Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị

17:00 13/10/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 14/10/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: Internet).

Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng​​​.

Dự hội nghị còn có các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương. 

Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khoá XIII đã chính thức ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng Tây Nguyên có 5 tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía bắc và phía đông giáp 6 tỉnh duyên hải Miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận; phía nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Campuchia; với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước. Vùng Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm mà không nơi nào có được, đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng, chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, và khoảng 10 tỉ tấn trữ lượng bôxit, chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của 6 triệu người thuộc 53 dân tộc anh em. Tuy nhiên, sự phát triển của Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tăng trưởng thiếu bền vững, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hoá dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Đây là một địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, thuộc tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là "phên dậu phía Tây của Tổ quốc", là "nóc nhà của Đông Dương".

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: Ỉnternet).

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo những nội dung cơ bản của Nghị quyết 23 về phát triển vùng Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Hội nghị này có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Hội nghị nhận được nhiều tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong Vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc ban hành Nghị quyết mới về phát triển Tây Nguyên thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bởi đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc phát triển Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Lấy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội làm nền tảng cho việc giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Còn tầm nhìn 2045 là trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh tuần hoàn, một số tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của cả nước, hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả và là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

''Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng. Quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, bị động, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương; quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn'', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị sau hội nghị quán triệt này, các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng phải xây dụng Chương trình hành động bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, đồng thời sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng.

 

PV.

In trang Chia sẻ

Tin khác