Hội thảo Công bố Sách “Sự thách thức đối với sản xuất? Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất chế tạo”

17:00 02/10/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) và Ngân hàng Thế giới (WB), chiều ngày 29/9/2017, Viện Hàn lâm phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Tương lai của phát triển kinh tế dựa vào ngành công nghiệp chế tạo” để ra mắt cuốn sách “Sự thách thức đối với sản xuất? Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất chế tạo” nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi khoa học giữa các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm về tương lai của ngành sản xuất toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
PGS.TS. Đặng Nguyên Anh phát biểu khai mạc tại Hội thảo   Toàn cảnh Hội thảo Công bố Sách

Tham dự Hội thảo Công bố Sách có PGS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam; Bà Mary C. Hallward–Driemeier và Ông Gaurav Nayyar, hai tác giả của cuốn sách; TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; cùng đại diện Lãnh đạo các Ban chức năng, các chuyên gia và nhà nghiên cứu cao cấp, các nghiên cứu viên đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS và đại diện các cơ quan khác (Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Vụ Kinh tế Tổng hợp, Bộ Ngoại giao…).

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Đặng Nguyên Anh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; đồng thời đánh giá cao nỗ lực chung của các bên tham gia trong quá trình ra mắt cuốn sách cũng như chia sẻ một vài quan điểm về chủ đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, Phó Chủ tịch khẳng định, việc làm và năng suất được coi là hai yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng; nhấn mạnh đến sự tác động của công nghệ số đến cuộc sống con người cũng như quá trình phát triển dựa vào ngành công nghiệp chế tạo và lực lượng lao động.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng phân tích những cơ hội và thách thức lớn của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển trên toàn cầu: cuộc cách mạng này sẽ dẫn đến một tương lai không có việc làm cho nhiều lao động cũng như các ngành công nghiệp truyền thống (như dệt may, da giầy…) và tương lai ngành công nghiệp chế tạo sẽ được tự động hóa; mặt khác chỉ ra cơ hội việc làm mới (công nghệ số hóa sẽ đem lại sự thịnh vượng và lợi ích mới). Qua đó, Phó Chủ tịch bày tỏ mong muốn, Việt Nam sẽ nắm bắt kịp thời cơ hội, “con tàu” tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cần tái cơ cấu lực lượng lao động và sản xuất, tái phân bổ trong nội bộ, đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất để đảm bảo tăng trưởng, tiến bộ…

Ông Kyle Kelhofer phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh tầm ảnh hưởng lớn của công nghệ và toàn cầu hóa đến lĩnh vực sản xuất (việc làm), đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển; đồng thời nêu bật ý nghĩa của cuốn sách “Sự thách thức trong sản xuất? Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất”. Qua đó, Giám đốc IFC tại Việt Nam khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đối thoại, trao đổi và bàn luận về vấn đề phát triển mới của Việt Nam; thông qua cuốn sách này, Việt Nam cần xem xét những cơ hội và thách thức của công nghệ mới với mục đích làm tăng hàm lượng dịch vụ trong sản xuất, hướng tới cung cấp căn cứ cho tranh luận và trao đổi, hoạch địch chính sách ở Việt Nam và những cá nhân mong muốn tham gia vào thị trường mới sản xuất.

Bên cạnh cơ hội dành cho người lao động, Ông Kyle Kelhofer chỉ ra thách thức đối với Việt Nam trong việc vận dụng ý nghĩa nội dung của cuốn sách để xây dựng định hướng cho tương lai phát triển dựa trên sản xuất.

Tại Hội thảo, Bà Mary C. Hallward-Driemeier và Ông Gaurav Nayyar đã giới thiệu khai quát một số kết quả nghiên cứu chính của cuốn sách và tham luận “Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất chế tạo: Cơ hội và thách thức”. Theo đó, trong bối cảnh tác động của công nghệ mới và toàn cầu hóa thay đổi, cuốn sách tập trung nhận định rằng các “doanh nghiệp truyền thống” sẽ không thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng việc làm dựa trên sản xuất tại các nước đang phát triển; các cơ hội tạo thu nhập, việc làm hoàn toàn có thể được nắm bắt và thành công đòi hỏi cách tiếp cận mới để thúc đẩy sản xuất, trong đó chú ý đến khả năng kết nối của từng nền kinh tế, trong bối cảnh biến đổi của thương mại quốc tế và yêu cầu đặt ra bởi thị trường và khả năng tài chính.

 

Các tác giả - Bà Mary C. Hallward-Driemeier và Ông Gaurav Nayyar giới thiệu cuốn sách và trình bày tham luận tại Hội thảo

Trang bìa ấn phẩm “Sự thách thức đối với sản xuất? Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên<br>sản xuất chế tạo”

Thông qua giới thiệu cuốn sách các tác giả cũng đưa ra một số thông điêp chính: (1) Sản xuất sẽ tiếp tục là một thành phần của chiến lược phát triển; (2) Một số ngành công nghiệp sản xuất vẫn tiếp tục là điểm đầu vào khả thi đối với các nước đang trong quá trình chuyển đổi sang công nghiệp hóa và là động lực tạo việc làm cho nhóm lao động không có kỹ năng; (3) Nhóm ngành dịch vụ đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng đối với sự thành công của sản xuất và bản thân các dịch vụ cũng là nguồn lợi nhuận đáng kể và tạo việc làm; (4) Khẩn cấp phù hợp hơn là báo động; (5) Cần phải cân bằng trọng tâm vào những đột phá và định vị sẵn sàng cho các cơ hội mới.

Các đại biểu tham dự đánh giá cao kết quả công trình nghiên cứu và những kết luận của cuốn sách đặt ra. Bên cạnh đó hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận xoay quanh câu hỏi cơ hội và thách thức về tương lai của ngành sản xuất toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt biệt là Việt Nam đang trên con đường nỗ lực để nắm bắt những cơ hội và triển vọng trong phát triển kinh tế dựa trên sản xuất, tận dụng đổi mới và sáng tạo từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với đó, các nhà khoa học cũng bình luận các vấn đề gắn với tình hình thực tiễn và xu thế của Việt Nam, đưa ra kịch bản và dự báo để từ đó thiết lập lộ trình bắt đầu với những ngành mũi nhọn của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp (xây dựng nông nghiệp thông minh, sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng và tiết kiệm chi phí lao động); đô thị (thành phố thông minh kết nối vạn vật Internet, sáng tạo kinh doanh và dịch vụ…).

Hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia, nhà khoa học và học giả VASS và WB. Đồng thời cuốn sách “Sự thách thức trong sản xuất? Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất” mang đến bộ khung tham khảo quí giá, góp phần hỗ trợ, tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp mới để thúc đẩy sự phát triển dựa trên sản xuất trong bối cảnh công nghệ và toàn cầu hóa hiện nay.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác