Hội thảo: Cải cách chính sách tài khóa lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và tăng trưởng xanh

12:00 11/12/2013
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Ngày 10 tháng 12 năm 2013, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Cải cách chính sách tài khóa lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và tăng trưởng xanh”.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo 

Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bà Louise Chamberlain, Giám đốc UNDP tại Việt Nam; các nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNDP và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và Bà Louise Chamberlain phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo.

Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Hội thảo hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam thực hiện quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng cùng với 3 đột phá chiến lược: về thể chế, về cơ sở hạ tầng và về nguồn nhân lực chất lượng cao. Định hướng chủ yếu là hoàn tất quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường, thị trường năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, đây là đầu vào chiến lược đối với sản xuất mọi hàng hóa và dịch vụ. Việc dần xóa bỏ trợ giá đối với năng lượng là một nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Điều này buộc các doanh nghiệp phải loại bỏ công nghệ lạc hậu chuyển sang sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển sang tăng trưởng xanh theo hướng đảm bảo tính bền vững về mọi mặt, đặc biệt là môi trường.

Diễn giả Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Những tác động tích cực của cải cách này đến tăng trưởng trong dài hạn là rõ rệt. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và người dân trong ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Để đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội, cần tránh tạo ra những cú sốc đối với các doanh nghiệp bằng việc đưa ra lộ trình phù hợp và minh bạch, cần có biện pháp hiệu quả để bảo vệ người nghèo, người dễ bị tổn thương trước việc tăng giá năng lượng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng vì hiệu quả và bền vững là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Bà Louise Chamberlain cho rằng, đây là một chủ đề được các nhà hoạch định chính sách hết sức ủng hộ, UNDP cũng cam kết ủng hộ đối với chiến lược tăng trưởng xanh đã được ký kết vào năm 2012. Theo Giám đốc UNDP tại Việt Nam, Hội thảo cần tập trung vào 3 điểm chính:

Thứ nhất, Việt Nam không phải là một quốc gia phát thải đáng kể khí nhà kính, trong bối cảnh toàn cầu vấn đề trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch chưa đến mức thái quá, nhưng cần phải xác định mức độ trợ giá trong bối cảnh nguồn hỗ trợ ODA như thế nào.

Thứ hai, cần tính tới quá trình phát triển hiệu quả hơn nhất là khi nguồn trợ giá gián tiếp bị dỡ bỏ, làm thế nào để mức giá cả có thế chấp nhận được đối với tất cả các bên tham gia trên thị trường Việt Nam. Bởi vậy phải chú trọng tới sự vận hành có hiệu quả của thị trường.

Thứ ba, trong tình hình tài khóa hiện nay của Việt Nam, an ninh năng lượng cũng phải được hưởng lợi từ quá trình cải cách và nó có thể tăng cường độ ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cần tăng cường hỗ trợ cho quá trình giảm nghèo. Ở đây phải chú ý đến vấn đề đa mục tiêu trong cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch. Đảm bảo việc cung nhiên liệu được ổn định để cho người nghèo có thể tiếp cận được các dịch vụ là nhiệm vụ căn bản cho công tác giảm nghèo đồng thời cải thiện các hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở những khu vực có người nghèo đang sinh sống.

Diễn giả Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Hội thảo được nghe 04 tham luận: “Chiến lược tăng trưởng xanh – bối cảnh trong nước và toàn cầu” (diễn giả Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), “Lợi ích và thách thức của cải cách chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch” (diễn giả Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), “Chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch-Đề xuất chính sách cho lộ trình cải cách” (diễn giả Michaela Prokop, Cố vấn kinh tế UNDP), “Phát triển carbon thấp và cải cách giá năng lượng” (diễn giả Christophe Crepin, Ngân hàng Thế giới).

Trong tham luận của mình, diễn giả Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho rằng, tăng trưởng xanh là xu thế toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cải cách tài khóa với nhiên liệu hóa thạch là một bộ phận cấu thành của khung chính sách tăng trưởng xanh. Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng xanh, thực hiện cải cách ngành năng lượng và từng bước xóa bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước, đang thực hiện nhiều giải pháp chính sách có liên quan tới cải cách tài khóa đối với nhiên liệu hóa thạch, tuy nhiên quá trình này còn chậm và kéo dài.

Còn diễn giả Nguyễn Thắng nhận định, lợi ích của cải cách tài khóa nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam góp phần cải thiện nguồn cung năng lượng quốc gia, duy trì an ninh năng lượng quốc gia, dịch vụ cung năng lượng sẽ được cải thiện và giảm bớt gánh nặng cho tài khóa, thúc đẩy tăng trưởng GDP, cải thiện tính công bằng và giảm tác động môi trường.

Theo diễn giả Michaela Prokop, cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không chỉ là cải cách giá mà phải cải cách toàn diện khu vực năng lượng, gồm: phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh ở đó doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên một sân chơi bình đẳng, tăng cường vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý độc lập, chuyển các chức năng xã hội của các doanh nghiệp nhà nước; cần phải thiết lập đúng giá điện và các sản phẩm xăng dầu, có quỹ bình ổn giá xăng dầu; có chính sách hỗ trợ cho người nghèo và cận nghèo, cải thiện an sinh xã hội…

Diễn giả Christophe Crepin cho rằng, cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã trở thành một trong những mối ưu tiên hàng đầu của nhóm Ngân hàng Thế giới, là một trong những hành động táo bạo mà Ngân hàng Thế giới sẽ thực hiện để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Giá năng lượng và cải cách trợ cấp ở Việt Nam có mối tương tác với biến đổi khí hậu một cách rất cụ thể vì trợ cấp giá trực tiếp hiện không phải là một thách thức tài khóa lớn.

Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam đang áp dụng trần giá đối với điện và nhiên liệu hoá thạch, với mức trợ giá gián tiếp rất lớn của Chính phủ đối với năng lượng. Những chính sách này là không bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho người khá giả hơn là cho người nghèo, cũng như đi ngược lại sự tăng trưởng và hiện đại hóa trong tương lai, trong khi đó lại góp phần vào biến đổi khí hậu. Cải cách tài khóa trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch có các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Việc cải cách này cũng phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh và đòi hỏi phải tăng cường cải cách các thị trường năng lượng, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong ngành năng lượng.

Các chuyên gia của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị cải cách trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không chỉ là cải cách về giá mà còn phải cải cách toàn diện khu vực năng lượng./.

 

Nguyễn Thu Hà

 

In trang Chia sẻ

Tin khác