Thời gian qua, phân khúc căn hộ chung cư “sốt nóng”, giá bán tăng mạnh trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi nhưng chung cư lại liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, cao vượt xa so với thu nhập bình quân của người dân. Nếu để giá căn hộ chung cư tăng cao quá mức mà không có biện pháp kiểm soát rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực chung đến thị trường bất động sản.
![TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia phát biểu tại Hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định”](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20lê%20xuân%20nghĩa.jpg)
Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 không ngừng tăng và nguyên nhân được xác định là do thiếu nguồn cung, cũng như nhu cầu của thị trường liên tục tăng mạnh. Tại Hội thảo Khoa học “Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định” được Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được tổ chức sáng ngày 11/4/2024 tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, phân khúc nhà ở chung cư đang có dấu hiệu "bong bóng". Nếu để giá phân khúc này “tiếp tục vọt về phía trước” thì rất có khả năng “vỡ bong bóng" vào cuối năm nay, làm cho toàn bộ thị trường rơi vào tình trạng bi quan hơn.
Phân tích sâu về tình hình thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa đã nêu lên tình trạng thực tế của thị trường BĐS Việt Nam là “khủng hoảng phân khúc”. Từ 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu lên hiện trạng này và đưa ra hai phương án giúp phục hồi phân khúc nhà ở giá rẻ là chuyển qua ngân sách và ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn có nguy cơ "bong bóng" với phân khúc chung cư ("Bong bóng" BĐS là thuật ngữ dùng để diễn tả về tình trạng một loại BĐS cố định nào đó được đẩy thị giá lên cao, vượt xa so với giá trị thông thường của nó) do cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm.
Do đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu không cảnh báo từ hiện tại và không sớm thực hiện Luật Đất đai để đưa các phân khúc khác vào thì phân khúc chung cư sớm muộn cũng sụp đổ, có thể là từ nay tới cuối năm, khiến chính sách chiến lược của Chính phủ cũng bị ảnh hưởng. TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, Luật Đất đai mới tạo ra những cơ hội để khắc phục các vấn đề tồn tại trong thị trường BĐS Việt Nam, nhưng cần được truyền thông đúng đắn và mạnh mẽ về phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh đó một mặt cũng phải nói về rủi ro. Vị chuyên gia cho rằng dứt khoát phải có biện pháp để hỗ trợ cho thị trường đi lên một cách từ từ và bền vững. Ngoài ra, cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, xây dựng phương án mới về chính sách nhà ở cho người nghèo để khắc phục hậu quả, nếu không phân khúc chung cư lên giá một mình rồi sẽ sụp đổ.
![Quang cảnh buổi Hội thảo](/KND/TinTucVn/PublishingImages/TinTuc/AnhNoiDung/ts%20lê%20xuân%20nghĩa%202.jpg)
PV.