Hội thảo “Hợp tác nghiên cứu lịch sử Đông Á giữa Việt Nam – Hàn Quốc”

17:00 06/05/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Hướng tới kỷ niệm 25 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, ngày 5/5/2017, tại Hội trường 3D, trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Quỹ Lịch sử Đông Bắc Á (NAHF) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác nghiên cứu lịch sử Đông Á giữa Việt Nam - Hàn Quốc” nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu lịch sử của các nhà sử học Việt Nam và Hàn Quốc trong thời gian qua, từ đó đề xuất cơ hội hợp tác khoa học giữa VASS và NAHF nói riêng và Việt Nam – Hàn Quốc nói chung.

Tham dự Hội thảo, về phía Hàn Quốc có GS. Hosup Kim, Chủ tịch Quỹ Lịch sử Đông Á; TS. Kishik Noh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc, NAHF; TS. Jeong – il Lee, Trưởng ban Ban Đối ngoại và quan hệ công chúng, NAHF cùng đông đảo các nhà nghiên cứu của NAHF. Về phía Việt Nam có PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học; TS. Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ và TS. Trần Thị Phương Hoa, Phó Viện trưởng Viện Sử học; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học; ThS. Văn Thị Thanh Bình, Phó Trưởng ban Ban Hợp tác quốc tế cùng sự hiện diện của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành của VASS.

PGS.TS. Đinh Quang Hải và GS. Hosup Kim chủ trì tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đã khẳng định: Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, có mối quan hệ gắn bó lâu đời và có nhiều điểm khá tương đồng trong lịch sử phát triển. Các tài liệu và thư tịnh cổ đã cho biết, ngay từ cuối thế kỉ XII, dòng họ Lý Tinh Thiện đã đến định cư tại Triều Tiên và đến giữa thế kỉ XIII dòng họ Lý Long Tường (hậu duệ của Vương triều Lý) cũng đã định cư tại Triều Tiên; Đặc biệt Lý Long Tường (Lý Hoa Sơn) đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với lịch sử đấu tranh xây dựng và giữ nước của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Đại Việt và Triều Tiên cũng có quan hệ trao đổi buôn bán sớm và rất phát triển trên con đường thương mại  hàng hải, giao lưu quốc tế. Ngoài ra còn có nhiều cuộc trao đổi tiếp xúc giữa  các đoàn sứ thần Việt Nam – Triều Tiên tại Yên Kinh (Bắc Kinh).

Trong thời kì thuộc địa, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, cùng bị các đế quốc xâm lược cai trị (Hàn Quốc bị Nhật Bản xâm lược, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược); sau chiến tranh thế giới thứ hai, bước vào thời kì chiến tranh lạnh, cuộc chiến tranh (1950-1953) đã dẫn đến việc chia cắt hai miền Nam – Bắc Triều Tiên bởi vĩ tuyến 38, mà sự chia cắt đó cho đến nay vẫn chưa được giải quyết; đối với Việt Nam, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hiệp định Giơnevơ được kí kết (năm 1954), Việt Nam bị chia cắt hai miền Năm – Bắc bởi vĩ tuyến 17, sau 21 năm, đến năm 1975 Việt Nam được thống nhất. Tiếp đó bước vào thời kì đổi mới và phát triển. Cho đến nay, trải qua 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển tốt đẹp.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Đinh Quang Hải nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các nhà khoa học Hàn Quốc và Việt Nam; điểm lại những nét chủ yếu trong mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc; đồng thời ca ngợi những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong 25 năm qua. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có số lượng đầu tư lớn nhất và có  hiệu quả tại Việt Nam và Việt Nam cũng có hàng chục vạn lao động đang làm việc tại Hàn Quốc cùng hàng chục vạn cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa của Việt Nam – Hàn Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên tinh thần trao đổi khoa học, PGS.TS. Đinh Quang Hải hi vọng, qua 5 phiên họp , gồm 12 báo cáo tham luận trình bày và 14 ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc đã sẽ có cơ hội trao đổi học thuật và  hiểu biết sâu sắc hơn trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử của hai nước. Trên cơ sở phương pháp nghiên cứu so sánh, các học giả đã phát hiện thêm những điểm mới và những vấn đề cần sáng tỏ trong lịch sử hai quốc gia.

Toàn cảnh Hội thảo

Trong phát biểu chào mừng, đại diện cho NAHF, Chủ tịch GS. Hosup Kim trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của VASS, trên cơ sở bản ghi nhớ (MOU) đã ký kết giữa VASS và NAHF vào ngày 04/5/2017, hai bên sẽ triển khai nhiều hoạt động giao lưu học thuật diễn ra trong thời gian tới; đồng thời chia sẻ về kế hoạch tổ chức hội thảo tại Hàn Quốc. Qua đó mong muốn được tiếp đón các nhà khoa học Việt Nam đến thăm và tham dự hội thảo.

