Hội thảo vinh dự đón tiếp Ngài Ibnu Hadi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Indonesia tại Việt Nam; GS. Viện sĩ Sum Chhum Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; TS. Feuangsy Laofoung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Ông Khin Maung Lynn và GS. TS. Khin Maung Nyunt, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Myanmar; TS. Sidratahta Mukhtar, Trưởng bộ môn Khoa học Chính trị, Khoa Xã hội và chính trị học, Đại học Công giáo Indonesia; TS. Yukti Mukdawijitra, Khoa Nhân học và Xã hội học, ĐH Thammasat Thái Lan. Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng các đại biểu, các nhà khoa học đến từ các đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm, các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao. Hội thảo cũng được đón tiếp các đại biểu đến từ các Đại sứ quán Lào, Myanmar, Singapore.
|
|
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu; đồng thời đánh giá cao thành tựu to lớn và ý nghĩa lịch sử của ASEAN trong thời gian qua. Từ bước khởi đầu chỉ với 5 thành viên, trải qua những thăng trầm lịch sử, ASEAN đã phát triển và trở thành cộng đồng chung cho hơn 600 triệu người dân từ 10 nước Đông Nam Á. Từ chỗ là một tổ chức nhỏ, chưa gây được sự chú ý nhiều trên diễn đàn quốc tế, ASEAN hiện nay là một cộng đồng khu vực hội nhập sâu rộng vào khu vực và toàn cầu, có khả năng làm chủ vận mệnh của mình, ngày càng trưởng thành hơn về chính trị, vững vàng hơn về kinh tế, hoàn thiện hơn về thể chế, gắn kết hơn trong quan hệ nội bộ, đã và đang có nhiều đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn đinh và phát triển của khu vực và thế giới. Đồng thời, ASEAN cũng là tổng hòa các nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, thắm tình đoàn kết các dân tộc chung sống trong hòa bình, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng khẳng định, trong bối cảnh khu vực và thế giới đầy bất ổn hiện nay, ASEAN đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới một “Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. Vì vậy, Hội thảo là một diễn đàn quan trọng nhằm đánh giá đúng những thành tựu và hạn chế, đồng thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu góp phần phát triển cộng đồng ASEAN lớn mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, có lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, vai trò và đóng góp của ASEAN đối với các quốc gia thành viên khu vực và toàn cầu đã được minh chứng trong nửa thế kỷ qua và đặc biệt là trong 20 năm gần đây khi ASEAN đã quy tụ đầy đủ tất cả 10 quốc gia Đông Nam Á lúc đó. Hội thảo Quốc tế “ASEAN: 50 năm Hội nhập và Phát triển” là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm vàng của ASEAN; có ý nghĩa thực tiễn và khoa học hết sức sâu sắc, nhìn nhận lại chặng đường đã qua và xem xét triển vọng tương lai của tổ chức này. Vì vậy, trong khuôn khổ Hội thảo này, PGS. TS. Nguyễn Huy Hoàng mong muốn các nhà khoa học, các đại biểu tập trung tham luận, thẳng thắn trao đổi và làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, đánh giá đúng vai trò của ASEAN thông qua những nguyên tắc và quy định của tổ chức này đối với quá trình liên kết và hội nhập khu vực cũng như toàn cầu của các nước thành viên và của Cộng đồng ASEAN;
Thứ hai, đánh giá đúng tầm quan trọng và vị trí của ASEAN trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khu vực cũng như vai trò trung tâm của tổ chức này;
Thứ ba, đánh giá về triển vọng tương lai của Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò của nó, đặc biệt là về việc thực hiện tầm nhìn 2025 của Cộng đồng ASEAN.
Hội thảo được chia thành hai phiên, cụ thể như sau:
Phiên 1 do PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và GS. Viện sĩ Sum Chhum Bun-Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia chủ trì, các diễn giả (PGS.TS. Hoàng Khắc Nam, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Yukti Mukdawijitra, Đại học Thammasat, Thái Lan; GS.TS. Khin Maung Nyunt, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Myanmar; TS. Sidratahta Mukhtar, Đại học Công giáo Indonesia; PGS.TS. Văn Ngọc Thành, Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày nội dung về vai trò và cách thức phát triển quan hệ đối ngoại của ASEAN; Nghiên cứu các nước láng giềng: Cách tiếp cận khu vực đối với ASEAN; Triển vọng xây dựng Cộng đồng ASEAN; Vai trò chiến lược của ASEAN trong việc chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS); ASEAN trong chính sách an ninh-quốc phòng của Ấn Độ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 1991-2017.
|
|
|
Phiên 2 do PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và GS.TS. Khin Maung Nyunt - Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Myanmar chủ trì. Các diễn giả (GS. Viện sĩ Sum Chhum Bun, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; Ông Khin Maung Lynn, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Myanmar; TS. Đinh Hiền Lương, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao Việt Nam; TS. Feuangsy Laofong, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; PGS.TSKH. Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) phân tích và thảo luận các nội dung liên quan đến bản sắc văn hoá Campuchia trong hội nhập ASEAN; ASEAN 50: Thành tựu và các vấn đề đặt ra; Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á: Những thuận lợi và thách thức; Triển vọng hoàn thiện Cộng đồng ASEAN và thích ứng chính sách của Việt Nam.
Bên cạnh các bài tham luận, Hội thảo đuợc nghe nhiều ý kiến trao đổi rất thẳng thắn, xây dựng. Các đại biểu đều khẳng định ASEAN có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, hoà bình của khu vực; tuy nhiên ASEAN cần duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước và giữ thái độ thận trọng trong mối quan hệ với nước lớn. Đồng thời, trong tình hình thế giới nhiều biến động, để tận dụng đuợc cơ hội mới, vượt qua các thách thức, ASEAN mạnh dạn điều chỉnh “luật chơi”, chẳng hạn như thay đổi nguyên tắc “đồng thuận” sang nguyên tắc “đa số”…
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mang đậm tính chất của một hội thảo khoa học, vượt qua khuôn khổ của lễ kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức, với những thông tin, tư liệu, quan điểm về vai trò của ASEAN, những thách thức bên cạnh sự phát triển. Sự phân tích và đánh giá của các nhà khoa học sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về ASEAN, qua đó đề xuất những thích ứng chính sách hữu ích cho việc củng cố và hoàn thiện Cộng đồng ASEAN.
Hồng Nhung