Đến dự và chỉ đạo hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm. Tham dự hội thảo, về phía Ban Tổ chức - Cán bộ, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì hội thảo, có PGS.TS. Trần Minh Tuấn - Trưởng ban, TS. Phạm Minh Phúc - Phó Trưởng ban và toàn thể công chức, viên chức của Ban Tổ chức - Cán bộ; về phía các đơn vị trực thuộc có các đồng chí đại diện Lãnh đạo, Cấp ủy, BCH công đoàn, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên và đại diện viên chức được kéo dài thời gian công tác; cùng sự có mặt của các đồng chí đại diện Đảng ủy, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các đồng chí đại diện Lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Minh Tuấn cho biết: Tính đến nay, trong toàn Viện Hàn lâm có 34/37 đơn vị trực thuộc thực hiện chế độ kéo dài thời gian công tác đối với 106 viên chức (80 nam, 26 nữ), trong đó: 09 Giáo sư,Tiến sĩ; 03 Phó Giáo sư,Tiến sĩ khoa học; 78 Phó Giáo sư,Tiến sĩ; 16 Tiến sĩ.
Từ góc độ quản lý, qua thực tế hai năm thực hiện chế độ kéo dài thời gian công tác đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao theo Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, đa số các đơn vị thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định, tuy nhiên ở một số đơn vị còn mang tính hình thức. Hầu hết, công chức, viên chức khi được thực hiện chế độ kéo dài đều có tâm huyết, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia công tác đào tạo, giảng dạy sau đại học và bồi dưỡng thế hệ trẻ, góp phần xây dựng, củng cố khối đoàn kết tại đơn vị; nhưng cũng có một số viên chức chưa có những đóng góp thiết thực đối với các hoạt động trên.
Toàn cảnh Hội thảo
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 35 tham luận của 35/37 đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm gửi về, trong đó có 33 đơn vị đã thực hiện chế độ kéo dài thời gian công tác đối với viên chức. Các tham luận đều chỉ ra thực trạng của việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức của đơn vị mình, bên cạnh đó đã phân tích ở các mức độ khác nhau về những thuận lợi, khó khăn, chỉ ra hiệu quả và cả những bất cập, hạn chế khi thực hiện việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức.
Nhìn chung, các đơn vị đều cho rằng chính sách kéo dài thời gian công tác đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ đủ tuổi nghỉ hưu của Nhà nước là đúng đắn và cần thiết trong điều kiện hiện nay, không chỉ thể hiện sự tôn trọng, trọng dụng các nhà khoa học, các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, mà còn tạo điều kiện để họ có thể đóng góp trí tuệ vào hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nước nhà.
Về cơ bản, số viên chức được kéo dài thời gian công tác có ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành quy định kỷ luật lao động của cơ quan, giữ vững khối đoàn kết trong đơn vị. Tuy nhiên, một số viên chức trong diện xem xét kéo dài xuất hiện tư tưởng mình đương nhiên được kéo dài vì có trình độ cao, có nhiều đóng góp trước đây... nên không chỉ tỏ thái độ không hợp tác trong quá trình chấp hành sự phân công của lãnh đạo đơn vị, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương, mà còn đòi hỏi các chế độ và điều kiện làm việc quá mức trong bối cảnh các đơn vị hiện có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất... Mặt khác, một số lãnh đạo đơn vị còn có tâm lý nể nang, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, vì vậy, dẫn đến tình trạng viên chức đến tuổi nghỉ hưu được kéo dài thời gian công tác theo quy định ở một số đơn vị còn mang tính hình thức.
