, phản ánh những trăn trở sâu sắc về mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam: (i) Lĩnh vực trọng tâm Việt Nam nên tập trung trong giai đoạn tới; (ii) Nguyên nhân sâu sa làm hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ; (iii) Giải pháp hài hòa giữa giữa phát triển thị trường bất động sản và hạn chế rủi ro của hiện tượng bong bóng bất động sản… Nhiều ý kiến khép lại phiên thảo luận với thông điệp mô hình tăng trưởng mới phải đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, tự cường, phát huy sở hữu toàn dân, đồng thời cần bộ máy tinh gọn, đội ngũ doanh nhân và người Việt Nam bản lĩnh, dám đột phá vì tương lai đất nước.

TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới phát biểu bế mạc và tổng kết Diễn đàn

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, thay mặt Ban Tổ chức, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí Lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu đã tham dự đã đóng góp ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, tạo nên thành công của Diễn đàn; đồng thời cũng trân trọng cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn và Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex.

TS. Phạm Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng những kết quả, ý kiến quý báu tại Diễn đàn sẽ góp phần thiết thực vào việc định hướng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam. Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước để cụ thể hóa các kết quả nghiên cứu thành các chương trình hành động khả thi, đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm

Một số đơn vị báo chí cùng đưa tin về sự kiện:

1. Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam
https://nhandan.vn/xac-lap-mo-hinh-tang-truong-moi-cho-viet-nam-post893885.html?gidzl=b2PhKjasGcsGEM9HsIf6OvOyRbx4U4fZsZze394kIJ3VFsbVnovEPOCuRrh8UnrarJiv2pby8H4BsZPDR0

2. Đột phá theo Nghị quyết 57: Phát triển công nghệ chiến lược đòn bẩy cho mô hình tăng trưởng mới
https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/dot-pha-theo-nghi-quyet-57-phat-trien-cong-nghe-chien-luoc-don-bay-cho-mo-hinh-tang-truong-moi/64678.html

3. Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay"
https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/dien-dan-xac-lap-mo-hinh-tang-truong-moi-cho-viet-nam-trong-boi-canh-hien-nay/64613.html

Tác Giả: Nguyễn Minh Hồng

In trang Chia sẻ

Tin khác