Hội thảo vinh dự được đón tiếp đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội thảo có Nhà giáo Nhân dân, GS. Vũ Dương Ninh và PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy đến từ Khoa Quốc tế học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS.TSKH. Võ Đại lược và PGS.TS. Lê Văn Sang đến từ Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; Đại sứ, TS. Nguyễn Ngọc Trường, Đại sứ Nguyễn Vinh Quang và TS. Nguyễn Đình Luân đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ quốc tế; TS. Vũ Cao Phan, nguyên Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung; TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thiếu tướng, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng, Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng; PGS, TS. Nguyễn Thường Lạng đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân; đại diện Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao và đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á cùng đại diện của các vụ chức năng thuộc VASS. Đến tham dự Hội thảo còn có các đại diện đến từ Đại sứ quán Singapore, Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Nga và Đại sứ quán Malayssia.
|
|
|
Tham dự Hội thảo về phía cơ quan chủ trì và tổ chức Hội thảo có PGS.TS. Chu Đức Dũng, Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, cùng toàn thể hơn 50 cán bộ của Viện. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Chu Đức Dũng nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu; giới thiệu tóm lược chức năng và nhiệm vụ của Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới là nghiên cứu những vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế, từ đó đề xuất những cơ sở lý luận và thực tiễn để đóng góp vào hoạch định chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước; nhấn mạnh đến ý nghĩa và tính cấp thiết của chủ đề Hội thảo trong việc góp phần nâng cao nhận thức trước những biến động về an ninh tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương - Một khu vực phát triển động lực của thế giới trong thế kỷ XXI, nhưng sự chồng lấn và đan xen lợi ích của nhiều nước lớn trong và ngoài khu vực, cùng sự tác động của những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống nổi trội đã đặt châu Á - Thái Bình Dương trước những nguy cơ về xung đột và bất ổn. Những biến chuyển đó của an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đã đang đặt Việt Nam trước cả những cơ hội và trở ngại lớn trong việc bảo đảm một môi trường hòa bình ổn định để hỗ trợ cho công cuộc kiến tạo và chấn hưng nền kinh tế, cũng như tiến trình chủ động hội nhập khu vực và thế giới.
|
|
|
Đồng chí Vũ Khoan nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính Phủ và PGS.TS. Lê Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Với cách tiếp cận và dẫn dắt đó, PGS.TS. Chu Đức Dũng đã giới thiệu trước Hội thảo 4 nội dung chính sẽ được tập trung luận bàn là:
- Những nguy cơ và thách thức nổi trội đối với an ninh châu Á - Thái Bình Dương trong hiện tại và tương lai
- Các dạng thức hợp tác, liên kết an ninh hiện nay giữa các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, sự biến chuyển trong tương lai của các dạng thức này và vai trò của chúng trong tổng thể cấu trúc an ninh khu vực
- Những thay đổi trong chính sách đối ngoại an ninh của các trung tâm quyền lực chính trị - an ninh thế giới đối với châu Á - Thái Bình Dương và phản ứng chính sách của các quốc gia trong khu vực
- Việt Nam trong nội cảnh của những chuyển động về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương
Hội thảo nhận được 24 báo cáo, trong đó có 12 tham luận được trình bày tại Hội thảo, chia làm 04 phiên thảo luận gắn với từng chủ đề đã nêu ở trên.
Phát biểu tại Hội thảo, đ/c Vũ Khoan đã có phần bình luận gợi mở sâu sắc về khung phân tích chung đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và những vấn đề nảy sinh mới ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu dự báo nhằm bảo đảm tính cơ động, linh hoạt trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trước bối cảnh an ninh khu vực có những biến chuyển hết sức nhanh chóng và khó dự đoán như hiện nay.
Bên cạnh 12 tham luận, cùng 6 bình luận chính được trình bày theo kế hoạch, Hội thảo còn được tiếp nhận nhiều ý kiến bình luận, tranh luận và phản biện của các nhà khoa học tham dự tại hội thảo. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn của hội thảo nói chung, cũng như của các tham luận được trình bày và bình luận đã giúp phác họa được rõ hơn những nét chung nhất trong bức tranh an ninh khu vực, đã chỉ ra được những điểm nhấn mang tính đặc thù cùng những động thái chuyển dịch mới nhất trong cấu trúc an ninh của châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, thông qua việc trình bày của các báo cáo, phần bình luận và các ý kiến tranh biện, ... Hội thảo đã có những gợi mở hết sức có ý nghĩa đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới có những biến chuyển lớn về cấu trúc chính trị - an ninh - kinh tế như hiện nay.
Hội thảo lần này cũng góp phần gợi mở những hướng nghiên cứu mới về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nói riêng, hướng tới đảm bảo an ninh và phát triển đất nước trong tình hình mới. Hội thảo cũng đã làm tốt nhiệm vụ kết nối, chia sẻ tầm nhìn và tri thức giữa các nhà khoa học trong và ngoài VASS, cũng như với các quốc gia có đại diện đến tham dự.
Nguyễn Thu Trang