Hội thảo khoa học: Cần Thơ- Động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

17:00 11/10/2022
0:00
/
0:00
Cỡ chữ: A- | A+
Độ tương phản: - | +
Nhằm tìm hiểu về thực trạng và tiềm năng phát triển của thành phố Cần Thơ, với vai trò trung tâm của vùng Đông bằng sông Cửu Long, sáng ngày 11/10/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Cần Thơ- Động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía đầu cầu Cần Thơ có Ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế- Xã hội thành phố Cần Thơ; TS. Trần Hữu Hiệp, Đại học FPT Cần Thơ cùng các đồng chí ở các Sở, Ban, Ngành. Về phía đầu cầu Hà Nội, có GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội; PGS.TS. Lê Hải Đăng, Phó Viện trưởng; Bà Từ Thúy Quỳnh, Phó Viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Phạm Văn Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; TS. Phí Vĩnh Tường, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cùng toàn thể các nhà khoa học của Viện Thông tin Khoa học xã hội.

GS.TS. Hồ Sĩ Quý trình bày báo cáo tại Hội thảo

Cần Thơ là vùng đất có truyền thống văn hóa – lịch sử gần 300 năm, gắn với công cuộc mở đất phương Nam của Chúa Nguyễn và Mạc Thiên Tứ vào năm 1739. Thời thuộc địa, người Pháp coi Cần Thơ là địa bàn giữ vị trí chiến lược trọng yếu của vùng nên đã thành lập những đồn điền, cơ sở công nghiệp, chợ, bệnh viện, trường học…Qua 35 năm đổi mới, đặc biệt là sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, Cần Thơ đã chuyển mình, luôn thể hiện được tinh thần năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà thực tế Cần Thơ đã trở thành động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với những thành tựu rất đáng ghi nhận về nhiều chiều cạnh kinh tế, văn hóa- xã hội, hợp tác quốc tế, an ninh – quốc phòng…

Thay mặt Lãnh đạo Viện Thông tin Khoa học xã hội, phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Hải Đăng cho biết: Tiếp nối những thành tựu đã đạt được và khắc phục hạn chế trước đó, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Trong bối cảnh hiện nay, để Cần Thơ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bứt phá, PGS.TS. Lê Hải Đăng nhấn mạnh, Hội thảo cần tìm hiểu những điều kiện cần và đủ của Vùng cũng như những tiềm năng phát triển mới; nhìn nhận khách quan những thuận lợi, khó khăn, những nút thắt- rào cản cần tháo gỡ trong việc triển khai chiến lược phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Qua đó đề xuất những giải pháp phù hợp để góp phần hỗ trợ Cần Thơ trong việc xây dựng và điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và đảm bảo an ninh- quốc phòng…

ThS. Trần Nguyễn Mỹ Linh trình bày báo cáo tại Hội thảo

Hội thảo nhận được 07 tham luận, các diễn giả (GS.TS. Hồ Sĩ Quý; TS. Trần Hữu Hiệp; ThS. Trần Nguyễn Mỹ Linh, TS. Trương Thị Thu Trang, ThS. Nguyễn Thị Tâm và ThS. Bùi Đức Mậu, Viện Thông tin KHXH) tập trung trình bày các nội dung chính về tiềm năng, lợi thế và cơ hội của Cần Thơ- một trung tâm- động lực phát triển vùng ĐBSCL; Thành phố Cần Thơ trong vai trò trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của vùng ĐBSCL; Cơ hội, thách thức và giải pháp thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Cần Thơ thành trung tâm vùng ĐBSCL; Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ở Cần Thơ: thực trạng và giải pháp; Chuyển đổi số ở thành phố Cần Thơ; Giá trị của miễu thờ ở Cần Thơ; Tục thờ Bà- Cậu trong đời sống cư dân vùng sông nước Cần Thơ.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Những ý kiến tập trung nhấn mạnh và đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của Cần Thơ, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp và dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL và là 1 trong 6 đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở Cần Thơ đã được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, góp phần giúp Cần Thơ thực hiện vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tại (cả về đường bộ, đường thủy, đường hàng không), kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế.

TS. Phí Vĩnh Tường phát biểu ý kiến, bình luận tại Hội thảo

Bên cạnh những thành công, các đại biểu cũng thẳng thắn chia sẻ một số điểm hạn chế trong quá trình phát triển thành phố Cần Thơ về tiềm năng phát triển kinh tế (công nghiệp và dịch vụ chưa có sự phát triển đột phá gắn với ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư); hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, hành không) chưa hiện đại và đồng bộ, thiếu tính kết nối, chất lượng chưa cao; chưa thực sự phát huy vao trò đô thị hạt nhân trong liên kết và kết nối vùng; việc quản lý và hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú, đa đạng và kết nối cao của Cần Thơ vẫn còn hạn chế; sự chuyển biến về giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ còn chậm...

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, phát biểu bế mạc, PGS.TS. Vũ Hùng Cường nhấn mạnh đến nhiệm vụ được đặt ra đối với Cần Thơ theo Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, PGS.TS. Vũ Hùng Cường cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Viện Thông tin KHXH trong việc định hướng nghiên cứu, thông tin khoa học và tư vấn chính sách ngày càng sát với những vấn đề cấp thiết, thực tiễn nổi bật của thế giới, khu vực và trong nước cũng như trong xây dựng và phát triển hệ thống thư viện điện tử- thư viện số Viện Hàn lâm.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Với bước chuyển mình  mạnh mẽ của thành phố Cần Thơ và Viện Thông tin KHXH, PGS.TS. Vũ Hùng Cường mong muốn hai bên sẽ cùng đề xuất, thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên nhiều phương diện; đồng thời trân trọng cảm ơn các đồng chí đại diện Lãnh đạo Viện Kinh tế- xã hội thành phố Cần Thơ, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Dư luận xã hội, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu Văn hóa và các đại biểu tham dự đã có những ý kiến đóng góp về khoa học và thực tiễn giàu giá trị. Qua đó góp phần gợi mở nhiều vấn đề có tính chiến lược phát triển đối với thành phố Cần Thơ cũng như định hướng hiệu quả trong hoạt động khoa học, tư vấn chính sách của Viện Thông tin KHXH trong thời gian tới.

Nguyễn Thu Trang

In trang Chia sẻ

Tin khác