Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, giảng dạy như Văn phòng Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí Tuyên truyền …
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu, tính đến 13/12/2020, thế giới ghi nhận hơn 73 triệu ca mắc tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại dịch để lại nhiều tác động to lớn, chưa từng có tiền lệ, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. WTO dự báo thương mại toàn cầu giảm 13%, IMF cho rằng kinh tế Mỹ giảm tăng trưởng 8%, khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 10,5%, Nhật Bản giảm 5,8% và Trung Quốc tẳng trưởng ở mức 1%. Việc làm toàn cầu giảm, ILO cho rằng trong quí II/2020, tổng số giờ làm việc toàn cầu giảm 14% tương đương 400 lao động toàn thời gian.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viên Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng tiểu ban Khoa học xã hội chia sẻ: Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục có các diễn biến khó lường ở hầu khắp các lục địa trên thế giới và vấn đề ngăn chặn nó vẫn là bài toán hóc búa của mọi quốc gia. Ở Việt Nam ghi nhận 1.366 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 1.220 bệnh nhân đã điều trị khỏi. Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình dịch bệnh và đã kịp thời đề ra phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm chống lại đà lây lan của dịch bệnh. Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội luôn được coi là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, của Nhà nước và toàn xã hội.
GS.TS. Đặng Nguyên Anh nhấn mạnh, trong đại dịch, vấn đề hạnh phúc của nhân dân đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chú ý nhiều hơn. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng đã có nhiều quan điểm mới liên quan đến an sinh xã hội, bảo đảm hạnh phúc nhân dân, đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bền vững, phát triển bao trùm với mục tiêu xuyên suốt là không ai bị bỏ lại phía sau, đặt con người là trung tâm, nhân dân là chủ thể.
|
|
Tại phiên khai mạc, Ông Cung Đức Hân, Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao-Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, cho biết: Các tổ chức quốc tế cũng có nhièu nỗ lực trong việc giảm thiểu tác động của đại dịch Covid, điển hình như Hội nghị đặc biệt các bộ trưởng ASEAN phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển, tổ chức vào tháng 6 năm 2020 đã thông qua tuyên bố chung về giảm thiểu tác động của Covid-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo an sinh xã hội và tăng cường khả năng phục hồi cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch...
Ông Cung Đức Hân nhấn mạnh: khi dịch bệnh Covid bùng phát, Đảng và Nhà nước ta đã có những nhìn nhận đúng về Covid-19 và đã kịp thời đề ra phương hướng, triển khai thực hiện quyết liệt, cùng với sự đồng lòng của toàn dân, quyết tâm kiểm soát được dịch bệnh ở mức cao nhất. Tuy nhiên, một số biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh cũng tác động đến các nhóm dễ bị tổn thương, ảnh hưởng đến lao động, việc làm, an sinh xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh các biện pháp về kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có (hơn 62 nghìn tỷ đồng), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng xã hội…
|
|
|
|
|
|
Hội thảo nhận được 10 bài tham luận, có 05 tham luận được trình bày với các chủ đề: (1) An sinh xã hội của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, của TS. Bùi Hồng Việt, Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; (2) Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư tại Việt Nam, của BS. ThS. Nguyễn Thu Giang, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng và Mạng lưới Mnet; (3) Việc làm và thu nhập của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh đại dịch Covid-19, của PGS.TS Đặng Thị Hoa và TS. Bùi Thị Hương Trầm, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; (4) Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống của thanh niên, của TS. Đỗ Thị Thu Hằng và TS. Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên; (5) Tiếp cận bảo hiểm xã hội tự nguyện của nhóm lao động phi chính thức tại Hà Nội, của TS. Hồ Ngọc Châm, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Hội thảo là dịp để chúng ta cùng nhìn lại thực trạng, vai trò nguồn nhân lực thuộc các nhóm dễ bị tổn thương của Việt Nam, là cơ hội để các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách tăng cường mối liên kết vì mục tiêu phát triển xã hội bền vững, đề ra các giải pháp để đảm bảo được vấn đề tiếp cận an sinh xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương, đề ra các định hướng phát triển lâu dài, thích ứng với trạng thái phát triển lao động, việc làm và an sinh xã hội mới “hậu Covid-19”.
PV.