Toàn cảnh Hội thảo
Trong quá trình thực hiện chính sách nói trên, đã có không ít băn khoăn về việc kéo dài thời gian công tác đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao ảnh hưởng tới việc tuyển dụng, xây dựng đội ngũ viên chức nghiên cứu và giảng dạy kế cận. Điều này đồng nghĩa với số viên chức nghỉ hưu sẽ giảm, tất yếu dẫn đến tình trạng trong khoảng 5 năm tiếp theo sẽ thiếu đội ngũ viên chức nghiên cứu, giảng dạy được tuyển dụng mới vì không có chỉ tiêu biên chế bổ sung…Bên cạnh đó, Nhà nước chủ trương tinh giản biên chế, số lượng biên chế không tăng mà còn giảm so với số lượng hiện có.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu xung quanh các vấn đề như tiêu chuẩn, điều kiện để kéo dài; quy trình, thủ tục, phân cấp trách nhiệm theo quy định của Viện Hàn lâm như hiện nay có những gì phù hợp, bất cập; những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chế độ kéo dài thời gian công tác đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao khi đủ tuổi nghỉ hưu…
Trước khi kết luận Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm, nêu rõ: (1) Viện Hàn lâm chủ trương thu hút nhân tài, mặc dù khó khăn về biên chế nhưng sẵn sàng ưu tiên chỉ tiêu cho bất cứ đơn vị nào, miễn là thu hút được những người thực sự có trình độ, năng lực, có tâm huyết với nghề. (2) Hợp đồng lao động không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đơn vị nào tuyển dụng hợp đồng phải tự chi trả lương từ nguồn ngoài ngân sách Nhà nước.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Viện Hàn lâm đánh giá cao sự chuẩn bị tốt, đề xuất kịp thời của Ban Tổ chức - Cán bộ về Hội thảo. Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và Nghị định 141/2013/NĐ-CP tạo cơ hội cho viên chức có trình độ chuyên môn cao có cơ hội tiếp tục kéo dài thời gian công tác tối đa đối với giáo sư đến 70 tuổi, phó giáo sư đến 67 tuổi và tiến sĩ là 65 tuổi, nhưng có thể không kéo dài đối với những trường hợp cụ thể. Vì vậy, việc kéo dài thời gian công tác về mặt pháp lý phải tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Viện Hàn lâm đã thực hiện trong 2 năm qua.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn khẳng định, về kéo dài thời gian công tác đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao, cần tuân thủ các điều kiện: (1) Phải có sự thống nhất từ hai phía: người lao động (nguyện vọng) và cơ quan sử dụng lao động (có nhu cầu) và phải trân trọng người lao động. (2) Phải xét theo từng Viện, từng cá nhân cụ thể: chuyên môn tốt đáp ứng được yêu cầu, có tinh thần đoàn kết xây dựng cơ quan. (3) Góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế cận, nâng cao vị thế và uy tín của cơ quan. (4) Về thẩm quyền, theo hướng dẫn của Viện Hàn lâm trước đây là giao cho Viện trưởng quyết định trên cơ sở thực hiện đúng quy trình, thủ tục, có báo cáo và được sự chấp thuận, đồng ý của Viện Hàn lâm; trường hợp thuộc thẩm quyền của Viện Hàn lâm sẽ bàn và hướng dẫn cụ thể sau. (5) Về xác định các tiêu chí, Ban Tổ chức - Cán bộ sẽ xây dựng tiêu chí khung, còn việc lượng hóa và đánh giá cụ thể vẫn phải theo đặc thù của các đơn vị. (6) Việc viên chức được kéo dài thời gian công tác có được tham gia làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ, cấp cơ sở hay không, thực tế những năm qua mỗi đơn vị vận dụng một cách khác nhau, nhưng chủ trương chung Lãnh đạo Viện Hàn lâm mong muốn là các đồng chí này phải cố gắng khai thác nguồn đề tài bên ngoài để tăng thêm nguồn lực chung cho cơ quan; trong những trường hợp cần thiết, đặc biệt với các đồng chí có chuyên môn đặc thù thì Viện Hàn lâm và đơn vị vẫn có thể giao cho làm chủ nhiệm đề tài. (7) Về điều kiện làm việc, Chủ tịch Viện Hàn lâm mong viên chức được kéo dài thời gian công tác thông cảm, chia sẻ với điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm hiện nay.
Cuối cùng, Giáo sư Chủ tịch Viện Hàn lâm giao Ban Tổ chức - Cán bộ trên cơ sở ý kiến của đại biểu và Kết luận Hội thảo, xây dựng Quy chế hoặc chỉnh sửa văn bản hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Sau khi Ban Tổ chức - Cán bộ soạn thảo xong sẽ lấy ý kiến các đơn vị bằng văn bản, sau đó Chủ tịch Viện Hàn lâm sẽ ký ban hành./.
Nguyễn Thu Hà