Hội thảo khai mạc Dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân”

08:24 03/12/2017
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Sáng ngày 29/11/2017, tại Hội trường 3C, nhà B, trụ sở số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS) phối hợp với các đối tác gồm Đại học Naples “Phương Đông” (Italy); Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển (Việt Nam – VUSTA) và Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (Việt Nam) tổ chức hội thảo khai mạc Dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân”. Đây là dự án được Liên minh Châu Âu (EU) đồng tài trợ, thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 5/2021.

Tham dự hội thảo có Ông Tom Corrie, Phó Ban Phát triển, tham tán Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; Ông Antonio Adrian Garcia, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam; Ông Etienne Rolland Piegue, Tham tán các vấn đề hợp tác và văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam PGS.TS. Nguyễn An Hà, Điều phối Dự án, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Đỗ Tá Khánh, Giám đốc Dự án, Viện Nghiên cứu Châu Âu cùng đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, các trường đại học và cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm.

PGS.TS. Nguyễn An Hà phát biểu khai mạc tại Hội thảo   Ông Tom Corrie phát biểu chào mừng tại Hội thảo

Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế khu vực và thế giới, thông qua việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Sự hội nhập đã mang đến các dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đổ vào Việt Nam cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong nước. Cơ cấu nền kinh tế đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, cùng với sự dịch chuyển đó là sự dịch chuyển lao động. Một bộ phận lớn lao động ở nông thôn đã di cư ra các khu vực phát triển công nghiệp tập trung ở các đô thị và vùng cận đô thị.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, trong đó có các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Châu Âu cho thấy, sự di cư của người lao động không có tính bền vững. Bên cạnh đó, trong khi àm việc, một bộ phận rất lớn trong lực lượng lao động còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện làm việc và sinh sống. Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện chính thức cho người lao động đã có nhiều hoạt động thiết thực đại diện và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, do quy mô thị trường lao động phát triển nhanh, công đoàn Việt Nam chưa bao quát rộng được các góc cạnh đời sống của người lao động.

GS.TS. Pietro Masina, Đại học Naples và PGS.TS. Nguyễn An Hà chủ trì phiên 1   PGS.TS. Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển và TS. Đỗ Tá Khánh chủ trì phiên 2

Thay mặt Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Châu Âu, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Hà nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp thiết của các tổ chức xã hội trong việc tham gia hỗ trợ người lao động, góp phần bổ trợ cho các hoạt động của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, sự tham gia của các tổ chức xã hội có liên quan đến lao động cũng góp phần vào việc giám sát sự thực thi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác, trong đó có hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Ngoài ra, PGS Viện trưởng cũng khẳng định vai trò quan trọng của khoa học xã hội, cụ thể là những nghiên cứu của VASS góp phần hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách cho đất nước, hướng tới tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường cũng như đảm bảo sinh kế bền vững cho mọi người dân, đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh”.

Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn An Hà trân trọng mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – EU trong 20 năm qua và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc về những hỗ trợ cũng như sự ủng hộ quý báu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện nói riêng và sự phát triển của khoa học xã hội tại Việt Nam nói chung. PGS Viện trưởng bày tỏ niềm tin vào kinh nghiệm và sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác, dự án “Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân” sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

Toàn cảnh Hội thảo

Đại diện Liên minh Châu Âu – cơ quan tài trợ của Dự án, phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Ông Tom Corrie đã khái quát những nét chính về mối quan hệ lịch sử giữa EU và Việt Nam; nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng Hiệp định thương mại tự do VN – EU sẽ mở ra những cơ hội thương mại cho cả hai bên bao gồm những nội dung quan trọng về phát triển bền vững, quản trị và quyền lao động. Theo đó, Ông Tom Corrie khẳng định vai trò then chốt của xã hội dân sự Châu Âu và Việt Nam trong việc đưa ra những góc nhìn tổng quát về mối liên hệ giữa thương mại và phát triển bền vững; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Viện Nghiên cứu Châu Âu trong quá trình triển khai dự án và sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Viện để thực hiện dự án này trong những năm tới.

Tại Hội thảo, TS. Đỗ Tá Khánh giới thiệu mục tiêu, nội dung và các kết quả dự kiến của Dự án. Mục tiêu của Dự án hướng đến nhằm tăng cường năng lực quản trị nội bộ, tính giải trình và địa vị pháp lý của các tổ chức xã hội liên quan đến lao động qua việc nâng cao năng lực kết nối, nghiên cứu và vận động chính sách dựa trên thực chứng. Dự án được thực hiện ở ba vùng kinh tế trọng điểm gồm vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Nam, tương ứng với 3 khu vực công nghiệp phát triển là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Các kết quả của dự án sẽ được phổ biến ở cả cấp trung ương và địa phương, qua các cuộc thảo luận chính sách và hội thảo do dự án tổ chức.

Hội thảo nhận được hai tham luận được chia làm 02 phiên thảo luận, tập trung vào hai chủ đề chính: (1) Cơ sở, mục tiêu và các hoạt động của dự án, đặc biệt là sự lựa chọn các tổ chức xã hội có liên quan đến lao động và tính hiệu quả của phương pháp tiếp cận của dự án đối với vấn đề vận động chính sách; (2) Các tác động của công nghiệp hóa và chiến lược phát triển công nghiệp đối với công nhân công nghiệp ở Việt Nam và thực trạng các tổ chức xã hội liên quan đến lao động ở TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi hữu ích đối với các nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội tại Việt Nam. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ gợi mở nhiều ý tưởng và tạo ra những động lực, hỗ trợ cho các lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp; đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, đóng góp vào đường lối phát triển đất nước nhằm thiết lập mạng lưới để cùng chung tay hợp tác, nghiên cứu và hành động giữa các đối tác trong Dự án. Qua đó góp phần vào sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam – EU trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác