Tham dự Hội nghị còn có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Phó Chủ nhiệm Đề án; các Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm: GS.TS. Phạm Văn Đức, GS.TS. Đặng Nguyên Anh; lãnh đạo các ban giúp việc Chủ tịch Viện; PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, Phó Chủ nhiệm Đề án; các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội đồng Di sản Việt Nam; Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Bộ Khoa học - Công Nghệ; Bộ Tài chính; Ban Quản lý di tích Óc Eo tỉnh An Giang cùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia khảo cổ học, các thành viên tham gia Đề án.
|
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm và Ban chủ nhiệm Đề án trân trọng cảm ơn các quí vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội nghị, đồng thời nhấn mạnh, Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” có ý nghĩa cả về mặt khoa học và chính trị rất sâu sắc, có tầm quan trọng đặc biệt, với sự tham của các nhà khoa học đầu ngành trong cả nước và sự tham gia của nhiều Bộ, Ngành thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với Đề án.
Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Viện Hàn lâm đã phối hợp tích cực, chặt chẽ với tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang và các cơ quan đầu ngành, các nhà khoa học trong cả nước để triển khai Đề án. Cho đến nay đã triển khai toàn diện trên tất các các mặt, vừa tổng quan nghiên cứu các công trình trước đó, vừa tiến hành khảo sát và tích cực khai quật các địa điểm đã được phê duyệt, xây dựng bản đồ và triển khai các mặt công tác khác. Việc tổ chức Hội nghị này nhằm tiến hành sơ kết, tổng kết công tác năm 2017, các kết quả đạt được, những vẫn đề đặt ra, trên cơ sở đó xin ý kiến các nhà khoa học, các quí vị đại biểu, đặc biệt về những vẫn đề đặt ra về mặt khoa học cũng như những khó khăn, tồn tại, đồng thời trên cơ sở đó đề ra kế hoạch triển khai cho các giai đoạn tiếp theo.
|
|
Sau phần trình bày của PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, Phó nhiệm Đề án, trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện năm 2017 của Đề án: “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa”; Hội nghị được nghe thêm 03 báo cáo: 1) Báo cáo kết quả khai quật Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa - Hợp phần của Viện Khảo cổ học, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện Khảo cổ học trình bày; 2) Báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa - Hợp phần của Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện Nghiên cứu Kinh thành trình bày; 3) Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học địa điểm Gò Sáu Thuận (Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và Hợp phần của Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ trình bày.
Các báo cáo đã chỉ ra các kết quả công việc nổi bậc đạt được trong năm 2017, tập trung vào các vấn đề tập trung khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa, trên cơ sở nghiên cứu so sánh làm rõ giá trị về văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, chỉ ra một số tồn tại và khuyến nghị trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đề ra nhiệm vụ triển khai trong năm 2018 và tiếp theo.
Hội nghị cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quí báu của các đại biểu, các nhà khoa học: GS.VS. Phan Huy Lê, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, Hội đồng Di sản Việt Nam; PGS.TS. Tống Trung Tín, Hội Khảo cổ học Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học;… Các ý kiến trao đổi ngoài khẳng định các kết quả đạt được, tập trung vào những nội dung: 1) Làm rõ hơn nữa cơ sở lý luận và thực tiễn của Đề án, thống nhất chỉ đạo trên phương diện khoa học đối với lực lượng khảo cổ học tham gia trong cả nước; 2) Nhấn mạnh, làm rõ “tính bản địa” là những giá trị văn hóa đã được đúc kết tại chính nơi mà cộng đồng cư dân sinh sống; 3) Cần xây dựng phương án nghiên cứu tổng thể sâu rộng hơn nữa, với qui mô hợp lý mới có thể đánh giá được đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, vừa nghiên cứu, vừa bảo tồn, tiến tới hình thành Bảo tàng văn hóa Óc Eo; 4) Gắn với mục tiêu xây dựng hồ sơ di sản bảo tồn văn hóa Óc Eo là Di sản văn hóa thế giới; 5) Các đại biểu đều thống nhất và cho rằng, việc nghiên cứu thời gian qua là đúng hướng, đúng mục tiêu của Đề án đề ra. Qua các kết quả khai quật thu được, bước đầu khẳng định Óc Eo là một nền văn hoá khảo cổ lâu đời và nổi tiếng ở Nam bộ Việt Nam, đây là nền văn hoá gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam, một khu vực trung tâm có nhiều ý nghĩa về mặt văn hoá và lịch sử, một khu đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của văn hoá Óc Eo - Phù Nam của vùng Tây Nam Bộ;...
|
|
Quang cảnh Hội nghị
Kết luận Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn đã đánh giá cao các kết quả đạt được trong năm 2017, ghi nhận các ý kiến đóng góp quí báu của các nhà khoa học, các đại biểu trong Hội nghị và sẽ bổ sung vào phương hướng triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 và các năm tiếp theo. Không gian phân bố của nền văn hoá Óc Eo vô cùng rộng lớn, bao gồm phần lớn vùng châu thổ sông Mê Kông miền Nam Việt Nam, các địa điểm đang được khai quật của Đề án mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, tính toán để có sự kết nối, đủ cơ sở dữ liệu để khẳng định giá trị khoa học của di tích, Ban chủ nhiệm đề án sẽ nghiên cứu trình Chính phủ bổ sung nghiên cứu tổng thể hệ thống di tích lịch sử, văn hóa Óc Eo trong thời gian tới.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn gợi mở, thời gian tới cần bám sát mục đích, mục tiêu đã đề ra, tận dụng tối đa các nguồn lực, điều kiện thời tiết, tiếp tục tiến hành khai quật, triển khai theo đúng kế hoạch. Đồng thời, tiếp tục tổng quan các công trình, các dự án nghiên cứu trước đó, để có cơ sở so sánh nghiên cứu đánh giá về những phát hiện mới, xây dựng tốt cơ sở dữ liệu, về mặt lịch sử về mặt khoa học, về mặt khảo cổ học để tiến hành từng bước xây dựng hồ sơ đánh giá về di tích lịch sử quan trọng này.
Lãnh đạo Viện Hàn lâm một lần nữa trân trọng cảm ơn những đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia khảo cổ học hàng đầu cho Đề án, đồng thời mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt, hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các nhà khoa học trong quá trình triển khai thực hiện Đề án cho năm 2018 và các giai đoạn tiếp theo.
Nguyễn Xuân Khoát