TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có TS. Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng biên tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Bùi Văn Huyền, Viện Trưởng Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Văn Thạo, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Về phía Viện Hàn lâm có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam; Các Phó Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam: TS. Lê Xuân Sang và TS. Hà Thị Hồng Vân; Các đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý, cơ quan trung ương, các hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh đánh giá cao ý nghĩa và mục tiêu của Hội thảo; đồng thời cho biết, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các chiến lược phát triển quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Muốn hiện thực hóa khát vọng đó, chúng ta không thể chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư công hay khai thác tài nguyên. Tăng trưởng nhanh phải đi liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, bao trùm, và có khả năng chống chịu với các rủi ro, biến động toàn cầu.
Phó Chủ tịch Đặng Xuân Thanh khẳng định, việc xác định và phát triển các động lực tăng trưởng mới – vừa có tính nền tảng, vừa có tính bứt phá – là yêu cầu cấp bách. Với vai trò là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của cả nước, Viện Hàn lâm luôn xác định sứ mệnh của mình là cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển quốc gia. Hội thảo hôm nay tiếp tục đóng góp thiết thực vào nỗ lực đó, đồng thời là một bước chuẩn bị, hướng tới việc tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong Kỷ nguyên mới” do Viện Hàn lâm tổ chức trong tháng 4/2025.
TS. Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phát biểu đề dẫn Hội thảo
Trong phát bài phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 8% (hoặc cao hơn) cho năm 2025 là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. Mục tiêu đầy tham vọng này thể hiện khát vọng đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá lên một tầm cao mới và được Chính phủ thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết số 25, lần đầu tiên giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cho 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương. Việc phân giao KPI tăng trưởng đến từng địa phương cho thấy một cách tiếp cận điều hành mới, tạo động lực phát triển và đổi mới sáng tạo từ cơ sở…
TS. Nguyễn Hải Nam cho rằng, bên cạnh bộ ba động lực tăng trưởng truyền thống, ứng dụng khoa học công nghệ tăng năng suất lao động và phát triển các động lực mới (đầu tư công, tiêu dùng và xuất khẩu) là tiền đề thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số giai đoạn 2026 – 2030.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Hải Nam cũng khẳng định, khoa học công nghệ đang là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế dựa trên các nền tảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain, điện toán đám mây, rô-bốt; đồng thời là nền tảng cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế, mở ra các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vật liệu mới, công nghệ năng lượng. Chuyển đổi số, kinh tế số cũng góp phần giảm chi phí, năng cao năng suất lao động, từ đó tăng tốc độ tăng trưởng cho Việt Nam. Theo đó, kinh tế số hướng tới mục tiêu chiếm tới 20% GDP năm 2025, và 30% GDP năm 2030.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo các đại biểu tập trung chia sẻ, thảo luận và làm rõ một số nội dung: (i) Xác định các tọa độ đột phá tăng trưởng nhanh bền vững năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; (ii) Giải pháp đột phá phát triển doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên tăng trưởng cao của đất nước; (iii) Tháo bỏ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” tạo đột phá huy động tối đa nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân; (iv) Xây dựng trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế nhằm kiến tạo động lực cho tăng trưởng mới; (v) Giải pháp đột phá để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững.
TS. Đậu Anh Tuấn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội thảo
Đề cập đến các rào cản lớn kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế, TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra 8 rào cản chính: Tính phi chính thức cao, năng suất thấp; Quan trị yếu kém, thiếu chuyên nghiệp; Thiếu liên kết chuỗi cung ứng; Kết nối với FDI và toàn cầu còn yếu; Công nghiệp hỗ trợ chưa phát trát triển; Khó khăn về vốn, đất đai và nhân lực; Thiếu hỗ trợ hội nhập FTA; Bất lợi trong kinh tế số, quy định chưa phù hợp. Và để giải quyết vấn đề, tháo gỡ khó khăn để phát triển doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng cần phải có các nhóm giải pháp đột phá, trong đó nhấn mạnh đến cải cách thể chế và môi trường kinh doanh.
PGS.TS. Trần Đinh Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam báo cáo tại Hội thảo
Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng để đạt được sự tăng trưởng bền vững, Việt Nam phải tư duy khác biệt và giải pháp đột phá là chìa khóa để Việt Nam có thể vượt qua các thách thức trong giai đoạn phát triển tới, không thể tiếp tục đi theo cơ chế cũ mà cần phải tìm ra một hướng đi mới, linh hoạt và phù hợp với thời đại, cần phải khơi thông các nguồn lực, quy trình thủ tục, bộ máy- con người.
TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi thẳng thắn của các đại biểu, qua đó cũng đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn cũng như động lực cho tăng trưởng 8% vào năm 2025; đồng thời đề xuất một số kiến nghị, giải pháp chính sách nhằm đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Các ý kiến của các đại biểu góp phần nhận diện và bồi đắp các động lực phát triển mới, trên nền tảng khoa học, sáng tạo và thực tiễn, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới./.