Tham dự và chủ trì hội nghị có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo; PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội; Trưởng và thư ký của 15 tiểu ban chuyên môn và các bộ phận phục vụ hội thảo.
Thay mặt Ban Tổ chức hội thảo,GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn báo cáo tổng kết kết quả của Hội thảo. Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư đã đón tiếp 1200 đại biểu tham dự, trong đó có gần 300 đại biểu nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, về quy mô và nội dung vượt rấtxa so với dự kiến ban đầu. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn về thời gian chuẩn bị; kinh phí quá eo hẹp nên công tác chuẩn bị hết sức vất vả và bị động trên mọi lĩnh vực. Mặc dù vậy, Hội thảo đã có rất nhiều khách quốc tế tham dự, điều đó chứng tỏ rằng Hội thảo quốc tế Việt Nam học vẫn có sức thu hút rất lớn đối với các học giả quốc tế. Phiên toàn thể với những báo cáo rất tốt, ba phiên thảo luận tại 15 tiểu ban được đánh giá cao, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã khẳng định điều này, phiên bế mạc cũng được tổ chức chu đáo và tốt. Đặc biệt, Hội thảo vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến phát biểu khai mạc và chỉ đạo, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp kiến các đại biểu quốc tế tiêu biểu. Có thể khẳng định rằng Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư đã thành công rực rỡ.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến phát biểu,đóng góp của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đều cho rằng, về mặt nội dung và ý nghĩa chính trị, hội thảo thành công ngoài mong đợi. Nhiều nhà khoa học chủ chốt nổi tiếng thế giới tham gia ở hầu hết các tiểu ban. Hệ thống truyền thông có thời lượng phát sóng rất lớn, liên tục cả trước và sau hội thảo, tạo được luồng thông tin và dư luận hết sức tích cực về hội thảo. Về khâu tổ chức, do còn thiếu kinh nghiệm nên có những lúng túng nhất định trong thời kỳ đầu.
Phát biểu tổng kết hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo nhấn mạnh bối cảnh tổ chức hội thảo, những khó khăn, thuận lợi, đánh giá những thành công của hội thảo cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra cho những lần tổ chức hội thảo sau. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá cao sự nỗ lực và trách nhiệm của các trưởng tiểu ban, thư ký các tiểu ban, đặc biệt là Ban Tổ chức và Ban Thư ký.Thành công của hội thảo không chỉ ở số lượng đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, mà còn là nơi các nhà khoa học thể hiện bản lĩnh chính trị khi tranh luận nhiều chủ đề mới, nóng như vấn đề hợp tác trên biển, chủ quyền biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo chỉ rõ rằng, để cho Hội thảo lần tới được tốt hơn, chúng ta cần phải chủ động ngay từ đầu, đề cao vai trò rất quan trọng của các tiểu ban, đồng thời gợi ý nên có Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan đồng chủ trì tổ chức để phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên và sự hợp tác của hai bên.
Về các công việc sau hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: thứ nhất là sớm xuất bản kỷ yếu hội thảo, thành lập hội đồng biên tập riêng để chọn các tham luận; thứ hai, phải có báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về kết quả Hội thảo và những đóng góp khoa họccủa Hội thảo trên cơ sở các ý kiến của 15 tiểu ban ở phiên toàn thể, những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển của đất nước; thứ ba, chọn các bàitiêu biểu để in trong các tạp chí, đăng tải trên các website của hai đơn vị đồng tổ chức. Để đăng tải các tham luận hay, có chất lượng tốt, cần biên tập nghiêm túc, kỹ lưỡng trước khi công bố trên các tạp chí và website. Bên cạnh những thành công, một mong muốn mà hội thảo chưa làm được là kỳ vọng xây dựng một mạng lưới nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới. Thông qua qua sự hiện diện của các học giả, chúng ta có thể tổ chức mạng lưới gồm các học giả am hiểu, nghiên cứu sâu về Việt Nam và góp phần thúc đẩy phát triển các trung tâm nghiên cứu về Việt Nam ở Nhật Bản, Nga, Đức, Mỹ và một số nước khác. Đã có một số nơi muốn thành lập trung tâm nghiên cứu về Việt Nam như ở Campuchia, Mông Cổ. Chúng ta cần có giải pháp hỗ trợ cho họ về cách tổ chức, hoạt động.
Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo khẳng định, sự thành công của hội thảo cũng nhiều, nhưng những điều cần rút kinh nghiệm cũng không ít, nhưng tựu trung lại, sự thành công hội thảo là cơ bản, đã thể hiện sự nỗ lực của những người chịu trách nhiệm trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Ban Biên tập, những người tham gia, trong đó có cả lực lượng tình nguyện viên; của hai nhà tài trợ; sự phối hợp của các đồng chí bên A83 thuộc Bộ Công an; của truyền thông; và nhiều cơ quan khác.
Thay mặt cho Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ quan đồng chủ trì tổ chức hội thảo, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến phát biểu của Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức hội thảovà các đại biểu tham dự hội nghị. Với tư cách là cơ quan đồng tổ chức hội thảo, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý và mong rằng sẽ nhận được sự phối hợp trong công tác tổ chức vớiViện Khoa học xã hội Việt Nam trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ năm. Hai bên sẽ trao đổi, bàn bạc để sớm ban hànhQuy chế phối hợp trong tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học./.
Nguyễn Vũ