GS.TS. Tống Trung Tín trình bày tham luận tại Hội thảo   TS. Jeongbin Lee trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo nhận được 13 báo cáo, trong đó có 12 tham luận được trình bày và chia làm 05 phiên thảo luận theo các thời kỳ lịch sử: 1. Thời kỳ Cổ đại (GS.TS. Tống Trung Tín, Viện Khảo Cổ học - VASS; TS. Jeongbin Lee, NAHF); 2. Thời kỳ Trung cổ (GS. Nguyễn Đức Nhuệ, VASS; GS. Jung-il Lee, NAHF); 3. Thời kỳ thuộc địa (TS. Trần Thị Phương Hoa, TS. Huyn Ju Seo); 4. Thời kỳ chiến tranh Lạnh (TS. Lương Thị Hồng Viện Sử học và TS. Đặng Thúy Hà, Viện Nghiên cứu Trung Quốc - VASS; TS. Byungsoo Oh, NAHF); 5. Các vấn đề lãnh thổ và hàng hải (TS. Bùi Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu Trung Quốc - VASS và TS Wontaek Rhee, NAHF) cùng với 14 ý kiến phát biểu phản biện của các nhà khoa học Việt Nam – Hàn Quốc (TS. Phạm Quốc Quân, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; GS. Seongje Lee; TS. Lý Xuân Chung, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; GS. Chang Wook Lee; GS. Vũ Huy Phúc, Viện Sử học; TS. Jangbae Park; PGS.TS. Đinh Quang Hải; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; TS. Byongtaek Lee…) đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử mà trước hết là đã khái quát những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc về các thời kỳ lịch sử.

GS.TS.Đỗ Tiến Sâm và TS. Byongtaek Lee phát biểu phản biện tại Hội thảo

Nội dung các tham luận đã có nhiều phát hiện mới về những vấn đề lịch sử của hai quốc gia. Nhiều vấn đề lịch sử mà hai bên cùng quan tâm đã tìm được tiếng nói chung trong nghiên cứu; đồng thời các tác giả cũng chỉ ra những vấn đề lịch sử còn chưa sáng tỏ, cần được cả hai phía Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục đi sâu nghiên cứu (bằng phương pháp nghiên cứu so sánh và cách tiếp cận nghiên cứu mới) cũng như đặt ra những vấn đề cần định hướng nghiên cứu trong thời gian tới, tập trung vào những nội dung như sau:

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

1/ Nghiên cứu Nhà nước Cổ Châu Sơn trong quan hệ với Nam Việt và Trung Quốc.

2/ Phương thức trị vì ở Việt Nam và Triều Tiên sau thời kỳ nhà Hán cai trị.

3/ Ảnh hưởng của văn hóa Hán và sự phản ứng của văn hóa bản địa trước sự tác động của văn hóa Hán.

4/ Cần có những nghiên cứu sâu sắc, bài bản có hệ thống hơn xung quanh dòng họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Hoàng tử Lý Long Tường- hậu duệ của Vua Lý vượt biển định cư ở Triều Tiên, qua đó hai bên cần phối hợp sưu tầm và dịch các sách, tài liệu liên quan.

5/ Sự đối ứng của Việt Nam và Hàn Quốc đối với trật tự khu vực.

6/ Sự thay đổi về lãnh thổ, chính sách di dân.

7/ Sự giao lưu, tiếp xúc của các đoàn sứ thần của Việt Nam và Hàn Quốc ở Bắc Kinh.

8/ So sánh chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam và Nhật Bản ở Hàn Quốc.

9/ Nghiên cứu lịch sử biển, hàng hải và chế độ quản lý lãnh thổ trong quá khứ.

10/ Vấn đề lãnh thổ hàng hải trong thời lỳ xâm lược và cai trị của thực dân, đế quốc.

11/ Một số lĩnh vực khác: vấn đề đặc khu kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; vấn đề đại lục, tiêu chuẩn hóa tên gọi các hòn đảo…

12/ Nhóm nghiên cứu liên quan đến cấu trúc trật tự trên biển.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, đây thực sự là diễn đàn trao đổi học thuật hữu ích nhằm gợi mở những nội dung lịch sử của hai nước cần nghiên cứu sâu hơn và cũng là một dấu mốc quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học giữa VASS - NAHF nói riêng và quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ trong hiện tại và tương lai.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác