90 năm trước, ngày 21/6/1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam đã sáng lập Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ đó, dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc của đồng bào, đồng chí, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển và lớn mạnh với 845 cơ quan báo chí, hơn 1.100 ấn phẩm gồm báo, tạp chí của Trung ương và địa phương, 1 hãng thông tấn quốc gia, 2 đài phát thanh- truyền hình quốc gia, 64 Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố; 98 cơ quan báo chí điện tử.
Với chủ đề "90 năm báo chí cách mạng Việt Nam: Truyền thống, bản lĩnh và trách nhiệm", Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các nhà báo, nhà khoa học tại các tạp chí thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm và của nhà báo thuộc Thông tấn xã Việt Nam. 05 tham luận trình bày tại Hội thảo tập trung vào các nội dung chính sau:
(1) Bản lĩnh và trách nhiệm của nhà khoa học – nhà báo đối với các vấn đề biển đảo, tôn giáo và quan hệ quốc tế (xoay quanh đấu tranh hòa bình, tiến bộ và phát triển, chống cường quyền, bạo quyền…); Trách nhiệm của nhà báo, nhà khoa học trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Trách nhiệm của tạp chí chuyên ngành trong việc truyền tải những thông tin liên quan đến chủ quyền biển đảo, chủ quyền dân tộc và cung cấp những luận cứ mang tính pháp luật, pháp lý thông qua các minh chứng lịch sử ở trong nước và quốc tế (TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập tạp chí Nhà nước và Pháp luât; TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo; TS. Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc).
|
|
|
(2) Nâng cao chất lượng tạp chí và đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tạp chí, cụ thể là trong cách thức, quy trình biên tập, kiểm duyệt tin bài trước khi đăng tải hướng đến sự chuyên nghiệp và phát triển; Vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đóng vai trò quan trọng trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin; Chú trọng thông tin 2 chiều; Xem xét tầm ảnh hưởng của thông tin đối với công chúng, từ đó phát huy vai trò định hướng thông tin của báo chí chính thống, góp phần bảo vệ, hoàn thiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng tới sự đồng thuận trong xã hội (TS. Trần Hồng Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Dân tộc học; PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, Quyền Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Văn học; Nhà báo Nguyễn Thị Sự, Phó Trưởng ban Tin trong nước, Thông tấn xã Việt Nam).
Trên cơ sở tổng hợp những ý kiến tham luận, phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm, Chủ tịch Liên chi hội nhiệm kỳ 2015 – 2020 nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng của các tạp chí, như: (i) bồi dưỡng năng lực về khoa học xã hội và nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ biên tập viên, đặc biệt là biên tập viên trẻ; (ii) củng cố và hoàn thiện quy trình làm việc, chính sách đãi ngộ đối với hội đồng biên tập; (iii) chú trọng kết nối học giả, các nhà nghiên cứu nhằm thu hút các cộng tác viên có uy tín,... và một số vấn đề khác liên quan đến công tác tổ chức và hoạt động của các tạp chí - chi hội, cán bộ làm tạp chí, thành viên hội đồng biên tập - hội viên trong Liên chi hội nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, những ý kiến, bình luận của các đại biểu tham dự đều hướng tới mục đích chung - khẳng định vai trò của những cán bộ làm công tác tạp chí, phát huy bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo - nhà khoa học. Cùng với đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng tạp chí chuyên ngành Viện Hàn lâm thời gian tới.
Nguyễn Thu Trang