Hội thảo vinh dự được đón tiếp GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Graham Knight, đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam và Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc UNDP Việt Nam đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và một số Bộ, ngành tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức nêu rõ: Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới quá trình tăng trưởng nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bền vững và mang tính bao trùm. Cải cách ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, với 98% hộ gia đình Việt Nam tiếp cận được điện lưới - một trong những kết quả quan trọng của 30 năm Đổi mới, cũng như nền kinh tế duy trì được tăng trưởng khá, nhu cầu đối với điện có xu hướng tăng nhanh, đòi hỏi phải thực hiện cải cách ngành điện, trong đó có cải cách giá cả.
Cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện, giảm bù lỗ từ ngân sách trong bối cảnh Việt Nam nợ công ở mức cao, qua đó giúp ổn định được nền tài chính quốc gia, giảm sức ép lên môi trường do việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện và thủy điện tạo ra. Trong tương lai, với nhu cầu sử dụng điện được dự báo tăng nhanh, sức ép tăng giá là khó tránh khỏi, trong khi đó, bất cứ một sự tăng giá nào cũng đều phải đảm bảo rằng sự tăng đó là bất khả kháng, không phải do sự kém hiệu quả hay lãng phí gây ra. Điều hết sức quan trọng nữa là trong trường hợp sự tăng giá là bất khả kháng thì công bằng xã hội phải được bảo đảm. Người nghèo, người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách… được bảo vệ một cách hiệu quả trong các cuộc cải cách ngành điện theo định hướng thị trường.
|
|
|
|
|
Đây là những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực không những của ngành điện, các ngành có liên quan, mà còn đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng các nhà nghiên cứu, các đối tác… để có những tính toán phân tích số liệu bài bản, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế qua đó đưa ra những đề xuất tốt nhất giúp ngành điện có thể phát triển trên cơ sở đảm bảo hiệu quả về kinh tế, công bằng về xã hội, bền vững về tài chính và môi trường. Đồng thời, cũng cần đảm bảo tất cả những thay đổi về giá cần được truyền tải đến doanh nghiệp, người dân một cách minh bạch, hiệu quả nhằm đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Graham Knight khẳng định, tín hiệu về một thế giới tương lai với các-bon thấp đã hiện hữu, thể hiện ở Hiệp định Paris. Vương quốc Anh đã giảm 29% lượng khí thải so với năm 1990 và sẽ tiếp tục giảm 52% lượng khí thải vào năm 2028. Tại Việt Nam, cùng với các đối tác quốc tế khác, Đại sứ quán Vương quốc Anh sẽ cố gắng chỉ ra rằng tăng trưởng với lượng các-bon thấp hơn, sạch hơn không những chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn đưa đến một tương lai bền vững và thịnh vượng hơn.
|
Bà Akiko Fujii cho biết thêm, Hội thảo sẽ tập trung vào kết quả của nghiên cứu thứ tư và cũng là nghiên cứu cuối cùng trong chương trình hợp tác bắt đầu từ năm 2010 giữa UNDP và một loạt các đối tác trong nước nhằm hỗ trợ Chính phủ trong nỗ lực cải cách chính sách tài chính đối với nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam. Các biện pháp được đề xuất về thay đổi cơ cấu giá điện và trợ cấp tiền mặt không nhằm mục đích áp đặt trách nhiệm xã hội đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà nhằm hỗ trợ EVN tái định hình hệ thống tính phí sử dụng điện để tối ưu hóa phúc lợi và phân bổ lại chi phí giữa người sử dụng. Các biện pháp này là cơ sở cho một hệ thống tính phí đảm bảo bền vững về kinh tế xã hội và môi trường, vừa bảo trợ được người nghèo và vừa thúc đẩy tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Các đại biểu tham dự được nghe 02 báo cáo: (1) “Giảm thiểu tác động của cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đối với doanh nghiệp trong bối cảnh chính sách mới” do TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trình bày; (2) “Đảm bảo công bằng xã hội trong bối cảnh cải cách ngành năng lượng theo hướng chuyển sang cơ chế thị trường tại Việt Nam” - TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo trình bày.
TS. Nguyễn Thắng (ảnh trái) và TS. Nguyễn Mạnh Hải (ảnh phải) trình bày tham luận tại Hội thảo
Các báo cáo đề xuất một lựa chọn chính sách khác cho việc duy trì giá ưu đãi cho 30 kWh điện tiêu thụ đầu tiên mỗi tháng, đó là duy trì mức giá hiện hành đối với bậc thang đầu và tích hợp việc trợ cấp tiền mặt hiện nay vào các chương trình hỗ trợ xã hội khác. Để đảm bảo công bằng xã hội trong bối cảnh cải cách ngành điện tại Việt Nam, thì xu hướng tăng giá điện trong năm 2017 và những năm tiếp theo là tất yếu, nhưng các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm bảo trợ các nhóm thu nhập thấp trong điều kiện tăng giá điện chưa đảm bảo hiệu quả và công bằng. Báo cáo chỉ ra một số hạn chế của các biện pháp hiện hành và đề xuất một cơ chế mới cho các biện pháp giảm thiểu tác động nhằm đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình chuyển đổi sang thị trường điện bán lẻ hoàn toàn cạnh tranh và nền kinh tế các-bon thấp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, báo cáo đề xuất Chính phủ hỗ trợ và khuyến khích áp dụng các sáng kiến và công nghệ tiết kiệm năng lượng, để các doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ những thay đổi về giá điện và dễ dàng vượt qua giai đoạn chuyển đổi.
Các tác giả cũng đề xuất ngành điện nên tích cực tìm kiếm khai thác khả năng tăng quy mô sản xuất của các dạng năng lượng thay thế như điện gió và điện mặt trời. Những đột phá công nghệ giúp giảm chi phí của các nhà máy điện và tăng khả năng phân bổ sản xuất điện tại địa phương, nhờ đó người tiêu dùng có thể giảm bớt tiền điện và các lưới điện quy mô nhỏ có thể giúp những cộng đồng vùng sâu vùng xa và biển đảo được sử dụng điện.
Hội thảo là dịp để các đại biểu có một cuộc thảo luận sôi nôi, hiệu quả nhằm cung cấp đầu vào có cơ sở khoa học, luận cứ vững chắc để các cơ quan hoạch định chính sách tham khảo, sử dụng cho quá trình thực hiện cải cách ngành điện ở Việt Nam./.
Nguyễn Thu Hà