Hội nghị thường niên lần thứ 3 “Hợp tác Campuchia-Việt Nam-Lào: những vấn đề mới và giải pháp”

17:00 30/10/2014
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Hội nghị thường niên lần thứ 3 của ba Viện Hàn lâm: Viện Khoa học Hoàng gia Campuchia (RAC), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào (LASS) với chủ đề: “Hợp tác Campuchia-Việt Nam-Lào: những vấn đề mới và giải pháp” đã diễn ra tại Phnom Penh, thủ đô của Vương quốc Campuchia.

Tham dự Hội nghị có hơn 100 đại biểu, gồm các nhà khoa học của ba Viện Hàn lâm, Đại sứ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Campuchia, Đại sứ nước CHDC nhân dân Lào tại Campuchia, Đô trưởng thành phố Phnom Penh và đại biểu một số Bộ, ngành của Vương quốc Campuchia.

 

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phát biểu
tại Lễ Khai mạc
  Đoàn Chủ tịch Hội nghị

 

Hội nghị thường niên giữa ba Viện Hàn lâm là sáng kiến của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra vào năm 2012 tại TP. Đà Nẵng của Việt Nam; Hội nghị lần thứ hai diễn ra vào năm 2013 tại huyện Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn, Lào, và năm nay 2014 đã diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia. Tiếp sau mỗi hội nghị là hội thảo nâng cao năng lực về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững do phía đối tác Hàn Quốc và một số tổ chức quốc tế hỗ trợ đồng tổ chức.

Tại phiên khai mạc, GS. Viện sĩ Khlot Thyda, Chủ tịch RAC; GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch VASS; GS.TS. Chaleune Yiapaoheu, Chủ tịch LASS và ông Pa Socheatvong, Đô trưởng thành phố Phnom Penh đã có các bài phát biểu chào mừng và khai mạc.

Trong bài phát biểu khai mạc, GS. VS Khlot Thyda đã đánh giá cao sáng kiến của VASS trong việc tổ chức Hội nghị thường niên giữa ba Viện Hàn lâm KHXH của ba nước, đồng thời điểm lại kết quả của 2 Hội nghị thường niên lần thứ nhất được tổ chức ở Việt Nam năm 2012 và lần thứ hai được tổ chức ở Lào nhằm hướng tới mục đích trao đổi kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu KHXH vì lợi ích của nhân dân và chính phủ ba nước. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh ý nghĩa của Hội nghị thường niên lần thứ 3 trong việc thúc đẩy sự gắn kết giữa ba nước trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng; đặc biệt, khi cộng đồng ASEAN sẽ thành hiện thực năm 2015; đồng thời hy vọng Hội nghị sắp tới sẽ thảo luận sâu về các vấn đề mới và các giải pháp cụ thể nhằm giúp Chính phủ ba nước thực hiện quyết tâm chính trị của mình trong việc phát triển đất nước và giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực. GS.TS. Chaleune Yiapaoheu đã khẳng định những truyền thống tốt đẹp của ba nước; đồng thời tin tưởng rằng, Hội nghị thường niên về KHXH của các Viện Hàn lâm ba nước có ý nghĩa trao đổi kết quả nghiên cứu, tạo điều kiện để củng cố khối đoàn kết vì lợi ích của ba nước.

Trong phát biểu chào mừng, ông Pa Socheatvong, Đô trưởng thành phố Phnom Penh đã bày tỏ sự vui mừng khi Hội nghị thường niên lần thứ 3 của ba Viện Hàn lâm được tổ chức tại thành phố Phnom Penh. Ông cho biết, thành phố Phnom Penh đã ký thỏa thuận hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vientiane và đó là cơ sở để thành phố Phnom Penh có điều kiện đóng góp một cách cụ thể và thiết thực vào việc củng cố khối đoàn kết và sự phát triển chung của ba nước.

Hội nghị đã nghe 15 tham luận của các nhà khoa học ba nước, được chia làm 4 phiên với các chủ đề:1) Hợp tác ba nước về trong lĩnh vực chính trị, an ninh (Trung tướng Sophana Meach (Bộ Nội vụ Campuchia), PGS.TSKH. Trần Khánh (VASS) và TS. Saysaming Sivilay (LASS); 2) Hợp tác ba nước trong lĩnh vực kinh tế và thương mại biên giới (TS. KY Sereyvath (RAC), PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng (VASS), TS. Feuangsy Laofoung (LASS) và ông Mau Thora (Bộ Thương mại Campuchia); 3) Hợp tác ba nước về lĩnh vực văn hóa, xã hội (TS. NOU Chansophy (RAC), TS. OM Pom (RAC), PGS.TS. Nguyễn Sỹ Tuấn (VASS) và TS. Bounetheng (LASS); 4) Hợp tác ba nước trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên (TS. SUN Sot (RAC), TS. MONG Seang Nghim (RAC), TS. Võ Công Nguyện (VASS) và TS. Sila MOUNTHALAVONG (LASS). Các tham luận và các ý kiến thảo luận đều nhất trí đánh giá cao kết quả của các hợp tác song phương về chính trị, an ninh, kinh tế thương mại biên giới, văn hóa xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường; đồng thời phân tích những tồn tại và đề xuất cơ chế hợp tác ba bên để giải quyết các vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới của khu vực và quốc tế.

Tại phiên bế mạc Hội nghị, GS.TS. Chaleune Yiapaoheu đã tổng kết những đóng góp mới và những vấn đề đã được thảo luận trong Hội nghị. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã khẳng định thành công của Hội nghị thường niên lần thứ 3 được thể hiện ở tinh thần khoa học và những nỗ lực tìm ra tiếng nói chung của các nhà khoa học ba nước nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hợp tác hướng tới việc tạo ra một vị thế mới cho ba nước trong khu vực và thế giới. Và cuối cùng, thay mặt đoàn Chủ tịch, GS. VS. Khlot Thyda đã nhấn mạnh ý nghĩa của các nghiên cứu được trình bày và thảo luận trong Hội nghị, đặc biệt là việc đề xuất các giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa ba nước trong bối cảnh mới; đồng thời, bày tỏ sự cám ơn sâu sắc đến những đóng góp của Lãnh đạo và các học giả của ba Viện Hàn lâm vào sự thành công của Hội nghị.

*******

Tiếp theo Hội nghị thường niên 3 Viện Hàn lâm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, ngày 28 tháng 10 năm 2014, tại PhnomPenh, Campuchia, đã diễn ra Hội thảo nâng cao năng lực: “An ninh năng lượng bền vững thông qua tăng trưởng xanh ở Tiểu vùng Mêkông”.

 

Đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
tham gia Hội nghị

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Sok An (áo trắng) trao Kỷ niệm chương cho GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

Tham dự Hội thảo có Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các nhà khoa học của ba Viện Hàn lâm ba nước, đại diện lãnh đạo Bộ Môi trường Vương quốc Campuchia Say Samal, đại diện lãnh đạo Viện nghiên cứu môi trường Hàn Quốc (KEI) và Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cùng các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp. Đây là lần thứ ba hội thảo nâng cao năng lực về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được tổ chức với sự giúp đỡ của các đối tác Hàn Quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch VASS nhấn mạnh, an ninh năng lượng bền vững là vấn đề chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược và chính sách phát triển của các nước tiểu vùng Mêkông, đặc biệt là của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Quan niệm về an ninh năng lượng hiện nay đã mở rộng hơn nhiều so với quan niệm truyền thống, không chỉ tính đến yêu cầu về tăng trưởng kinh tế mà còn cả những yêu cầu về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả hợp tác hơn nữa giữa các nước thuộc Tiểu vùng Mêkông để giải quyết sự khác biệt còn tồn tại trong vấn đề phát triển năng lượng bền vững, đặc biệt liên quan đến việc xây dựng và quản lý các đập thủy điện ở dòng chính sông Mêkông.

Hội thảo đã thảo luận sâu những nội dung gắn liền với yêu cầu phát triển của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và kinh nghiệm của Hàn Quốc như: mối quan hệ giữa an ninh năng lượng bền vững và phát triển bền vững, chiến lược năng lượng bền vững nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, các công nghệ năng lượng xanh và năng lượng tái tạo và đánh giá môi trường chiến lược. Trong bối cảnh Việt Nam, Lào và Campuchia là những nền kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và nhu cầu năng lượng ngày một lớn, thách thức đặt ra đối với yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho các nước là rất lớn, không chỉ cần những khoản đầu tư lớn về vốn và công nghệ mà còn cần cả những cải cách về thể chế và chính sách. Tuy mỗi nước có những đặc thù và ưu tiên riêng trong quá trình phát triển song đều có nhu cầu hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và chính sách nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Các đại biểu của VASS đã đóng góp tích cực cho hội thảo qua các tham luận: 1) Thách thức và cơ hội cho việc đảm bảo an ninh năng lượng bền vững ở Việt Nam (PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện phát triển bền vững vùng); 2) Chiến lược và chính sách năng lượng của Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững (TS. Trần Quang Minh - Viện nghiên cứu Đông Bắc Á); 3) Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Thách thức về công nghệ (TS. Bùi Quang Bình - Viện Địa lý nhân văn); 4) Phát triển năng lượng thủy điện ở Tiểu vùng Mêkông mở rộng và tác động môi trường: Phân tích khám phá ban đầu (TS. Nguyễn Huy Hoàng - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á). Các bài tham luận đã nhận được đánh giá cao và phản hồi tích cực từ phía các đại biểu tham dự hội thảo. 

*******

Cùng trong khuôn khổ các hoạt động Hội nghị, Hội thảo nói trên, Đoàn ba Viện Hàn lâm, Viện Môi trường Hàn Quốc và Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc đã có buổi tiếp kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia Sok An, tham dự Lễ tổng kết bế mạc các hội thảo và dự lễ trao tặng Kỷ niệm chương của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Sok An trao cho các Chủ tịch ba Viện Hàn lâm, lãnh đạo Viện Môi trường Hàn Quốc và Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc. Đây là hoạt động ghi nhận sự đánh giá cao của Chính phủ Hoàng gia Campuchia đối với quá trình hợp tác chặt chẽ, hữu nghị giữa ba Viện Hàn lâm với nhau và với phía đối tác Hàn Quốc. Ngài Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm và ủng hộ các nhà khoa học ba nước hợp tác với nhau trong khoa học, mong muốn các nhà khoa học từ những kết quả nghiên cứu của mình có những đề xuất tốt cho chính phủ để trong việc hoạch định chính sách phát triển đất nước, và củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa ba nước.

 

Phó  Thủ  tướng  Chính  phủ Hoàng gia Campuchia Sok An (áo trắng đứng giữa)
chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các đoàn
 

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia
(áo ghi đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm
với lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

 

GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thay mặt Lãnh đạo ba Viện Hàn lâm đã thông báo, Hội nghị thường niên lần thứ 4, sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam vào năm 2015, sẽ tập trung sâu vào những vấn đề hợp tác ba nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại xuyên biên giới, vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi sản phẩm xanh dựa vào nông nghiệp.

 

Trần Thị An, Nguyễn Mạnh Hùng và Lưu Ánh Tuyết (tổng hợp)

In trang Chia sẻ

Tin khác