Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2013

12:00 01/01/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2013 được tổ chức ngày 28/12/2013 đã quy tụ nhiều nhà khoa học trong và ngoài Viện Nghiên cứu Hán Nôm bàn thảo về nhiều vấn đề có tính thời sự đang diễn ra đối với ngành Hán Nôm học.

PGS.TS. Nguyễn Công Việt, Q. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm phát biểu tại Hội nghị

 

Tại Hội nghị PGS.TS. Nguyễn Công Việt, Q. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, Ban tổ chức đã nhận được 140 tham luận được gửi tới của gần 150 tác giả khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, các bài viết đã tập trung vào các vấn đề như: Thông báo, giới thiệu những phát hiện mới trong công tác sưu tầm, tìm tòi các loại hình tư liệu Hán Nôm (gồm thư tịch, hiện vật nằm rải rác trong phạm vi cả nước); Khai thác giới thiệu các văn bản, tài liệu, tác phẩm của các tác gia, nhân vật lịch sử. Các bài viết đã cung cấp nhiều thông tin mới, bổ ích góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề đang tranh cãi; giới thiệu những tư liệu Hán Nôm có giá trị, đóng góp cho công tác nghiên cứu khai thác mảng văn hóa Hán Nôm đồng thời có ý nghĩa bổ sung cho tri thức Hán Nôm học.

Những thông tin được Hội nghị đặc biệt chú ý tập trung vào “Văn bia cổ nhất Việt Nam mới phát hiện và vấn đề niên đại của nó” viết về tấm bia mới được khai quật ở khu vực Thuận Thành – Bắc Ninh, tạm xác định niên đại năm 313-316 cách ngày nay ngót 1.700 năm; tham luận “Phát hiện mới về di văn và di vật của Trạng nguyên Lê Văn Thịnh thời Lý” năm 1075 đã khẳng định, ngay từ thời Lý tên “húy” đã không còn là “kỵ hiềm” đối với chức danh Trạng nguyên, bằng chứng là qua di vật bản triệt khắc duy nhất một chữ “Thịnh” - tên Trạng nguyên Lê Văn Thịnh do vua ngự ban nhân dịp ông đỗ Trạng nguyên đã cho thấy ngay từ thời Lý, việc dùng chính danh còn là một cách để nhà vua vinh danh hiền sĩ của triều đình thời bấy giờ... Ngoài ra, các vấn đề có tính xã hội cũng được nhiều diễn giả trình bày, trong đó đáng chú ý là tham luận “Vài ý kiến về cuốn “Truyện Kiều – bản Nôm cổ nhất -1866”, do diễn giả Nguyễn Khắc Bảo thuyết trình đã cho rằng cuốn sách này của soạn giả Nguyễn Quảng Tuân còn tồn tại nhiều “sạn” cần phải chỉnh sửa một cách nghiêm túc vì nhiều lỗi chính tả dẫn đến sai nghĩa nhiều chữ, ví dụ chữ “máy” thực chất là chữ “mấy”, chữ “mượn” thực chất là chữ “mướn”… Nguyên nhân này được soạn giả viện dẫn là do quá trình “format” ấn phẩm được diễn giả bác bỏ và cho rằng lý do này không có cơ sở vì tác phẩm này đã được tái bản đã 3 lần và những lỗi trên vẫn chưa được chỉnh sửa, điều này chứng tỏ sự “thiếu trách nhiệm” của soạn giả. Diễn giả Nguyễn Khắc Bảo cho rằng cần phải nghiêm túc nhìn nhận để chỉnh sửa, vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc của tác phẩm trong tâm thức bạn đọc nhiều thế hệ.

 

Phạm Vĩnh Hà

In trang Chia sẻ

Tin khác